Sự kiện hot
10 năm trước

210.000 tỷ đồng và kỳ vọng tăng tầm vóc người Việt

“Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” được Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện chiều cao trung bình của người Việt Nam. Bộ Y tế tiếp tục đề xuất mục tiêu cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn thông qua hoạt động cho học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường, đặc biệt là tại các huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ) được uống sữa hàng ngày.

Dự kiến, nếu được phê duyệt Đề án sữa học đường, sẽ được áp dụng trên phạm vi cả nước, đặc biệt là 400.000 trẻ em nghèo đang sống tại 62 huyện nghèo nhất.

Kết quả khả quan từ mô hình thí điểm

Sau 5 năm triển khai Chương trình sữa học đường tại Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn I trên 82/82 xã/phường của tỉnh. Kết quả là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ từ 3-5 tuổi tại tỉnh giảm từ 15,6% xuống còn 12% chỉ trong vòng 5 năm; lượng trẻ tăng cân chiếm tỷ lệ khá cao: 66,2%; tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Hiện tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em của tỉnh khá nhanh, trung bình mỗi năm giảm 1,64%, rất khả quan so với tình trạng chung của cả nước. Chính kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn I đã thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đầu tư cho dự án Sữa học đường giai đoạn II, nhằm cải thiện hơn nữa tình trạng dinh dưỡng của trẻ em địa phương với tổng kinh phí dự kiến là 113 tỷ đồng, nhằm cung cấp sữa miễn phí cho hơn 270.000 trẻ em trên toàn tỉnh trong suốt 5 năm (2012-2016). Cùng với Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh là tỉnh thứ hai tiến hành thực hiện chương trình Sữa học đường cho trẻ em trên toàn tỉnh với ngân sách cho giai đoạn 1 (2013-2017) là 178 tỷ đồng.


Tăng thể lực và trí lực cho trẻ em Việt Nam.

Từ thành công của mô hình thí điểm, Bộ Y tế đã soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Kỳ vọng tăng chiều cao người Việt thêm 4cm

Theo đề án, mỗi học sinh mầm non sẽ được cấp sữa 2 lần/ngày (mỗi lần một hộp sữa nước 110ml), học sinh tiểu học được cấp mỗi bé một hộp sữa 180ml/ngày. Dự kiến của đề án là chiều cao trung bình người Việt sẽ được cải thiện, trung bình nam giới đạt 167cm, nữ giới 156cm vào năm 2020; đến năm 2030 là 168,5cm ở nam và 157,5cm ở nữ (tăng hơn nhiều so với con số 164,4cm ở nam và 153,4cm ở nữ hiện nay).

Thêm vào đó, mục tiêu của Chương trình cũng nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chiều cao ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Chỉ tiêu cụ thể là: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học từ 0,6-0,8%/năm từ năm 2014 đến năm 2015 và giảm 0,6%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học từ 0,8-1%/năm từ năm 2014 đến năm 2015 và giảm 0,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2020.

Theo Bộ Y tế, sẽ đảm bảo mức đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ 85% - 90% vào năm 2015 và 90-100% vào năm 2020. Ngoài ra, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần đạt trên 35% vào năm 2015 và đạt trên 40% vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm cải thiện tình trạng vitamin và khoáng chất trong khẩu phần của trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Cụ thể là: Tăng mức đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ thêm 10% vào năm 2015 và thêm 30% vào năm 2020.

Bộ Y tế đề xuất 4 giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình trong 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2014-2015: Triển khai chương trình tại tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học của các xã thuộc huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ). Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục duy trì các hoạt động của chương trình tại tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học của các xã thuộc huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ). Mở rộng 50% số trường mẫu giáo và tiểu học trên toàn quốc. Ở các vùng kinh tế phát triển hơn, chương trình sữa học đường đề nghị được triển khai theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo dự trù, kinh phí thực hiện chương trình đưa sữa vào học đường tính đến năm 2020 dự trù cần khoảng 210.000 tỷ đồng. Trong Dự thảo Quyết định thì nguồn kinh phí thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để bền vững các chính sách sẽ ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp cung cấp sữa trong nước để đảm bảo được nguồn cung cho chương trình.

Trần Tâm
theo BVPL

Từ khóa: