Sự kiện hot
12 năm trước

23h00 ngày 11/06, Pháp - Anh: Cuộc cách mạng của Blanc

Nếu cùng đội tuyển Pháp vô địch EURO lần này, Laurent Blanc sẽ trở thành người thứ 2 sau Berti Vogts ngự trị đỉnh châu Âu với cả 2 tư cách cầu thủ và HLV

Nếu cùng đội tuyển Pháp vô địch EURO lần này, Laurent Blanc sẽ trở thành người thứ 2 sau Berti Vogts ngự trị đỉnh châu Âu với cả 2 tư cách cầu thủ và HLV. Nhưng với tất cả các CĐV của Les Bleus, trọng trách của cựu trung vệ tuyển Pháp lúc này còn quan trọng hơn thế rất nhiều. Xây dựng “thế hệ 87” trở thành một cỗ máy chiến thắng giống như những gì Aimé Jacquet đã làm được - đó là nhiệm vụ tối cao mà “Ngài Tổng thống” phải thực hiện. Từ ngày hôm nay...

Khi Blanc quyết định loại bỏ Yoann Gourcuff khỏi danh sách tới EURO 2012, tờ L'Equipe đã mô tả hành động đó như “một cuộc cách mạng”. Dù “tiểu Zizou” không còn giữ được phong độ cao trong thời gian gần đây, nhưng việc không dùng anh vẫn chẳng khác nào một cú sốc đối với những người cầu toàn và tôn thờ chủ nghĩa truyền thống. Tuy vậy, với Blanc, chẳng có cú sốc nào hết! Hệt như khi ông bất ngờ được đeo băng đội trưởng ở EURO 1996, giải đấu mà ông thầy Jacquet đã quay lưng với cả Ginola lẫn Cantona trong nỗi hoài nghi của giới mộ điệu.

Tình cảnh của Pháp hiện tại cũng không khác là mấy. Với những cầu thủ mà Blanc đang có, rõ ràng họ chỉ dừng ở mức tiềm năng trước mọi chiếc Cúp. Nhưng con đường mà “Gà trống Gaulois” đang chọn vẫn khiến mọi đối thủ phải dè chừng. Điểm mạnh của họ: Không hề lộ diện át chủ bài trong lối chơi tấn công cực kỳ tôn trọng kỹ thuật và sự biến hóa. Còn điểm yếu? Vẫn chính là điều trên: Một thủ lĩnh thực thụ vẫn chưa xuất hiện cho đến lúc này.

Trước EURO, Pháp đã có 3 trận đấu thể hiện được khả năng tấn công đáng gờm của mình (trước Iceland, Serbia và Estonia). Điểm sáng nhất của họ chính là sự tự tin đã trở lại của Franck Ribery, một đàn anh dày dạn kinh nghiệm. Nhưng điều ấn tượng hơn cả vẫn chính là những màn múa giàu cảm xúc của những Nasri, Ben Arfa, Benzema, Menez... Trận đấu hay nhất của họ chính là chiến thắng trước Iceland, một chiến tích vừa phải về danh tiếng, nhưng cực kỳ quan trọng với Blanc, khi ông chủ động để “thế hệ 87” gánh trách nhiệm chiến đấu trong áp lực ghê gớm của khán giả nhà.

Với những người như Malouda hay Ribery, Pháp sẽ có được sự cân bằng giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, Les Bleus giờ đây đã và đang thuộc về những cậu bé từng xem Zidane là thần tượng một thủa. Menez, với những bước chạy qua người hệt như chàng lãng tử Dugarry. Ben Arfa - tay chơi bất trị với tốc độ xử lý bóng của Djorkaeff. Giroud lạnh lùng mà nồng nhiệt trong từng đường bóng. Và Benzema nữa, những pha ra chân của anh cũng sẽ khiến Trezegol phải mỉm cười... Một đội bóng tươi mới và giàu kỷ luật đã ra đời như thế.

Như thường lệ, vấn đề của người Pháp vẫn không phải là họ có bao nhiêu ngôi sao, mà là kết hợp những ngôi sao đó như thế nào? Câu trả lời sẽ đến vào hôm nay, khi thầy trò Blanc đối mặt với một trong những đối thủ khó chịu và khó chơi nhất tại cựu lục địa. Anh - Pháp, đó sẽ không chỉ là trận chiến của giá trị truyền thống và danh dự. Đó còn là cuộc đấu đầy hấp dẫn của những đối thủ đang vật lộn vươn lên trong chu kỳ chuyển giao thế hệ đầy thách thức.


Terry sẽ là thủ lĩnh của hàng thủ Anh - Ảnh Getty

Sự đối chọi của phong cách

Từ quá khứ, mỗi khi Anh - Pháp đối đầu là người ta lập tức nghĩ về sự giao tranh giữa 2 phong cách khác biệt. Phong cách Ăng-lê đơn giản, thực dụng và giàu sức mạnh đối đầu với chất Latin đầy mê hoặc phía bên kia eo biển Manche. Lực lượng và phong độ mỗi bên có thể khác nhau, nhưng cách chơi thì hầu như rất ít thay đổi.

Tam sư hiện tại đang phải gánh những tổn thất nặng nề với án treo giò của Rooney hay chấn thương của Lampard, Cahill..., nhưng không vì thế mà người Pháp có quyền đánh giá thấp họ. Dưới thời Roy Hodgson, tuyển Anh đang thay đổi từng ngày từng giờ về cả cách chơi cũng như khả năng thể hiện bản lĩnh. Đúng, người Anh có thể không còn quá nguy hiểm và sắc sảo khi mất hàng loạt trụ cột. Nhưng đánh bại được họ vẫn là một vấn đề không dễ giải quyết. Nếu không có gì thay đổi, Anh sẽ chủ động đá phản công với 2 mũi nhọn mang nhãn hiệu “Quỷ đỏ”: Welbeck và Young.

Ở phương diện chiến thuật, ngay cả khi đội Pháp kiểm soát được trận đấu, họ cũng hoàn toàn có thể mất thăng bằng nếu không khống chế nổi tốc độ của các mũi xuyên cánh bên kia chiến tuyến. Sơ đồ 4-5-1 mà Blanc ưa thích luôn tạo được áp lực rất lớn khi Evra và Debuchy dâng cao ở 2 biên. Có điều, với các trung vệ xoay trở chậm như Rami hay Mexes, khả năng đội bóng của Blanc bị đánh úp cũng là không nhỏ.

Lần cuối cùng 2 đội gặp nhau ở một giải đấu lớn (EURO 2004), thế hệ vàng của xứ sương mù đã phải chịu thất bại 1-2 sau 2 bàn thắng của Zidane. Thực tế, ở những lần đối đầu gần đây, Pháp vẫn luôn chiếm ưu thế với 5 trận bất bại (thắng 4, hòa 1). Lần gần nhất tuyển Anh chiến thắng là năm 1997, khi Alan Shearer ghi bàn duy nhất hạ Pháp ở Cúp Tứ Hùng. Trong lần tái ngộ tại Ukraine, ở một bảng đấu không quá khó, một kết quả hòa sẽ tạo ra đường ray thuận lợi cho cả 2 đội dắt tay nhau đi tiếp. Trái lại, nếu có đối thủ nào thất bại, đó sẽ là kết quả tác động cực lớn lên tâm lý thi đấu ở các trận còn lại.

Hãy cùng chờ xem...

Dự đoán: 2-1

Yến Thanh
theo TT&VH

Đội hình dự kiến:

Pháp: Lloris, Debuchy, Mexes, Rami, Evra, A.Diarra, Malouda, Cabaye, Ribery, Benzema, Nasri.
Anh: Hart, Johnson, Lescott, Terry, A. Cole, Milner, Gerrard, Parker, Downing, Young, Welbeck.

Từ khóa: