Sự kiện hot
8 năm trước

Ai đã “băm nát” đất Bảo tàng Phụ nữ thành quán cà phê?

Nhiều năm qua, khu đất vàng thuộc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có địa chỉ tại số 36 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã bị “băm nát” thành điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê nhằm thu lợi hàng tỷ đồng. Vậy nhưng, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng vẫn “nói cứng” việc làm này là đúng quy định.


Bãi đỗ xe ô tô và các dịch vụ cà phê kinh doanh ăn uống lấn át không gian của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Thành lập năm 1987, trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam có vị trí đắc địa nằm trên tuyến phố Lý Thuờng Kiệt, giữa trung tâm Thủ đô. Đây là con phố đẹp, cổ kính bậc nhất Hà Nội, nơi có nhiều toà nhà kiến trúc kiểu Pháp cổ, đại sứ quán, các cơ quan, khách sạn lớn… chỉ cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ khoảng hơn 500m.

Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng đã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam; đồng thời là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu bình đẳng, phát triển và hoà bình. Tuy nhiên, từ năm 2009, với bản hợp đồng liên doanh liên kết, dường như cách nghĩ, cách làm bảo tàng của các lãnh đạo đơn vị này đột nhiên thay đổi, khi “biến” gần 80m2 đất tại mặt phố Lý Thường Kiệt thành quán cà phê kinh doanh sầm uất, tấp nập. Thực tế này đã khiến dư luận hoài nghi, tại sao một khu đất có địa thế đắc lợi bậc nhất Thủ đô với giá trị hàng trăm tỷ đồng lại được chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng khác lạ đến vậy?


Một góc của quán cà phê bảo tàng.

Theo đó, tại Hợp đồng nguyên tắc hoạt động liên doanh liên kết số 18/2009/HĐHTKD ngày 15/7/2009 được ký giữa bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đó ký kết với Công ty Cổ phần Văn Việt (P208-C6 TT Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) do bà Đào Bội Hương làm đại diện bao gồm nội dung sửa chữa, nâng cấp khu nhà 2 tầng có diện tích 77,2m2 nhằm khai thác dịch vụ kinh doanh văn hóa phẩm, tổ chức các hoạt động văn hóa và dịch vụ cà phê, ăn nhanh phục vụ khách du lịch và khách đến tham quan bảo tàng. Kể từ khi khu dịch vụ đi vào hoạt động, từ năm thứ 3 số tiền quản lý phí mỗi năm sẽ tăng 5% so với năm liền kề trước đó. Cụ thể năm thứ 3 là 3.675USD/tháng; năm thứ 4 là 3.859USD/tháng và các năm tiếp theo lần lượt tăng lên 4.052USD/tháng và 4255USD/tháng.

Tuy nhiên, sau khoảng gần 2 năm thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Công ty Cổ phần Văn Việt được ký kết, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mới ban hành quyết định về việc cho phép Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện các hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng đơn vị. Vậy phải chăng, Ban giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã “việt vị” khi tiến hành hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân nằm ngoài bảo tàng?


Quán cà phê Văn Việt - The City được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam “bật đèn xanh” cho kinh doanh từ năm 2009.


Bên trong khuôn viên bảo tàng được tận dụng thành điểm kinh doanh cà phê.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, “tất cả các hoạt động này chúng tôi đều căn cứ vào Luật Di sản văn hóa và Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng, về nguồn thu đảm bảo nộp các khoản đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Sau kì kiểm toán đầu tiên, hoạt động liên doanh liên kết của bảo tàng với phía đối tác có nảy sinh một số vấn đề dẫn đến không thu đủ, việc này bảo tàng đều báo cáo, nêu rõ sự tình với kiểm toán nhà nước. Để xây dựng thương hiệu cho bảo tàng, dịch vụ phải tốt, mở quán cà phê ở đây nhằm thu hút du khách. Tại đây, chúng tôi phục vụ cả khách bên ngoài, nhiều người dân Thủ đô chưa một lần bước vào bảo tàng, quán cà phê mở ra là để họ và con em họ đến với bảo tàng, kích thích sự tò mò muốn khám phá bên trong bảo tàng”.

Vậy có hay không tình trạng “băm nát” đất vàng thành điểm kinh doanh cà phê, dịch vụ ăn uống nhằm thu lợi bất chính tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam? Câu hỏi này xin được gửi tới Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) và cơ quan chủ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để làm rõ vấn đề.

theo Xây dựng

Từ khóa: