Sự kiện hot
6 năm trước

1001 lý do khiến sinh viên thích nghỉ Tết dài ngày

Nhiều sinh viên tỏ ra ngạc nhiên khi biết tin một số sinh viên khác đang kêu gọi nhà trường rút ngắn thời gian nghỉ Tết.

Thời điểm này, rất nhiều sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng đang “rục rịch” chuẩn bị đồ đạc “khăn gói” về quê đón Tết cùng gia đình trong không khí háo hức. Theo quy định riêng của từng trường, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của các trường trung bình từ 2-3 tuần.

Đáng chú ý, Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho sinh viên nghỉ Tết lên tới 4 tuần (28 ngày), từ ngày 29/1 đến hết ngày ngày 25/2. Bắt đầu từ ngày 26/2, sinh viên toàn trường bắt đầu học kỳ 2 năm học 2017 - 2018.

Đề xuất nên rút ngắn thời gian nghỉ Tết của sinh viên đang làm "nóng" diễn đàn sinh viên của nhiều trường đại học.

Trên diễn đàn của một số trường đại học bất ngờ xuất hiện ý kiến cho rằng nhà trường cho sinh viên nghỉ Tết quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên và đào tạo của nhà trường.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì rất nhiều các sinh viên đều thích được nghỉ Tết dài ngày. Nguyễn Đức Duy, sinh viên năm 2 khoa Kinh tế Luật – ĐH Thương Mại là một tronh những người như vậy.

“Mỗi năm chỉ có một lần Tết để học sinh, sinh viên nghỉ ngơi, thư giãn, “xốc” lại tinh thần trước khi bước vào năm mới, học kỳ mới. Mình cảm thấy thời gian nghỉ Tết 2-3 tuần là không dài mà cân đối giữa trước và sau Tết.

Đối với những bạn ở xa quê chỉ mong ngóng Tết về đoàn tụ, ngồi trên tàu xe nhiều khi còn hơn cả 1 ngày mới về đến nhà, về chưa ấm chỗ đã lên thì rất vất vả. Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng có gia đình riêng và họ cũng cần phải nghỉ Tết như mọi người khác”, Duy phân tích quan điểm của mình.

Được biết, năm nay trường ĐH Thương mại quy định sinh viên được nghỉ Tết từ ngày 7 - 25/2.

Trong thời gian nghỉ Tết, Duy cho biết dự định sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp bố mẹ buôn bán, ăn tất niên cùng gia đình và học gói bánh chưng. Những ngày Tết, Duy sẽ đi thăm họ hàng, người thân, bạn bè và tham gia các hoạt động du xuân tại địa phương mình.

Cùng quan điểm, Nguyễn Chi Anh, sinh viên năm 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, năm nay tất cả sinh viên của trường được nghỉ 20 ngày. Chi rất mừng vì thời gian nghỉ Tết của trường năm nay không bị rút ngắn.

Chi Anh chia sẻ: “Trong năm học, sinh viên trường thường rất bận rộn với việc học. Lượng tín chỉ nhiều nên học gần như kín lịch, chưa kể những bạn đi làm nên việc nghỉ Tết dài ngày cũng là cách để các bạn bớt mệt mỏi.

Rất nhiều sinh viên thích nghỉ Tết dài ngày. Ảnh minh họa

Việc học tập thì mỗi người lại có một cách học khác nhau, nghỉ Tết dài không có nghĩa là mọi người sẽ học kém đi nên mình không đồng tình với ý kiến của bạn sinh viên muốn rút ngắn thời gian nghỉ Tết”.

Chi Anh cũng cho rằng, sinh viên chủ yếu nên dành thời gian tự học, tự nghiên cứu ở nhà là chính. Giảng viên và nhà trường cũng khuyến khích điều này.

Với nhiều sinh viên, thời gian nghỉ Tết không chỉ là nghỉ ngơi, du xuân, chuẩn bị năng lượng cho một năm mới hiệu quả trong học tập mà đây còn là thời gian để giúp đỡ gia đình mình.

Đỗ Diệu Hoa, quê Phú Thọ, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Mình ở gần Hà Nội hơn nhiều bạn khác nhưng mình vẫn thích được nghỉ dài ngày, có thể tranh thủ phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Ở quê mình thì Tết xong bố mẹ còn lo nhổ cỏ, đi cấy nữa. Thời gian nghỉ Tết mình có thể giúp đỡ bố mẹ phần nào đó công việc đồng áng”.

Hoa cho biết, như những năm trước, Tết Mậu Tuất sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội được nghỉ khoảng 3 tuần. Nhờ khoảng thời gian này Hoa có thể giúp bố mẹ cấy lúa xong trước khi bước vào buổi học đầu tiên trong năm mới.

Có sinh viên lại lựa chọn thời gian nghỉ Tết của mình dành cho công việc làm thêm dịp Tết. Gần Tết, nhu cầu tìm nhân viên part-time của các trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng rất cao. Do đó thu nhập và thưởng Tết cho các bạn đi làm thêm trong những ngày này có thể cao gấp 4-5 lần những ngày thường.

Tết năm nay, sinh viên Nguyễn Đăng Khoa (Viện ĐH Mở) dự định không về nhà mà tranh thủ đăng ký làm Tết tại Rạp chiếu phim quốc gia.

“Công việc của mình khá nhẹ nhàng, chỉ cần đứng tại quầy bán vé xem phim để bán vé, thu tiền về cho phòng chiếu, hướng dẫn khách hàng vào phòng chiếu. Thời gian làm việc 3h/ca, có thể chọn làm 1 ca hay nhiều ca trong ngày. Với mỗi ca làm việc mình được 300.000 đồng và được trả lương ngay sau khi kết thúc ca làm”, Khoa chia sẻ về công việc làm thêm thời vụ dịp Tết của mình.

Những công việc thời vụ Tết thường rất hút các sinh viên đi làm thêm bởi lương thưởng cao, không phải đặt cọc tiền và nhận được “tiền tươi thóc thật” ngay sau mỗi ca làm.

Đông Ca
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: