Sự kiện hot
6 năm trước

Bắc Ninh: Công ty sơn Apex xây dựng khi chưa có ĐTM

Mặc dù chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ sơn Apex Việt Nam vẫn ngang nhiên xây dựng và có dấu hiệu đưa máy móc vào sản xuất.

Phản ánh của người dân sinh sống tại thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thời gian qua trong khu vực dân cư xuất hiện một nhà máy có gắn biển Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ sơn Apex Việt Nam (công ty sơn Apex) và có dấu hiệu đưa máy móc vào sản xuất sơn. Người dân sống cạnh nhà máy cho biết, họ không nghe thấy thông tin khu vực này được các cấp chính quyền phê duyệt làm nhà máy và lo ngại hoạt động sản xuất có thể gây ô nhiễm môi trường.
 

Nhằm làm rõ thông tin, PV báo TN&MT đã trực tiếp xuống khu vực nói trên để tìm hiểu. Quan sát bên ngoài phóng viên ghi nhận, nhà máy nằm sát khu dân cư tại thôn Cầu Gạo. Lối đi vào nhà máy chỉ là một ngõ nhỏ, nhìn qua thì giống một nhà xưởng hơn là cơ sở sản xuất sơn. Ngay ở lối vào nhà máy, người ta treo biển Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ sơn Apex Việt Nam.

Công ty sơn Apex xây dựng nhà máy khi chưa có ĐTM và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Mặc dù mặt tiền khá khiêm tốn nhưng nếu vòng lại phía sau, nhà máy được xây dựng khá lớn với tổng diện tích khoảng 500 m2. Chủ đầu tư đã xây dựng những bức tường kiên cố cao trên 2m sau đó bắn tôn nhìn khá cao ráo, thoáng đãng. Tất cả các hạng mục xây dựng đã hoàn thiện. Riêng khu vực sản xuất hầu như được đóng kín, chỉ khi có người ra vào mới mở cửa.
 
Theo tìm hiểu của PV, công ty sơn Apex được thành lập ngày 5/5/2008, có trụ sở tại số 41, đường 286, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và có 3 nhà máy tại KCN Vsip Việt Nam Singapore (TP. HCM); KCN Sơn Tây (TP Hà Nội) và nhà máy thứ 3 mới mở tại thôn Cầu Gạo. Người dân địa phương lo lắng, quá trình sản xuất sơn sẽ sử dụng nhiều hóa chất độc hại và đặt ngay cạnh khu dân cư nên có thể gây ra những tác động khó lường tới môi trường và cuộc sống xung quanh.
 
Một người dân ở đây cho biết: “Tôi thấy họ xây dựng từ cuối năm ngoái nhưng không thấy cơ quan nào vào kiểm tra. Sản xuất sơn chắc chắn phải sử dụng hóa chất, nhưng xung quanh khu vực này là nhà dân và hệ thống mương nội đồng. Vậy nước thải sẽ xử lý thế nào? Đổ đi đâu? Hơn nữa tôi chưa từng nghe khu vực này được phép xây dựng nhà máy sản xuất. Chẳng ai cấp phép cho nhà máy đặt ở giữa khu dân cư như thế này cả?”.
 
Nhằm tiếp tục làm rõ thông tin, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Chu Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tại buổi làm việc, ông Bình cho biết: “Sau khi có thông tin phản ánh, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra vào làm việc với công ty. Tại buổi làm việc, công ty thừa nhận là chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Hiện công ty chưa chính thức đi vào hoạt động và chỉ ở giai đoạn chạy thử nghiệm”.

Khu vực nhà máy của công ty sơn Apex ở thôn Cầu Gạo nhìn từ phía sau
Ấy nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường, tại Khoản 2, Điều 19 về thực hiện đánh giá tác động môi trường thì: “Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án” và tại Mục d, Khoản 2, Điều 25 quy định: “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng”.
 
Khi đặt câu hỏi tại sao công ty sơn Apex bắt đầu xây dựng nhà máy từ cuối năm 2017 mà lãnh đạo xã hoàn toàn không hay biết, ông Chu Bình nói: “Khu đất của công ty Apex là đất công rộng hơn 2000 m2, vốn được UBND huyện Yên Phong phê duyệt cho hộ ông Trần Văn Đông – người trong làng – để làm xưởng trưng bày và chế biến đồ gỗ mỹ nghệ. Bản thân nhà tôi gần khu đó nên tôi cũng biết thông tin. Tuy nhiên tôi nghĩ họ dựng xưởng làm đồ gỗ thì đúng phê duyệt của huyện nên cũng không cho anh em vào kiểm tra. Việc công ty Apex âm thầm dựng nhà máy là vi phạm quy hoạch được huyện phê duyệt trước đó và họ phải làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
 

Điều đáng nói là việc xây dựng và treo biển công ty đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng lãnh đạo xã Yên Phụ lại mới chỉ biết trong khoảng nửa tháng nay. Việc công ty không có ĐTM, không làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nhưng lại ngang nhiên xây dựng công trình kiên cố là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Về vấn đề này, ông Chu Bình thẳng thắn nhận khuyết điểm và cho biết: “Để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm trước tiên thuộc về tôi. Tuy nhiên không phải lãnh đạo xã bao che mà do chúng tôi chủ quan khi không đánh giá đúng sự việc. Hiện xã đã báo cáo lên UBND huyện Yên Phong và đoàn kiểm tra của huyện chiều nay sẽ về làm việc liên quan tới vấn đề này”. 

Phạm Thiệu
Theo báo Tài nguyên Môi trường

Từ khóa: