Sự kiện hot
7 năm trước

Các biểu hiện bình thường và bất bình thường ở trẻ 0-6 tháng tuổi

Trang Babycenter liệt kê chi tiết các biểu hiện bình thường và bất bình thường của trẻ giai đoạn 0-6 tháng tuổi.

Khi bé 1 tháng tuổi

Trong những ngày đầu tiên, người mẹ sẽ cảm thấy cuộc sống của mình xoay quanh việc cho bé bú, thay tã, cho con ngủ và đáp ứng những nhu cầu khác của con. Lúc này, nhận thức của bé cũng chỉ “lờ mờ” về người chăm sóc. Nhưng vài tuần sau, bé sẽ bắt đầu chú ý hơn đến giọng nói, khuôn mặt và cảm xúc của mẹ.

Bé mới sinh chỉ có thể nhìn rõ mọi vật ở khoảng cách 20 – 30cm. (Ảnh: Momtastic)

Bé chỉ có thể nhìn rõ mọi vật ở khoảng cách 20 – 30cm, do vậy đây là khoảng cách phù hợp để bé và mẹ giao tiếp với nhau. Thời kỳ này, những họa tiết gam màu đen – trắng dễ dàng thu hút sự chú ý của bé. Đồng thời, thính giác cũng đã phát triển đầy đủ và bé có thể nhận ra những âm thanh quen thuộc, ví dụ như giọng nói của mẹ. Bé bắt đầu biết cử động phần đầu, tay chân dù các cơ của bé vẫn còn khá yếu và động tác bé tương đối “vụng về” và lúng túng.

Giai đoạn này, mẹ nên cố gắng tương tác với con bằng cách ôm ấp, bế ẵm hay nói chuyện với bé và nhận biết khi nào bé ra hiệu buồn ngủ hoặc đói bụng. Mẹ cũng nên thử áp dụng phương pháp “Tummy Time” cho bé để phát triển cơ bắp. Hãy khuyến khích khi bé xem và tiếp cận đồ chơi.

Bé sẽ thấy thích thú khi được thư giãn ngoài trời hoặc tiếp xúc với những em bé khác. Mẹ cũng đừng quên gần gũi, giao tiếp bằng mắt với bé, hát, đọc truyện cho bé nghe, cùng bé chơi những trò chơi đơn giản như ú òa hoặc bắt chước âm thanh của bé. Mẹ nhớ để ý khi bé thấy mệt và cần nghỉ ngơi nhé.

Các biểu hiện bất bình thường

Trong trường hợp bé bú ít, không bú mẹ hoặc không thấy bé có phản ứng với âm thanh lớn hoặc khi có nhiều ánh sáng, mẹ nên trao đổi trực tiếp với các bác sĩ. Mẹ cũng nên lưu ý nếu thấy bé không nhìn chăm chú, không nhìn theo những vật đang di chuyển, thì phải đưa bé đến bệnh viện.

Khi bé 3 tháng tuổi

Bé 3 tháng tuổi có thể tự ngẩng đầu. (Ảnh: Babycenter)

Bé đã bắt đầu cười khúc khích và rất thích được chơi cùng ba mẹ. Bé khiến một ngày của bạn trở nên có ý nghĩa hơn khi làm trò để bạn vui, bắt chước biểu cảm trên khuôn mặt và âm thanh của mẹ.

Đã qua giai đoạn bạn cần đỡ đầu cho bé bởi khi nằm sấp, bé có thể tự ngẩng đầu và một phần ngực. Bé có thể xòe, nắm bàn tay, lắc đồ chơi, chạm vào đồ treo nôi/cũi, cho tay vào miệng. Sự phối hợp giữa tay và mắt của bé dần được cải thiện. Bé sẽ tập trung vào đồ vật khiến bé thích thú và nhìn chăm chú vào khuôn mặt của người chăm sóc bé. Lúc này, bé có thể nhận ra bạn từ khắp mọi hướng trong phòng.

Trong 3 tháng đầu, mẹ đừng lo lắng vì sợ “làm hư” bé. Để bé có cảm giác an toàn và được yêu thương, mẹ cần đáp ứng nhu cầu của bé một cách nhanh chóng. Bạn có thể giúp bé tự xoa dịu bản thân bằng cách hướng ngón tay cái của bé vào miệng hoặc cho bé ngậm ti giả.

Thường xuyên cho bé luyện tập “Tummy Time” để bé nhận biết những kỹ năng mới và tăng cường cơ bắp. Mẹ nên đưa đồ chơi và đồ vật an toàn cho bé để bé có thể cầm, nắm và bắt đầu khả năng tìm tòi.

Mẹ và bé nên dành nhiều thời gian để nói chuyện, đọc sách, chơi trò chơi cùng nhau để tăng tình cảm gắn kết mẹ - con. Đừng quên động viên các nỗ lực của bé khi bé lăn, lấy đồ chơi, và giao tiếp với bạn.

Cho bé tập "Tummy Time" (nằm sấp) để rèn luyện cơ bắp và phát triển các kỹ năng mới. (Ảnh: SheKnows)

Các biểu hiện bất bình thường

Tuy nhiên, khi nhận thấy bé có một trong những dấu hiệu sau, thì cần phải đưa bé đi khám:

- Không thể tự ngẩng đầu

- Không thể cầm nắm các vật thể

- Không tập trung vào những đồ vật chuyển động

- Không cười

- Không phản ứng với các âm thanh lớn

- Phớt lờ những khuôn mặt mới

- Tỏ vẻ khó chịu bởi những người không quen thuộc hoặc môi trường xung quanh.

Khi bé 4 – 7 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, bé đã có sự tương tác đầy đủ đối với thế giới bên ngoài: bé sẽ mỉm cười, cười khúc khích và nói chuyện với bạn. Khi được 7 tháng, bé có thể tự cuộn người và trở lại tư thế cũ, tự ngồi mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Bé cũng biết cầm nắm để kéo các vật thể gần hơn về phía mình, có thể giữ đồ chơi lâu hơn và di chuyển chúng từ tay này sang tay kia.

Bé trở nên nhạy cảm hơn với giọng điệu của mẹ và có thể hiểu khi mẹ nói "Không". Bé dần nhận thức được tên của mình và sẽ có phản ứng khi có người gọi tên. Bé sẽ nhìn nhận thế giới này thật nhiều màu sắc và đầy thú vị. Nếu mẹ di chuyển đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ nhanh chóng đưa mắt nhìn theo. Bé cũng thích tự nhìn ngắm mình trong gương. Mẹ cũng có thể cho bé tập ăn thức ăn đặc hơn một chút trong thời điểm này.

Để giúp bé phát triển mọt cách toàn diện và tăng khả năng giao tiếp xã hội, mẹ cần tăng sự tương tác giữa mẹ và bé. Vì vậy, nếu có thể, mẹ nên cho bé cùng tham gia những công việc đơn giản, ví dụ: cùng nhau đọc sách hàng ngày, đặt tên cho những đồ vật mà bạn nhìn thấy trong sách và xung quanh bé. Mẹ có thể tạo cơ hội cho bé tăng cường thể lực và sức khỏe bằng cách giúp bé ngồi và đặt bé nằm sấp/ngửa khi chơi.

Giai đoạn 7 tháng, bé sẽ biết bò. (Ảnh: Babycenter)

Giai đoạn 7 tháng, bé sẽ biết bò. Và với bản tính thích khám phá, mẹ cần đảm bảo an toàn cho những nơi bé có thể đi đến, đặt những vật nguy hiểm ngoài tầm với của bé. Hãy cho bé loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi để bé phát triển não bộ...

Các biểu hiện bất bình thường

Mẹ cần thường xuyên theo dõi thể trạng của bé, tạo dựng thói quen ăn – ngủ - chơi cho bé. Khi bé không thể giữ ổn định phần đầu, không thể tự ngồi hay không phản ứng với tiếng cười hoặc âm thanh ồn, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra một cách chắc chắn nhất. Nếu bé có các biểu hiện như không có hành động, cử chỉ yêu thương với mẹ hoặc người chăm sóc, hoặc không có sự tiếp xúc với các vật thể, mẹ cũng cần lưu ý và trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa.

Diễm Linh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: