Sự kiện hot
10 năm trước

59 người túc trực một thí sinh thi Sử: Thực trạng đã báo động?!

Câu chuyện một hội đồng thi 59 người túc trực một sĩ tử tại Nghệ An hay 18 người đồng hành cùng em Khánh Linh ở Hà Nội đang là tâm điểm của dư luận.

Muốn bạn bè quốc tế tôn trọng thì phải biết sử nhà


Giám thị phát đề thi, giấy nháp cho thí sinh Nga.

Đoàn Thị Nga, thí sinh thuộc hội đồng thi trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và Khánh Linh đến từ trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội là hai gương mặt hiếm hoi chọn Sử làm môn thi thứ hai trong ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.

Sự thực 59 người phục vụ một học sinh thi Sử hay cả hội đồng thi chỉ có duy nhất một thí sinh chọn môn Sử đã đến tình trạng báo động về thực trạng học và thi môn văn hóa này.

Có nên đưa Lịch sử vào danh sách môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp? Tại sao học sinh thờ ơ với môn học này? Cách gì để khắc phục?... Đó là những vấn đề đã được đặt ra, tuy không phải quá mới mẻ nhưng vẫn đủ sức hút để tạo nên diễn đàn tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.

Không đồng tình với việc môn Lịch sử chỉ được coi là môn thi tự chọn, độc giả Giang Nguyễn kiến nghị: “Đề nghị Bộ giáo dục đưa Địa lý và Lịch sử là hai môn thi bắt buộc giống như văn và toán để tránh tình trạng dân ta không biết sử ta, địa lý thì không biết.”

Độc giả Tuấn Minh chia sẻ tận đáy lòng: “Là một công dân Việt Nam ai cũng có trong mình tình cảm yêu nước nồng nàn, tình cảm đó không phải tự dưng mà có, nó phải được bồi đắp, được giáo dục mà thành. Chất liệu bền vững cho việc bồi đắp giáo dục đó không gì khác chính là lịch sử truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn "dân ta phải biết sử ta" vì vậy dạy sử, giáo dục sử, học sử luôn là điều cần thiết. Thế nhưng thật buồn vô hạn khi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi chỉ lèo tèo vài em thi sử cùng với vài hội đồng thi hùng hậu, cồng kềnh gồm đủ các thành phần lực lượng. Đây là thất bại của nền giáo dục nước nhà, nhưng chúng ta không trách học sinh mà đáng trách và phê phán là Bộ chủ quản đã có chủ trương không đúng. Trong khi chúng ta đang kêu gọi giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước thì lại cho thi tự chọn. Khi đã tự chọn thì tất yếu học sinh sẽ lựa chọn môn thuộc thế mạnh. Vì vậy thất bại này cần thiết phải xem lại cả tầm vĩ mô và vi mô. Hãy để lịch sử nuôi dưỡng tâm hồn cốt cách thế hệ trẻ.” 

Đồng quan điểm, độc giả Tuấn Minh cho rằng muốn bạn bè ngoại quốc tôn trọng thì trước hết người trẻ phải tự mình nắm vững lịch sử nước nhà.

Bạn có nickname Daloton Do khẳng định ở một nước tự do như Mỹ, môn Sử vẫn được đề cao: "Thi đại học thì không bắt buộc có môn Sử nhưng tốt nghiệp bậc học phổ thông thì chắc chắn không thể bỏ qua. Phổ thông Mỹ học Sử nhiều và muốn có quốc tịch tại đây cũng phải học lịch sử nước Mỹ".

Muốn học Sử, nhưng...


Khánh Linh rất tự tin vào bài thi của mình.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp, chia sẻ về vai trò của môn Sử trong giáo dục, cuộc sống thì không ít bạn trẻ mạnh dạn chỉ ra lý do khiến Lịch sử không được lòng học sinh Việt.

Thiếu tính thực tiễn, chưa có đầu ra hấp dẫn cho những người yêu thích lĩnh vực này, cách truyền tải kiến thức của giáo viên còn thô cứng... là một vài trong những yếu điểm của việc dạy và học Sử hiện nay.

"Nếu học Sử giỏi mà được đi nghiên cứu khảo cổ, được đi tìm kiếm cổ vật hay di chứng lịch sử, thì đúng thật cũng nên học tử tế, dồn hết tâm huyết. Đằng này tìm mỏi mắt trên tỉnh không có nổi một công việc dành cho người tốt nghiệp chuyên ngành về Lịch sử. Người có đam mê với môn học này thành công ở Việt Nam cũng hiếm như mò kim đáy bể. Em cũng biết chúng ta nên học Sử vì yêu nước nhưng học xong rồi chúng em sẽ làm gì để sống đây?" – độc giả An Nguyễn phân trần.

Độc giả Nguyễn Lan Linh thì chia sẻ: “Hãy để học sinh yêu và hiểu lịch sử từ những bài giảng hàng ngày của các thầy cô giáo. Trước khi trách học sinh thì hãy nhìn nhận lại cách dạy sử hiện nay trong các trường học. Đấy mới chính là cốt lõi của thực trạng dạy môn lịch sử hiện nay.”

"Dân ta phải biết sử ta, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng với khối lượng kiến thức lớn và cách truyền đạt theo kiểu ép phải nhớ như thế có khó quá không? 12 năm đi học tôi chưa bao giờ thấy thích môn Sử cũng vì lý do này. Tình trạng chán nản kéo dài, kiến thức này chưa thuộc, sự kiện kia lại chồng lên, đến lúc không còn động lực để tìm hiểu và ghi nhớ nữa" - Bùi Thế Sơn chia sẻ suy ngẫm từ chính thực tế việc học Sử của mình.

theo GĐ&XH

Từ khóa: