Sự kiện hot
7 năm trước

Bản quyền – thể hiện tính văn minh trong thế giới ảo?

ĐS&TD - Sáng 16/11, tại Tp. HCM - Hội Sở hữu Trí tuệ TP HCM cùng Liên minh các Chủ sở hữu Quyền, đồng tổ chức hội thảo về “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn – Giải trí Sạch” (“Clean Entertainment”).

Hơn 10 năm trở lại đây, “Anh Google” trở thành công cụ số 1 về “search” thông tin và các chương trình giải trí trên các website trong nước hoặc của nước ngoài...tuy nhiên người dùng internet rất khó phân biệt đâu là môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn và có bản quyền?

Mới đây,  7 thành viên chính là VTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CASBAA); Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc (KCC), hãng FOX, Công ty Số Truyền hình Vệ tinh Việt Nam (K+); và Công ty BHD đã tập hợp lại với nhau để cùng chung tay thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ nội dung sở hữu và quyền lợi. Vấn đề bản quyền được đưa ra hội thảo tại Hội nghị hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền.

Nhiều hoạt động đã được nhóm thực hiện, trong đó “cùng nhau xây dựng một môi trường giải trí sạch cho người tiêu dùng, các chủ sở hữu bản quyền, các nhà quảng cáo”  là một chiến dịch lớn không chỉ  cần có sự tham gia tích cực của  các chủ sở hữu bản quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ mà còn cần sự chung tay của nhiều bên như đơn vị quảng cáo, chủ nhãn hiệu và người sử dụng, cũng như sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các đơn vị truyền thông và quan trọng nữa là từ chính những người tiêu dùng …

Ông John Medeiros, Chủ tịch Phụ trách mảng Chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương chỉ ra rằng, từ nghiên cứu kinh tế của riêng thị trường Mỹ thì ước tính doanh thu quảng cáo của các website vi phạm bản quyền tác giả lên tới 227 triệu USD/ năm. Trong đó 30 website lớn nhất kiếm được trung bình 4,4 triệu USD mỗi năm (năm 2013). Ngay cả những website nhỏ cũng dễ dàng kiếm cả 100 ngàn USD. “Bởi vì mô hình kinh doanh của họ dựa hoàn toàn vào việc phát hành trái phép hàng triệu phiên bản ăn cắp từ các sản phẩm có giá trị cao, vốn dĩ phải tốn hàng tỷ công sức để tạo ra. Biên lợi nhuận của chúng từ 80% đến 94%. Đây chính là khe hở cho việc gia tăng tỷ lệ ăn cắp bản quyền (theo Digital Citizen Alliance). Quảng cáo thực sự là “nguồn oxy” cho những website vi phạm bản quyền, mà gián tiếp là các kẻ trộm thông tin mạng.

Cũng theo số liệu của CASBAA cho thấy có đến 61% các nhãn hàng chính đặt quảng cáo trên trang web lậu và 39% quảng cáo trên các trang web lậu ở Việt Nam là các sản phẩm quảng cáo hàng hoá và dịch vụ bất hợp pháp. Như vậy, website không bản quyền và trang web đen hoàn toàn chiếm mức doanh thu trong quảng bá thương hiệu qua ứng dụng công nghệ internet.

Ông Matt Kurlanzik, Giám đốc phụ trách Quan hệ Cấp Chính phủ của Hãng 20 Century Fox cũng chia sẻ các trường hợp nhãn hàng quảng cáo trên mạng, một khi  không thực sự kiểm tra mình đang quảng cáo trên các hệ thống nào thì sẽ vô tình tạo ra những tình huống rất trái khoáy. Nhưng thực ra với những người làm nội dung của nước ngoài và đặc biệt của Việt Nam, vấn nạn bị vi phạm bản quyền lại không hề hài hước chút nào.

Báo cáo của các chuyên gia khẳng định, thị trường trực tuyến hoàn toàn không mang lại doanh thu cho các nhà sản xuất Việt Nam, trong khi trên thế giới tỷ lệ doanh thu từ đây là khoảng 30- 50% doanh thu của một bộ phim. Câu chuyện của diễn viên- nhà sản xuất phim Chánh Tín là chuyện buồn với nhiều nhà sản xuất phim Việt, khi phim của mình làm ra bị vi phạm bản quyền phải huỷ hợp đồng bán phim nước ngoài bởi đã có bản lậu phát tán trên mạng , rồi từ đó phải mất đi ngôi nhà của chính mình khi tuổi về chiều… là chuyện nhiều người làm nghề và công chúng trong nước đã biết. Hẳn nhiên vẫn còn nhiều câu chuyện buồn khác, của rất nhiều nhà làm phim Việt cũng đã bị vi phạm bản quyền ở nhiều hình thức nhưng không nhiều người được biết…

Ông Jacques-Aymar Deroquefeuil, Phó Tổng giám đốc kênh K+ thuộc Công ty Truyền hình Số Vệ tinh Việt Nam nói: “Ngành công nghiệp sáng tạo sẽ phát triển mạnh mẽ nếu chúng ta cùng chung tay bảo vệ bản quyền. Hãy bắt đầu bằng việc nói không với sản phẩm vi phạm bản quyền”. Ngoài ra người tiêu dùng có thể nhầm lẫn về tính hợp pháp của các trang web lậu khi thấy các nhãn hàng có tên tuổi quảng cáo trên các trang web lậu này.

Theo Ông Neil Gane, chuyên gia tư vấn CASBAA, người vào năm 2012 đã được Tạp chí Managing Intellectual Property (Tạp chí Quản lý Tài sản Trí Tuệ) cho vào danh sách 15 người có ảnh hưởng nhất về sở hữu trí tuệ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương : “Những hiểm họa khôn lường đối với người sử dụng internet khi thường xuyên xem và tải nội dung (phim, âm nhạc) tại các website vi phạm bản quyền bằng các thiết bị điện tử cá nhân. Một mối liên hệ mật thiết giữa các website vi phạm và những phần mềm độc hại như phần mềm gián điệp, phần mềm tống tiền đã được chỉ ra trong nghiên cứu gần đây, khi các thiết bị điện tử cá nhân bị nhiễm độc, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp, hoặc bị kiểm soát vv… và nguy cơ có nhiều người trở thành nạn nhân của vấn nạn tống tiền là có thật”

Cũng theo báo cáo Rủi ro Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (The World Economic Forum’s Global Risks Report) đã liệt kê các cuộc tấn công không gian mạng và những phần mềm độc hại (malware) như là mối nguy chính của năm 2016, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên diện rộng, và điều này gây mất niềm tin của người sử dụng internet bởi có khoảng 33% máy tính trên toàn thế giới đã bị nhiễm các phần mềm độc hại, Châu Á là khu vực bị nhiễm hại nhiều nhất.

Thêm vào đó, các chương trình gián điệp xâm nhập từ xa (Remote Access Trojan/ RAT) có thể thao túng người dùng đã bị xâm hại bằng cách viết và trò chuyện (chat) với nạn nhân. Truy cập để ăn trộm video và hình ảnh cá nhân. Ăn cắp passwords, thẻ tín dụng và những thông tin cá nhân khác. Ăn cắp các danh bạ của nạn nhân và tự động cập nhật danh bạ mới. Kích hoạt và ghi hình từ webcam mà nạn nhân không hề biết. Đọc email, tin nhắn hội thoại và các dịch vụ mã hóa âm thanh… virus mạng cũng là điều đáng lo ngại.

Ông Ngô Huy Toàn – Trưởng phòng Thanh tra Báo chí & Thông tin trên mạng – Bộ Thông tin Truyền thông cũng khẳng định, Bộ ghi nhận đóng góp của các công ty trong nỗ lực làm sạch môi trường giải trí và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các bên liên quan, trong hành trình này. Người dùng cần phải có và sớm được cung ứng những dịch vụ giải trí chất lượng cao, ổn đinh, an toàn, không còn nỗi lo mã nguồn độc hại xâm nhập từ các trang web lậu và quảng cáo bẩn.

Ở Việt Nam, việc phát triển quyền Bản quyền cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành nhà nước, các chủ sở hữu, các cơ quan báo chí nhằm chung tay xây dựng một môi trường giải trí trực tuyến sạch, giúp cho những món ăn tinh thần của người Việt được an toàn và bền vững hơn.

Uyên Nguyên

Từ khóa: