Sự kiện hot
7 năm trước

Cận cảnh tàu ‘cát tặc’ lộng hành trên sông Đuống

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về việc xuất hiện nhiều tàu hút cát ban đêm trên sông Đuống, đoạn chảy qua giữa xã Đặng Xá và Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Trong lúc Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa liên quan đến dự án nạo vét luồng sông Cầu thì ở sông Đuống gần đó, cát tặc vẫn lộng hành.  

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về việc xuất hiện nhiều tàu hút cát ban đêm trên sông Đuống, đoạn chảy qua giữa xã Đặng Xá và Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Tối 20/3, chúng tôi đã tới sông Đuống để xác minh thông tin nói trên. Đúng như người dân phản ánh, đứng cách bờ sông Đuống khoảng 500m, chúng tôi đã nghe thấy tiếng tàu thuyền nổ máy rầm rầm từ ngoài sông vọng lại. Càng gần bờ sông thì tiếng tàu thuyền nổ máy càng lớn.

qua coi thuong phap luat cat tac long hanh tren song duong

Cáu tàu hút cát trên sông Đuống vào tối 20/3.

qua coi thuong phap luat cat tac long hanh tren song duong

Lúc 19h00 cùng ngày, chúng tôi có mặt bên bờ sông Đuống thuộc địa bàn xã Đặng Xá, cách cầu Phù Đổng khoảng 2,5km về phía hạ lưu.

Lúc này, ít nhất ba chiếc tàu hút cát loại từ 300 – 500m3 hiện ra trước mắt chúng tôi. Các phương tiện này đang đỗ sát nhau, nổ máy rầm rầm khai thác cát ở vị trí cách mép sông chỉ khoảng 50m.

Một lát sau, một trong ba chiếc tàu đã hút đầy cát nên di chuyên đi nơi khác. Ngay khi chiếc tàu này di chuyển thì một tàu khác liền đi tới thay thế để hút cát. Cứ như vậy, cho tới 21h00, khi chúng tôi di chuyển khỏi bờ sông thì luôn có ba chiếc tàu hút đồng loạt khai thác cát trái phép tại đây.

Một số người dân xã Đặng Xá cho biết, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, họ thường xuyên phát hiện tàu thuyền khai thác cát vào ban đêm trên sông Đuống.

“Những năm trước, tàu thuyền khai thác cát chủ yếu xuất hiện vào ban ngày. Nhưng thời gian gần đây thì ban đêm hay ban ngày đều có tàu khai thác cát ở đoạn sông này. Càng về khuya thì tàu khai thác cát càng nhiều,” một người dân có đất trồng hoa màu ven sông Đuống, xã Đặng Xá khẳng định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại đoạn sông Đuống chảy qua địa bàn xã Đặng Xá nói trên hiện có Công ty TNHH My Hương được cấp phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông. Công ty này được nạo vét, tận thu sản phẩm trên phạm vi lên tới khoảng 10km sông Đuống.

qua coi thuong phap luat cat tac long hanh tren song duong

Các phương tiện được cho là của Công ty TNHH My Hương đang nạo vét luồng sông Đuống. Ảnh: Nguyễn An

Chiều 21/3, trở lại địa bàn này, chúng tôi nhận thấy nhiều phương tiện được cho là của Công ty TNHH My Hương đang hoạt động ở giữa sông, cách chân cầu Phù Đổng khoảng 2km.

Theo người dân địa phương, ban ngày thì tàu thuyền của Công ty TNHH My Hương tiến hành nạo vét lòng sông. Ban đêm, cũng tại khu vực này thì “cát tặc” lại lộng hành.

Đối với các phương tiện hút cát trái phép vào tối 20/3 nói trên, một số người dân cũng cho rằng đó là phương tiện của Công ty TNHH My Hương.

Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là phương tiện của Công ty TNHH My Hương hay không thì cần phải có sự vào cuộc xác minh của cơ quan chức năng.

Dù số tàu hút này là của bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào thì đó đều là hành vi khai thác cát trái phép.

Theo quy định của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các đơn vị được cấp phép nạo vét luồng chỉ được phép thi công từ 6h00 tới 18h00 hàng ngày.

Cục Đường thủy nội địa không cấp phép cho bất cứ đơn vị nào hoạt động vào ban đêm (từ 18h00 tối hôm trước tới 6h00 sáng hôm sau). Mọi hoạt động khai thác cát vào ban đêm trên các sông của Hà Nội đều là “cát tặc”.

Trước đó, vào ngày 21/2 vừa qua, Đội Tuần tra kiểm soát số 2 - Phòng Cảnh sát Đường thủy phối hợp với Công an huyện Giam Lâm, Hà Nội đã tiến hành mật phục bắt giữ 5 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đuống, đoạn chảy qua xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. 5 phương tiện này lần lượt do các ông bà: Nguyễn Văn Khá, Nguyễn Văn Phồn, Trần Văn Hai, Nguyễn Thị Thu Hậu, Nguyễn Văn Tiến, cùng trú tại huyện Việt Yên, Bắc Giang điều khiển.

qua coi thuong phap luat cat tac long hanh tren song duong

Một đoạn đất bãi ven sông Đuống, thuộc địa bàn xã Đặng Xá bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn An

Theo chúng tôi được biết, vị trí 5 tàu “cát tặc” bị bắt nói trên cách xã Đặng Xá khoảng 5km và đều nằm trong vùng dự án nạo vét luồng hiện tại của Công ty TNHH My Hương.

Việc xuất hiện nhiều tàu hút cát trái phép trên sông Đuống khiến chúng tôi thực sự bất ngờ. Lý do là vì, hiện vấn đề khai thác cát trái phép đang nóng lên trên địa bàn cả nước. Sự lộng hành của “cát tặc” khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.

Mới đây, vì đề nghị dừng cấp phép cho doanh nghiệp nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông Cầu mà Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh này đã bị đe dọa.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Ninh phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ can thiệp.

Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ trường hợp đã đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về hoạt động nạo vét luồng trên sông Cầu.

Trước đó, vấn đề phòng chống nạn “cát tặc” cũng từng nóng lên trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì diễn ra ngày 7/3.

Tại hội nghị này, đại diện nhiều tỉnh thành đã nêu ra sự sự liều lĩnh của các trường hợp khai thác cát trái phép. Điển hình, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho biết, lợi nhuận từ việc khai thác cát là rất lớn. Mỗi tàu cuốc, tàu hút hoạt động trên sông khoảng 30 phút là “cát tặc” có thể thu được vài trăm khối cát.

Theo vị này, “cát tặc” thường rất manh động, nếu bị phát hiện thì họ sẵn sàng nhấn chìm tàu thuyền để xóa dấu vết. Thậm chí, người của chính quyền tới xử lý còn bị “cát tặc” chở ra giữa sông. Đại diện UBND tỉnh Hải Dương kể rằng, trong một lần xử lý khai thác cát trái phép, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ đã bị “cát tặc” kéo đi hơn 10km trên sông.

Phát biểu tại hội nghị nói trên, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cũng chia sẻ với các địa phương về khó khăn trong việc chống “cát tặc”.

Đáng chú ý, Thượng tướng Vương cho biết, hầu hết các vụ bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép cho thấy, đằng sau các phương tiện đó đều có “xã hội đen” đứng ra bảo kê. Bộ Công an từng phá một vụ án ở Phú Thọ, bắt nhóm bảo kê còn trang bị đầy súng đạn.

Sự liều lĩnh, manh động của “cát tặc” như đã nói ở trên khiến chúng ta càng nhận thấy sự đúng đắn, kịp thời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi cơ quan này thực hiện giám sát chuyên đề về vấn nạn khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn toàn quốc.

Thực tế, kể từ khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành giám sát, từ đầu năm 2017 tới nay, tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm đi rõ rệt. Cũng từ đầu năm 2017 tới nay, các cơ quan chức năng đã bàn bạc nhiều hơn, vào cuộc quyết liệt hơn để đẩy lùi nạn “cát tặc”.

Có thể nói, giữa lúc các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để dẹp nạn “cát tặc” thì việc xuất hiện nhiều tàu hút cát trái phép trên sông Đuống nói trên càng cho thấy sự táo tợn, quá coi thường pháp luật của những đối tượng ăn cắp tài nguyên Quốc gia.

Trong quá trình tìm hiều về vấn nạn “cát tặc” trên sông Đuống, chúng tôi được biết, vấn nạn này là lý do lớn nhất khiến cho đất đai ven sông bị sạt lở, nhiều thửa đất trồng hoa màu của người dân đã bị sạt lở tới hơn 20m. Từ nhiều năm nay, người dân bên bờ sông Đuống hết sức búc xúc.

Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể về vấn đề này ở bài viết sau.

Nhóm PV

Theo VNM - PL.XH

Từ khóa: