Sự kiện hot
7 năm trước

Cần làm gì để tránh lặp lại mất cân bằng cung – cầu heo hơi?

Thời gian gần đây thị trường hàng hóa náo động vì tình trạng giá heo (lợn) hơi sụt giảm nhanh chóng do nguồn cùng vượt quá cầu, có thời điểm chỉ giao động trong khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Ảnh: Gia An.

Sau khi tình trạng khủng hoảng giá heo hơi xảy ra trên thị trường, nhiều biện pháp đã được triển khai để người nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp tạm thời, về lâu dài vấn đề cần phải được giải quyết triệt để là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định: “Chúng ta kêu gọi giải cứu thịt hay dưa hấu như vừa qua không giải quyết được vấn đề cốt lõi của câu chuyện”.

Thực tế, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước có 27,23 triệu con heo, giảm khoảng 1,1 triệu so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 1,6 triệu con so với tháng 4/2017.

Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, dự kiến năm 2017 sản lượng thịt heo đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2016. Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm 2017 vào khoảng 3,5 triệu tấn thịt heo hơi. Như vậy, thịt heo vẫn dư thừa khoảng 200.000 tấn, chưa tính đến lượng nhập khẩu.

Vì đâu thị trường mất cân bằng?

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung – cầu của thị trường heo hơi.

Đầu tiên phải kể đến sự phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên tiêu thụ tại các vùng, miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại chợ. Phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ là hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, chiếm khoảng 65 – 70% về đầu con.

Bên cạnh đó, sự phát triển “quá nóng” của ngành chăn nuôi lợn trong khi thị trường tiêu thụ vẫn còn thụ động. Số liệu thống kê cho thấy trong 20 năm qua, sản lượng thịt đã tăng gần 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.

Tại buổi tọa đàm về công bố báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Thời gian vừa qua chúng ta không hề gặp khó khăn về thiên tai nên chúng ta cứ thúc phát triển về số lượng, bất chấp nhu cầu của thị trường có hay không. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp tìm đầu ra ở thị trường trong nước đã khó, tìm đường xuất khẩu còn khó hơn”.

Hiện tại, việc tiêu thụ heo hơi phụ thuộc chủ yếu vào con đường xuất khẩu tiểu ngạch qua một thị trường là Trung Quốc.Theo Bộ Công thương, xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc đạt 600.000 tấn lợn, tăng 50% so với năm 2015. Vì vậy, khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống từ biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Đâu là giải pháp?

Giải pháp đầu tiên là hình thành chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Công thương đã đề nghị Bộ NN&PTNTcần quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch. Ngoài ra, tổ chức sản xuất, nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn trong nước và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công thương trong việc đàm phán mở thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất chăn nuôi phải gắn với thị trường tiêu thụ, tăng cường gắn kết thông qua hợp đồng giữa sản xuất và các doanh nghiệp chế biến, phân phối.

Thịt heo hơi cần được xuất khẩu theo đường chính ngạch là giải pháp thứ hai. Theo ông Vũ Vinh Phú, chính phủ cần vào cuộc để đưa ra một chiến lược xuất khẩu chính ngạch cho heo hơi, dẫn dắt trang trại và người nuôi có thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng bị phụ thuộc vào một thị trường độc nhất.

Bộ Công thương đã đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho lợn sống, lợn sữa, thịt lợn đông lạnh Việt Nam sang các thị trường ngoài Trung Quốc như Philippines, Singapore,.. Như vậy sẽ tránh trường hợp giá sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người chăn nuôi khi thị trường tiêu thụ ở quốc gia khác ngừng nhập khẩu.

Tố Tố
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: