Sự kiện hot
7 năm trước

5 dấu hiệu trẻ chậm nói dưới 24 tháng cần khám sàng lọc tâm lý

Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, nếu trẻ gặp một trong năm dấu hiệu này xuất hiện trước 24 tháng tuổi, nhất định phụ huynh phải cho con đi đánh giá tâm lý, sàng lọc phát triển để có định hướng giáo dục sớm, phát hiện sớm và thiệp sớm cho trẻ.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 1/5 trẻ em nói hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa (Số liệu BV Nhi TW). Một số bé thậm chí còn có biểu hiện rối loạn hành vi do nổi cáu vì không có khả năng thể hiện điều mình muốn nói. Chậm nói đều xuất hiện cả 2 thể: Thể chậm nói đơn thuần và thể chậm nói có dấu hiệu của trẻ tự kỷ.

Trẻ chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính tạm thời và có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của gia đình, giáo viên can thiệp. Tuy nhiên chậm nói do trẻ mắc hội chứng tự kỷ, nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm làm tăng thêm cơ hội hòa nhập và định hình hệ thống hành vi tốt hơn cho trẻ. Do đó việc phát hiện những dấu hiệu của trẻ trước 2 tuổi và có những can thiệp sớm cho trẻ, giúp trẻ phát triển và hòa nhập tốt hơn ở lứa tuổi mầm non.

1. Chậm phát triển ngôn ngữ trước 24 tháng tuổi

Ngôn ngữ của trẻ được phát triển từ rất sớm, từ 0 đến 24 tháng tuổi, trẻ cần hình thành được 2 giai đoạn ngôn ngữ: Kỹ năng tiền ngôn ngữ và kỹ năng ngôn ngữ lời nói. Tuy nhiên có nhiều trẻ bị chậm đi các quá trình này và trẻ không đáp ứng được một trong các cột mốc như: Trẻ không bập bẹ khi 12 tháng; Cha mẹ không thấy xuất hiện ở trẻ các cử chỉ (ví dụ, chỉ trỏ, vẫy tay tạm biệt) lúc 12 tháng; Trẻ chưa phát triển từ đơn khi 16 tháng và từ đôi tự phát (không chỉ là lặp lại) cụm từ khi được 24 tháng. Những biểu hiện này cho thấy, quá trình ngôn ngữ của trẻ đang bị chậm. Trẻ có dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ.

2. “Nghiện” tivi, ipad làm thiểu khả năng giao tiếp

Quá trình phát triển của trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi, nhiều phụ huynh thường để trẻ xem TiVi hay dùng điện thoại thông minh để bé ngồi yên, ăn ngoan hay mình rảnh làm việc nhà...

Tuy nhiên, đây lại là một trong những lý do phổ biến khiến trẻ chậm nói. Trẻ xem TiVi như thế trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ, cũng như tạo tiền đề cho nhiều hội chứng khác.

Lý do là, khi xem TiVi và sử dụng điện thoại thông minh, trẻ không cần phải nói, không cần suy nghĩ, chỉ ngồi yên và nhìn, đưa tay chỉ, chạm vào màn hình dần tạo thói quen lười nói và giao tiếp ở trẻ.

Dần dần, khi nhìn thấy điện thoại hoặc nghe tiếng tivi, trẻ rất hứng thú, nhưng phụ huynh lại không lôi kéo được sự hứng thú của trẻ trong lời nói hoặc giao tiếp với bố mẹ. Biểu hiện như nghe tiếng Tivi, điện thoại trẻ phản ứng rất nhanh và ánh mắt hứng thú, nhưng lại dửng dưng và không quan tâm khi có tiếng mẹ gọi hoặc tiếng người khác. Quá trình này cho thấy trẻ đang có biểu hiện “Nghiện” tivi, điện thoại và giảm khả năng tương tác khiến trẻ không phát triển ngôn ngữ.

3. Gắn bó quá mức với đồ vật hoặc người, khiến trẻ có thể phát triển lệch

Nhiều trẻ có biểu hiện chỉ thích một hoặc một số đồ vật nhất định và gắn bó với một người trong gia đình mà thôi, khiến cho trẻ bị gắn bó quá mức, làm hạn chế quá trình phát triển của trẻ.

Nhiều trẻ do xem tivi, các video và bắt chước chỉ thích các đồ chơi siêu nhân, chỉ thích các thể loại ô-tô và thích quay tròn các bánh xe. Cứ mỗi lần cho con đi mua đồ chơi, con chỉ tập trung vào các gian hàng ô-tô hoặc có siêu nhân… và bố mẹ thường chiều con, mua cho con thật nhiều đồ chơi một kiểu. Khiến suốt ngày trẻ chỉ tập trung vào các đồ vật duy nhất đó.

Quá trình phát triển, trẻ cần khám phá và trải nghiệm nhiều đồ vật, đồ chơi và mô hình khác nhau. Do đó biểu hiện gắn bó quá mức về một đồ vật nào đó cũng là dấu hiệu không tích cực trong sự phát triển của trẻ mà phuynh cần chú ý để có những điều chỉnh và can thiệp kịp thời.

4. Chậm phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội

Quá trình phát triển đồng thời với ngôn ngữ lời nói, trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội. Tuy nhiên rất ít có những biểu hiện, cử chỉ giao tiếp xã hội, nhưng nhiều khi phụ huynh không chú ý hoặc không đánh giá đúng tầm quan trọng của các hoạt động tương tác xã hội của trẻ.

Quá trình phát triển tới 24 tháng tuổi, trẻ xuất hiện các biểu hiện sau, phụ huynh cần chú ý và điều chỉnh cho con:  Không thích được ôm ấp như những bé khác. Không mỉm cười đáp lại bạn. Không nhận ra sự hiện diện của bạn trong phòng. Không nhận ra một số âm thanh (ví dụ có vẻ bé nghe được tiếng còi ô tô hay tiếng mèo kêu nhưng không phản ứng khi bạn gọi tên bé). Hành xử như bé đang ở thế giới riêng của mình. Thích chơi một mình, có vẻ như cắt bỏ liên hệ với những người khác. Không quan tâm tới đồ chơi nhưng lại thích chơi với các vật dụng trong nhà. Có vẻ không biết sợ điều gì. Có vẻ không biết đau như những trẻ khác.

5. Trẻ gặp khó khăn về mặt thực thể sinh lý khiến trẻ khó khăn trong phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

Phát hiện sớm các biểu hiện về những thiếu sót, khuyết tật của trẻ ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ giao tiếp và có liệu trình hỗ trợ, đóng vai trò rất quan trọng cho một số trẻ chậm nói do khuyết tật các cơ quan phát âm. Đôi khi chỉ là do trục trặc trong vòm miệng, như với lưỡi hoặc hàm ếch. Dây hãm ngắn cũng có thể hạn chế cử động của lưỡi khiến trẻ khó nói... Trục trặc trong khả năng nghe cũng thường có liên quan đến việc chậm nói, đó là lý do vì sao trẻ nên được bác sĩ tai mũi họng kiểm tra khi có vấn đề về nói. Trẻ khó nghe cũng sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ.

Khi trẻ đã 24 tháng tuổi những chưa phát triển được ngôn ngữ, nhiều phụ huynh có thể tìm kiếm lời khuyên của các chuyên gia, cũng có nhiều phụ huynh tự trấn an và cho rằng 3 tuổi tự khắc trẻ sẽ biết nói,… Sự chủ quan của nhiều phụ huynh sẽ làm trễ việc phát hiện các dấu hiệu của trẻ và ảnh hưởng đến thời gian can thiệp cho trẻ.

Cha mẹ nên chú ý, phát hiện kịp thời và cho bé đi khám, điều trị càng sớm càng tốt. Việc quan tâm và chăm sóc thường xuyên hằng ngày cho con, phụ huynh không khó để nhận ra các biểu hiện trẻ chậm nói như trên. Việc thăm khám tâm lý cho trẻ cũng quan trọng như các yếu tố sinh lý của trẻ. Vì thế chăm sóc con bằng tình yêu thương và trí tuệ là suối nguồn nuôi dưỡng cho bé yêu phát triển mà mỗi gia đình cần duy trì và dành cho các thiên thần nhỏ.

Chuyên viên tâm lý Hoàng Văn Quyết

Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ em Ngày Mới

Từ khóa: