Sự kiện hot
12 năm trước

6 kiến nghị của Gs Trần Hồng Quân gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Nội dung văn bản kiến nghị xoay quanh việc Bộ xử lý một số trường ĐH, CĐ NCL trong việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học năm 2011.

Nội dung văn bản kiến nghị xoay quanh việc Bộ xử lý một số trường ĐH, CĐ NCL trong việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học năm 2011.


Gs Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam

Toàn văn nội dung văn bản kiến nghị:

Kính gửi: Đồng chí Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Thìn, xin kính chúc Đồng chí Bộ trưởng dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chúng tôi được biết, ngày 29- 12 - 2011 Bộ GD&ĐT đã công bố “Kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học năm 2011” tại văn bản số 1319/KL-BGDĐT, trong đó có các quyết định:

- Đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường đại học ngoài công lập do chưa có đất và tỷ lệ sinh viên/ giảng viên quá cao: Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Đông Đô và Trường CĐ Công nghệ Thông tin Tp Hồ Chí Minh.

- Đình chỉ tuyển sinh đối với 12 ngành thuộc 4 trường Đại học ngoài công lập do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ: Trường ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi và Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

- Cảnh cáo 3 trường đại học ngoài công lập chưa có đất: Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Đông Đô và Trường ĐH Nguyễn Trãi.

- Cảnh báo cho thời hạn 1 năm đối với 4 trường đại học ngoài công lập chưa xây dựng được cơ sở vật chất: Trường ĐH Hoà Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.

Hiệp hội chúng tôi hoan nghênh tinh thần các quyết định của Bộ GD&ĐT nhằm siết chặt kỷ cương, chấn chỉnh chất lượng giáo dục đại học Việt nam, tạo áp lực để tăng cường điều kiện đào tạo. Nhân dịp này chúng tôi xin gửi tới đồng chí Bộ trưởng một số ý kiến trao đổi và kiến nghị như sau:

Một là, không nên dùng đất đai làm tiêu chí để xét và thực hiện chế tài trực tiếp đình chỉ việc tuyển sinh của các trường vì tìm đất đai xây dựng trường có thể coi là việc khó nhất của phần lớn các trường kể cả công lập và ngoài công lập, và không phải là lỗi chi riêng của các trường.

Nếu lấy diện tích đất bình quân làm một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất để xét tư cách các trường đủ điều kiện tiếp tục được tuyển sinh thì là làm khó cho các trường vậy.

Theo TCVN ban hành 1985 thì các trường phải bảo đảm 55 đến 85 m2/sv. Quyết định 07/2009/TTg ngày 15/1/2009 quy định rút xuống còn 25m2/sv. Nhưng với nhiều trường, vẫn khó thực hiện.

Nếu xét riêng khu vực Hà nội có 96 trường ĐH và CĐ công lập, trừ ĐHQG HN và CĐ Hà Tây ra, bình quân các trường chỉ có 13 m2/sv, trong đó có đến 40% chưa đạt 5m2/sv. Diện tích bình quân các trường công lập ở TP HCM còn thấp hơn, trong đó đến hơn 30% chỉ đạt dưới 5m2/sv. Tuyệt đại bộ phận các trường cả công và tư ở hai thành phố lớn này đều còn xa mới đạt tiêu chí 25m2/sv, trong đó chí ít cũng có đến sáu bảy chục trường chỉ đạt dưới 5m2/sv.

Phần lớn các trường công lập ở Hà nội có lịch sử 50~60 năm mà vẫn không giải quyết nỗi vấn đề đất đai.

Ví dụ ĐH Xây dựng chỉ có 0, 84m2/sv, ĐH Luật 0,67 m2/sv, ĐH Thương Mại và ĐH Ngoại Thương có 1,8m2/sv. Coi đồ sộ như ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chỉ 2,97m2/sv, ĐH Bách khoa HN cũng chỉ 4,9m2/sv. (Theo báo Dân Trí và website ĐH Văn Hoá Hà nội, ngày 9/2/2011 từ nguồn của Bộ GD&DT).

Các trường công lập vốn lại tồn tại lâu năm cả trong thời kỳ đất đai chưa có giá mà đến nay vẫn còn chật chội đến vậy nói gì đến với các trường tư, nhà nước không bỏ ra đồng nào, lại mới thành lập sau này?

Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách xã hội hóa một số lĩnh vực, trong đó có quy định phải giao đất sạch cho các cơ sở giáo dục không kể công hay tư, lại còn cho vay tín dụng ưu đãi. Nhưng các ban ngành và địa phương có thực hiện đâu? Nếu thực hiện thì các trường đâu đến nỗi quá khó khăn.

Trên thực tế hầu như không có trường nào không lo tìm đất đai. Bộ cũng nên hiểu cho các trường, và đáng ra nên cùng lo toan với các trường, tìm cách tác động để thực hiện NĐ 69 nói trên.

Hai là, việc không bảo đảm tiêu chí tỷ lệ thầy giáo/sv cũng không hoàn toàn lỗi của các trường. Bao nhiêu năm nay Bộ không dành chỉ tiêu NCS cho các trường NCL, chỉ vài năm lại đây mới có mà rất hạn chế.

Một số trường nhờ các đại học các nước tiên tiến mở lớp đào tạo thạc sĩ cho thầy giáo trẻ của trường và tại trường theo chương trình của họ, họ cấp bằng (như ở ĐH Phương Đông, ĐH Ngoại ngữ và tin học) mà Bộ không cho. Còn cử đi nước ngoài thì trường và người học không có tiền.

Hiệp hội chúng tôi xin Bộ cho phối hợp với các cơ sở đại học trong nước có đủ tư cách pháp nhân đào tạo sau đại học, tổ chức đào tạo 5000 thạc sỹ trước hết cho các trường với nguồn kinh phí nhà nước, nhà trường và cá nhân cùng chia sẻ. Bộ đồng ý về nguyên tắc, nhưng cho tới nay Bộ vẫn không thực hiện được. Nhìn lại ta đã giúp gì cho các trường để thực hiện tiêu chí về số lượng và chất lượng đội ngũ thầy cô giáo ?

Ba là, một vài trường thuê đủ cơ sở ổn định lâu dài, đủ chỗ dạy và học để chờ đợi giải quyết đất đai, thì sao lại coi là không đủ điều kiện hoạt động?

Hầu như đại bộ phận các doanh nghiệp đều thuê văn phòng, thuê đất ổn định dài hạn để xây nhà xưởng, mà không cần sở hữu đất đai. Lao động đều thuê theo hợp đồng dài hạn và ngắn hạn. Đó cũng chẳng phải là ăn xổi ở thì, chẳng phải là họ hoạt động kém hiệu quả.

Đương nhiên các trường thì cần phải tìm đất để xây dựng lâu dài. Nhưng quan niệm cứng nhắc về sở hữu đất đai trường sở và biên chế cơ hữu, không tính đến lực lượng hợp đồng dài hạn là không hợp lý.

Bốn là, việc thanh tra chủ yếu là nhắm vào các trường NCL (16 trong 24 trường được thanh tra) và xử lý chế tài chỉ các trường NCL là bộ phận khó khăn nhất, ít được hỗ trợ nhất của hệ thống.

Hãy thử đứng về phía các trường xem vì sao các nhà giáo không thể nhanh chóng giải quyết đất đai, cái việc mà ngay các trường công lập, con cưng của nhà nước, đã 50~60 năm vẫn không thể giải quyết?

Có thể trách các trường rằng sao họ không vạch trời kêu gào xin triển khai Quyết định 69 ư? rằng các nhà giáo sao không nhanh chóng chuyển nhượng nhà trường (nôm na là bán trường) với bất cứ điều kiện nào cho ai đó có nhiều tiền để sớm có đất đai và thay họ làm chủ nhà trường dù không phải ai cũng biết làm giáo dục? (Gần đây có vài chủ trương của Bộ thực tế là thúc đẩy chiều hướng này).

Năm là, chế tài là để răn đe, tạo áp lực để các trường tích cực khắc phục nhược điểm của mình. Áp lực phải hợp lý phù hợp với khả năng và tiến độ có thể khắc phục nhược điểm. Chúng tôi nghĩ rằng việc đình chỉ hoàn toàn việc tuyển sinh của một trường như một đòn chí mạng, không phải “trị bệnh cứu người".

Năm nay đình chỉ tuyển sinh, liệu sang năm họ có tìm được đất đai và tăng cường đội ngũ ngay không? Chắc khó. Sang năm lại đình chỉ, chắc rồi sẽ liên tiếp đình chỉ vài năm thì trường không thể tránh khỏi đóng cửa trước khi tìm được đất đai và tăng cường đội ngũ.

Vả lại nếu rà soát tất cả hơn bốn trăm trường ĐH và CĐ cả nước, chắc chắn phần lớn không đạt các tiêu chí nói trên. Ta sẽ xử lý thế nào? Quyết định xử lý có quá sớm không khi chỉ mới kiểm tra 1/16 số trường ĐH và CĐ cả nước?

Sáu là, cũng cần xem lại các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra. Nếu vài chục năm mà không mấy ai thực hiện được thì có còn hợp lý không ? Nếu tiêu chuẩn, tiêu chí như những mục tiêu phấn đấu lâu dài, không dành cho hiện nay thì không thể thành “luật” hiện hành dùng làm thước đo để xử lý được. Và thực tế phần nhiều trường không thực hiện được thì không phải ai cũng bị xử lý. Sợ rằng ở đây lại được xử lý theo cơ chế "xin-cho".

Có trường năm 2009 diện tích bình quân là 2,32m2/sv, đến năm 2011 chỉ còn chưa đến 0,9 m2/sv. Đó không phải do diện tích đất bớt đi, mà do Bộ vẫn ưu ái cho tăng quy mô tuyển sinh đào tạo. Có thể tìm nhiều thí dụ như vậy. Thực tế này làm giảm sức thuyết phục đối với các quyết định của Bộ.

Xin được nhắc lại, chúng tôi rât hoan nghênh việc thúc đẩy củng cố và tăng cường các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo, chúng ta nên nghiêm khắc phê phán các trường chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt mà không chăm lo việc đâu tư lâu dài, nhưng chúng ta cũng tự yêu cầu minh bạch, công bằng, hợp lý và sát thực tế trong cách xử lý.

Xin gửi đến Đồng chí Bộ trưởng lời chào trân trọng.

Ngày 1 tháng 2 năm 2012

Giáo sư Trần Hồng Quân
Theo GDVN

Từ khóa: