Sự kiện hot
6 năm trước

Cán bộ bỏ nhiệm sở đi lễ chùa cũng là “ăn cắp” tiền của Nhà nước

Theo ông Nguyễn Viết Chức, thì giờ là tiền bạc, chuyện cán bộ cắt bớt thời gian làm việc công để lo việc riêng của mình là lấy cắp tiền của Nhà nước.

Công bộc của dân không thể tùy tiện bỏ giờ làm việc

Mới đây, Công ty Điện lực Hà Nam vừa ra quyết định kỷ luật khiển trách, miễn nhiệm chức vụ công tác với ông Nguyễn Hữu Nghị, Giám đốc điện lực Bình Lục.

Ông Nghị bị điều động làm Quản đốc phân xưởng xây lắp sửa chữa điện - Công ty Điện lực Hà Nam trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 5/3/2018 do đã đi lễ đền Trần trong giờ hành chính.

Đoàn cán bộ, nhân viên Điện lực Bình Lục đi lễ đền Trần - Ảnh: Cắt từ clip VTV

Ngày 26/2, 7 lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định đi lễ tại đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Ngay sau khi báo chí phản ánh, Kho bạc Nhà nước đã ban hành văn bản đình chỉ công tác ngay đối với các trường hợp vi phạm; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý về mặt chính quyền.

Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp để xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các đơn vị, cá nhân có vi phạm.

Tiếp đó, tại Hà Nội, Hiệu trưởng Trần Thị Yến và Phó hiệu trưởng Lê Thị Hiền, Trường THCS Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ cũng bị phản ánh đi lễ đền Bà Chúa Kho trong giờ hành chính.

Ngày 5/3, UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản thành lập Hội đồng kỷ luật cấp huyện đối với các cá nhân này. Đối với giáo viên, sẽ chỉ đạo Phòng GDĐT, Phòng Nội vụ thực hiện quy trình để xử lý những sai phạm theo đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ông cảm thấy buồn vì việc này đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở bằng Công điện về việc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; trong đó yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, thế nhưng cuối cùng nhiều người vẫn “vô tư” vi phạm.

Ông Nguyễn Viết Chức. (Ảnh: Hoàng Thái)

Theo ông, hình ảnh xe công “trẩy hội”, hay cán bộ công chức bỏ nhiệm sở đi lễ chùa đầu năm không phải là hiếm, tình trạng này cũng đã được báo chí phản ánh từ những năm trước.

Đây là những hình ảnh phản cảm trong mắt dư luận, bởi sau kỳ nghỉ Tết, trong khi đa phần các cơ quan, đơn vị đã bắt tay vào làm việc nghiêm túc thì vẫn có những lãnh đạo, công chức bớt xén thời gian, bỏ bê nhiệm vụ ung dung đi lễ chùa, cầu tài lộc.

“Dù thế nào thì cũng không được bỏ công việc, bỏ giờ hành chính – vì đây là giờ làm việc của chính mình. Cán bộ bỏ nhiệm sở đi lễ chùa như vậy thì ai sẽ lo việc cho dân? Người dân sẽ biết tìm ai để giải quyết công việc? Là công bộc của dân thì không được tùy tiện bỏ giờ hành chính để đi du Xuân, cầu tài lộc như vậy được” – ông Nguyễn Viết Chức cho biết.

Ông cũng cho rằng, cán bộ được trả lương bằng đồng tiền thuế đóng góp của dân mà lại thiếu trách nhiệm như vậy thì cũng có nghĩa họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải có các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, tùy theo mức độ của sự việc xảy ra.

Đi lễ chùa là nét đẹp tâm linh của mỗi người dân Việt Nam, nhưng cần phải rạch ròi giữa việc công và tự do tín ngưỡng cá nhân. Cần phải thực hiện thế nào cho phù hợp. Nếu cán bộ đi lễ ngoài giờ chắc chắn sẽ không ai có ý kiến. Ngược lại, anh được trả lương để làm việc mà lại bỏ bê công việc là điều không thể chấp nhận được.

“Thì giờ là tiền bạc. Cán bộ cắt bớt thời gian làm việc công để lo việc riêng của mình là lấy cắp tiền của Nhà nước, và như thế thì phải kỷ luật nghiêm.

Chúng ta không thể nghĩ theo kiểu xuề xòa: Làm gì gắt gao đến như thế, đi lễ chùa thể hiện tâm linh thì làm sao phải kỷ luật. Nếu sai mà kéo dài mãi thì sai nhỏ thành sai lớn, tác hại của nó sẽ rất ghê gớm.

Chỉ thị của Thủ tướng thì phải thực hiện, không thực hiện mà cũng không làm sao cả thì không thể nói là nghiêm được. Cho nên việc làm của các địa phương là hoàn toàn kịp thời, được người dân đồng tỉnh ủng hộ” – ông Nguyễn Viết Chức cho biết thêm.

Cần quy định rõ trong Luật

Cùng chung quan điểm, ông Lê Như Tiến – nguyên Đại hội Quốc hội khóa XIII cho rằng, quyết định kỷ luật đối với các cá nhân trên vừa thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật, kỷ cương, vừa là bài học sâu sắc đối với những người là công bộc của dân.

Ông Lê Như Tiến

Các quyết định trên cũng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, với những người cố tình đi ngược lại chỉ đạo của cấp trên, ngang nhiên bớt xén giờ hành chính để cầu tài, cầu lộc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức thì sẽ phải nhận một kết quả xử lý kỷ luật thích đáng.

Theo vị nguyên đại biểu Quốc hội, để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, từ Chỉ thị, công điện của Thủ tướng cần phải luật hóa, trở thành những quy định trong luật Công chức, viên chức về việc thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật lao động, nghiêm cấm cán bộ bỏ giờ làm việc để đi làm việc khác, như đi lễ chùa, mừng sinh nhật, đám cưới… Bên cạnh đó là các chế tài, nhẹ thì khiển trách, cảnh cáo, nặng thì cách chức, hoặc cho thôi việc. Phải làm nghiêm, xử lý nghiêm thì mới đủ sức răn đe.

“Không chỉ đi lễ chùa, mở rộng ra còn thấy nhiều hiện tượng như có những cơ quan kéo rồng rắn hàng mấy xe đi mừng sếp có nhà mới, mừng thủ trưởng lên chức, thậm chí mừng sếp có quý tử… đó chính là biểu hiện tham nhũng thời gian, vụ lợi cá nhân.

Phải luật hóa việc này chứ không dừng lại ở Chỉ thị, công điện để mọi người cùng thực hiện” – ông Lê Như Tiến nói và cho biết nếu cán bộ bỏ vị trí làm việc mà để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng thì có thể phải xử lý về mặt hình sự.

Để khắc phục những hành vi thiếu chuẩn mực cần phải chú trọng giáo dục đạo đức cán bộ công chức, viên chức, từ cán bộ cấp cao đến đảng viên cơ sở, biết bổn phận của mình là mẫn cán làm việc phục vụ nhân dân; giáo dục cả lương tâm, danh dự, biết tự trọng và do đó biết xấu hổ khi làm điều xấu.

Chính sức mạnh đạo đức, lương tâm, danh dự, lòng tự trọng đó như một con đê chắn sóng để ngăn ngừa những hành vi lệch chuẩn mà nó tác động đến chính mình.

Không có gì bằng sức mạnh của con người, nên luật pháp có chi tiết đến đâu cũng không đủ, đạo đức xã hội có đề cao đến mấy cũng không đủ nếu như bản thân mỗi người không tự ý thức được trách nhiệm của mình.

Kim Anh
Theo VOV

Từ khóa: