Sự kiện hot
12 năm trước

150 tàu chiến hùng mạnh của Mỹ sẽ đổ về Châu Á

Lầu Năm Góc sẽ triển khai 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến Châu Á-Thái Bình Dương trong vài năm tới. Dự kiến, vào năm 2020, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ đóng tại khu vực.

Lầu Năm Góc sẽ triển khai 60% hạm đội tàu chiến hùng hậu của nước này đến Châu Á-Thái Bình Dương trong vài năm tới. Dự kiến, vào năm 2020, sẽ có khoảng 150 tàu chiến Mỹ đóng tại khu vực. 

Đây là một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á. Những thông tin này vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tiết lộ ngày hôm nay (2/6) tại cuộc Đối thoại Shangri-La – một diễn đàn an ninh khu vực đang diễn ra ở Singapore.


Hải quân Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì hơn một nửa trong số tàu sân bay khổng lồ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hiện tại, đang có 6 trong số 11 tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Châu Á. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm xuống 5 khi tàu USS Enterprise “nghỉ hưu” trong năm nay. Đến năm 2015, số tàu sân bay ở Thái Bình Dương sẽ lại quay về con số 6 khi một con tàu mới mang tên USS Gerald R. Ford được hoàn thiện. Tàu sân bay vốn được mệnh danh là bá chủ của đại dương. Việc Mỹ cử một số lượng tàu sân bay lớn như vậy đến Châu Á cho thấy, họ thực sự coi trọng khu vực nổi tiếng năng động này.

Hiện tại, Hải quân Mỹ đang có trong tay lực lượng hùng hậu gồm 282 tàu chiến. Con số này có thể giảm xuống còn 276 tàu trong vòng 2 năm tới trước khi tăng lên 300 tàu. Theo mục tiêu của ngành đóng tàu Hải quân Mỹ được công bố hồi tháng 3 vừa rồi, lực lượng này đang hướng tới một hạm đội tàu chiến gồm 300 chiếc trong vòng 30 năm tới.

Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Thái Bình Dương sẽ là nơi tập hợp phần lớn tuần dương hạm, tàu khu trục, tàu ngầm, tàu chiến đấu ven biển... của Mỹ. Tuy nhiên, con số không phải là tất cả.

Bộ trưởng Panetta khẳng định, các tàu chiến của Mỹ được triển khai đến Châu Á sẽ được trang bị những khả năng công nghệ tối tân. Ông Panetta không cho biết cụ thể đó là những công nghệ gì. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh, Mỹ mong chờ sẽ đưa đến Thái Bình Dương một loạt tàu ngầm và máy bay chiến đấu tối tân. Các loại vũ khí đó sẽ được sở hữu những công nghệ đỉnh cao, hệ thống thông tin, liên lạc và hệ thống chiến tranh điện tử mới hiện đại.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết thêm, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương sẽ cho phép nước này tăng cường số lượng cũng như quy mô của các cuộc tập trận trong khu vực trong những năm tới. Mỹ cũng có kế hoạch thực hiện nhiều chuyến thăm hơn nữa đến các khu vực biển, trong đó có Ấn Độ Dương. Năm ngoái, quân đội Mỹ đã tham gia 172 cuộc tập trận trong khu vực với 24 nước.

Ông Panetta còn nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Washington đã thiết lập các mối quan hệ liên minh chặt chẽ, đặc biệt là về an ninh, quân sự, với một loạt nước Châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Austrlia... Mỹ cũng thiết lập quan hệ đối tác với Ấn Độ, Singapore, Indonesia và nhiều nước khác.

Mỹ xoa dịu Trung Quốc

Sau khi làm Trung Quốc “giật mình” bởi tiết lộ về việc điều phần lớn tàu chiến đến khu vực Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã tìm cách dập tắt những đồn đoán cho rằng, chiến lược quay trở lại Châu Á của họ là nhằm kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc.

Ông Panetta thừa nhận, giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới còn tồn tại một loạt sự khác biệt, trong đó có vấn đề Biển Đông. “Chúng tôi không ngây thơ trong các mối quan hệ và Trung Quốc cũng vậy. Cả hai nước đều hiểu rằng, không có sự lựa chọn nào khác dành cho hai nước ngoài việc phải cùng tăng cường giao lưu, trao đổi, đối thoại với nhau để củng cố mối quan hệ quân sự song phương. Đó là kiểu quan hệ trưởng thành mà chúng tôi cần phải xây dựng với Trung Quốc", ông Panetta phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La. Cuộc đối thoại này thu hút sự tham gia của quan chức quân sự, dân sự đến từ hơn 30 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Panetta cho biết, ông cam kết xây dựng một mối quan hệ quân sự song phương “bền vững, ổn định, lâu dài, lành mạnh và đáng tin cậy”. Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc không quên nhắc nhở Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Không trực tiếp nói đến Trung Quốc nhưng ông Panetta đã đưa ra lời cảnh báo về việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Ông chủ Lầu Năm Góc thừa nhận, một số người coi sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á là thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh cũng tin rằng, chiến lược chuyển trọng tâm quân sự vào khu vực Châu Á là một nỗ lực của Washington nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Panetta đã bác bỏ quan điểm này.  Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho rằng, sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ có lợi cho Trung Quốc đồng thời giúp tăng cường an ninh trong khu vực.

Kiệt Linh
theo Reuters, Washington Post

Từ khóa: