Sự kiện hot
7 năm trước

Báo động đỏ dịch sốt xuất huyết

Chỉ trong thời gian ngắn nhưng số người mắc bệnh sốt xuất huyết ngày một gia tăng trên toàn quốc khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng cực kỳ nguy hiểm đang ngày càng gia tăng. Cục Y tế dự phòng cảnh báo cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh sau mưa, bão.

Theo thông tin từ Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay bùng phát sớm hơn mọi năm và đang gia tăng nhanh. Một số tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao như Hà Nội (khu vực nội thành) và TP. Hồ Chí Minh.Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người mắc và gặp phải những biến chứng nặng. Tính đến thời điểm này, riêng Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tích luỹ từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 6.000 trường hợp mắc phải căn bệnh này, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, sốt xuất huyết tại Hà Nội đến sớm hơn 3 tháng. Nguyên nhân do thời tiết miền Bắc thay đổi thất thường, mùa hè đến sớm, không có rét tháng 3, kết hợp sự cố vỡ đường nước sông Đà, người dân tăng trữ nước, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển.So với mọi năm, bệnh nhân tử vong sốt xuất huyết do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề rất lớn và bất thường.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Chu kỳ lây nhiễm chủ yếu là: Đầu tiên muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, tiếp theo virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 đến 11 ngày rồi tiếp tục trong thời gian đó truyền bệnh cho người, virus đi vào cơ thể người rồi tiếp tục lại quay lại vòng tuần hoàn: muỗi Aedes hút máu từ cơ thể người bệnh rồi truyền sang cơ thể người lành.

Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.

Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ giảm sốt, không sốt như 3 ngày trước, và họ nghĩ rằng bệnh đã bớt nguy hiểm, có lẽ sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng. Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được điều này mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch cho bệnh nhân hay không. Biến chứng thứ 2: Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Phải đến ngay cơ sở y tế với những hiện tượng trên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết là mối đe dọa đến sức khỏe và là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng của không ít quốc gia tại châu Mỹ và châu Á. Ước tính có khoảng trên dưới 50 triệu người bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết mỗi năm. Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra nhiều lần trong năm. Tuy nhiên trong thời gian mùa mưa dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát cao nhất.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo của Cục.

Đồng thời, Sở Y tế tổ chức giám sát kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ, lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết...; đặc biệt đề phòng những bệnh lây qua đường tiêu hóa như: Tả, lỵ, thương hàn; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm khi cần thiết.

Địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó; tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; bố trí đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Địa phương chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng ChloraminB, Aquatas hoặc những hóa chất khử trùng khác tại các vùng có thể bị ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.

Hồng Anh

Từ khóa: