Sự kiện hot
7 năm trước

Bông tắm có thực sự tốt như chúng ta vẫn nghĩ?

Bông tắm là vật dụng quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong mỗi gia đình. Ít ai nghĩ rằng đồ vật có thể lấy đi các bụi bẩn trên cơ thể này lại chính là nơi ẩn chứa những nguồn bệnh về viêm nhiễm và dị ứng da.

Bông tắm được làm từ nhiều loại chất liệu và kiểu dáng khác nhau (Ảnh: tiki)

98% bác sĩ da liễu khuyên không nên sử dụng bông tắm

Bông tắm chủ yếu được làm từ lưới và có nhiều hình dáng, màu sắc, kích cỡ khác nhau. Với đặc tính thô ráp và tạo bọt nhiều, người sử dụng luôn có cảm giác rằng bông tắm có thể loại bỏ vi khuẩn, tế bào chết trên da tốt nhất. Nhưng thực tế thì không phải vậy, mới đây, các nhà khoa học tại Hà Lan đã công bố một sự thật, đó là trong bông tắm thường tồn tại 2 loại vị khuẩn gây viêm nhiễm, nấm ngứa cho da là Acinetobacter và Candida.

Bông tắm là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn gây viêm nhiễm cho da.

Tiến sĩ da liễu Matthew Knight tại Học viện Knight Dermatology (Anh) cho biết: “Trong quá trình cọ rửa, tắm gội, các loại vi khuẩn và tế bào chết sẽ bị giữ lại trong bông tắm. Và hầu hết những vi khuẩn này rất đa dạng về chủng loại. Điểm chung của chúng là có sức sống và độ sinh sản mãnh liệt, nhất là vào ban đêm”.

Bên cạnh đó, nhiều người có thói quen sau khi tắm xong thì treo ngay bông tắm trong nhà tắm. Môi trường ẩm ướt rất thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Hậu quả là trong những lần tắm tiếp theo, bạn vô tình để cho những loại vi khuẩn ấy quay lại cơ thể mình. Điều này sẽ nguy hiểm hơn nếu như bạn vừa tẩy lông xong hoặc trên người có vết thương hở. Vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn và gây nhiễm trùng da, hoặc nhẹ hơn thì ngứa ngáy, khó chịu.

Làm thế nào để sử dụng bông tắm hiệu quả và an toàn?

Tiến sĩ Bùi Mạnh Hà, chuyên gia về da liễu, hiện đang công tác tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, thực ra bạn vẫn có thể sử dụng bông tắm một cách an toàn và không lo bị các loại vi khuẩn, nấm mốc tấn công chỉ cần áp dụng phương pháp đúng.

Vệ sinh bông tắm sau khi sử dụng: Sau khi tắm xong, bạn cần giặt lại bông tắm thật sạch, loại bỏ hoàn toàn xà bông có trong bông tắm rồi mang ra ngoài phơi khô ở những nơi thông thoáng. Tránh việc treo trong nhà tắm, vì như thế các loại vi khuẩn, nấm mốc sẽ tấn công, trú ngụ và sinh sản tạo mầm bệnh.

Không tắm bằng bông tắm khi có mụn nhọt và vết thương hở: Đây là một lưu ý rất quan trọng, khi cơ thể có mụn nhọt, nếu dùng bông tắm chà xát thì có thể gây nên những tổn thương, gây chảy máu. Các vết thương hở sẽ là nơi vi khuẩn dễ dàng tấn công vào cơ thể nhất. Vì thế bạn tuyệt đối không nên tắm bằng bông tắm trong thời gian cơ thể có mụn nhọt và có vết thương hở.

Thay bông tắm 1 tháng 1 lần: Dù là chiếc bông tắm ấy chưa hề có dấu hiệu bị hư, thế nhưng bạn cũng nên thay bằng cái mới. Bởi vì càng sử dụng lâu ngày thì bông tắm càng có nhiều vi khuẩn trú ngụ. Tốt nhất là bạn nên thay mới để khỏi phải lo lắng không biết liệu mình đã loại bỏ hoàn toàn được vi khuẩn từ chiếc bông tắm đang sử dụng chưa.

Chọn bông tắm chất liệu phù hơp, thay bông tắm mỗi tháng 1 lần để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Lựa chọn bông tắm có chất liệu phù hợp: Nếu cảm thấy bông tắm dạng lưới không an toàn thì bạn có thể lựa chọn các chất liệu khác như: bông tắm từ xơ mướp tự nhiên, miếng bọt biển, bàn chải lông tự nhiên…

Dù với loại bông tắm nào cũng vậy, nếu không vệ sinh chúng kĩ, không phơi khô sau khi sử dụng thì vi khuẩn vẫn sẽ hoạt động. Chính vì thế, điều bạn cần chú ý nhất đó là thay bông tắm đúng định kì, giặt sạch và phơi khô chúng sau khi sử dụng. Hãy tạo dựng những thói quen tốt ngay hôm nay để có một sức khỏe tốt.

Trần Hiếu
Theo Vietnammoi

Từ khóa: