Sự kiện hot
6 năm trước

Cẩn trọng với miếng dán thải độc

Miếng dán thải độc được quảng cáo có tác dụng tốt đối với người có vấn đề về khớp, huyết áp, thần kinh, thận, gan,… Tuy nhiên, công dụng thực sự của sản phẩm này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng.

Thải độc và các sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng thải độc đã bắt đầu trở thành một trào lưu ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Nhiều người tiêu dùng bị thuyết phục bởi những quảng cáo sản phẩm có thể giúp họ thải loại được những độc tố đang xâm nhập vào người hàng ngày và thực tế khó ai còn nghi ngờ khi nhìn miếng dán từ trắng hóa đen kịt chỉ sau 1 đêm.

Trên thị trường, miếng dán chân thải độc đang được rao bán tràn lan trên thị trường với giá chỉ từ 300.000-700.000 đồng/hộp 10 miếng với nhiều nhãn hiệu khác nhau, hầu hết các sản phẩm này được người bán quảng cáo đều nhập ngoại, có xuất xứ thừ Nhật, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ và đều được chứng nhận chất lượng nhưng chưa nhãn hiệu nào quảng cáo là có giấy phép của cơ quan y tế Việt Nam.

Theo như quảng cáo, miếng dán sẽ hấp thụ các chất thừa, chất cặn bã có hại trong cơ thể qua các huyệt đạo, tăng cường lưu thông huyết mạch, làm dãn các cơ bắp, tạo cho các dây thần kinh hoạt động mạnh mẽ, giảm mệt mỏi. Trong vòng 6 tiếng sau khi dán, các hạt trắng của miếng dán sẽ chuyển sang màu tối, phản ánh tình trạng sức khoẻ không tốt của người sử dụng. Ngoài ra, miếng dán thải độc được giới thiệu là có tác dụng tốt đối với người có vấn đề về khớp, bệnh gút, đau đầu, mất ngủ, có vấn đề về huyết áp, dây thần kinh, hoặc người mắc bệnh thận. Có người bán hàng còn tự bổ sung thêm các công dụng khác đối với bệnh gan, dạ dày, tiêu hóa...

Tuy nhiên, khi trào lưu sử dụng miếng dán thải độc rộ lên, ngay lập tức đã có những nạn nhân phải nhập viện. Đã có nhiều trường hợp nhẹ là bong tróc da bàn chân, còn nặng là cấp cứu. Chính bác sĩ cũng không dám khẳng định sản phẩm là an toàn, đặc biệt khi có chứa axit. Không rõ chức năng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc nhập về trong nước cũng mập mờ, chủ yếu bán online và qua các cá nhân truyền tai, truyền tay, nhiều nạn nhân đã phải vào viện khẩn cấp vì tin dùng. Đây thực sự là những lời cảnh báo khẩn cho những ai đang có ý định dán miếng thải độc ngay lúc này.

Theo các chuyên gia, lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, là nơi thể hiện các loại bệnh lý nên trong y học cổ truyền thường có những phương pháp tác động lên gan bàn chân như: day ấn, xoa bóp, bấm huyệt, dùng từ trường... để góp phần chữa bệnh. Song, việc sử dụng miếng dán ở lòng bàn chân khi chưa được chứng minh và thử nghiệm rõ ràng về tác dụng là điều vô cùng nguy hiểm. Việc tác động vào phần gan bàn chân, dù là dán thải độc hay áp dụng các phương pháp vật lý cũng có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt là các cơ quan nội tạng nếu không làm đúng kỹ thuật. Mặt khác, cũng chưa có tài liệu y học nào chứng minh miếng dán thải độc có công dụng hút độc ra khỏi cơ thể.

Để tìm hiểu về tác dụng của miếng dán giải độc, các chuyên gia tại Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tiến hành phân tích thành phần các mẫu. Trên bao bì sản phẩm có ghi các thành phần bao gồm giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic. Trong đó thành phần axit glycolic được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, có tác dụng tẩy da chết vì tính axit cao. Tuy nhiên, với nồng độ cao thì đây lại là một chất độc, cực kỳ nguy hiểm cho da khi tiếp xúc. Các chuyên gia cũng khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc, thậm chí còn là hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da, nhiễm trùng da, nặng hơn gây nhiễm trùng máu...

Còn ề việc đổi màu của miếng dán, có thể là kết quả của phản ứng giữa mồ hôi vùng da đó bị bít hơi một thời gian dài và một thành phần nào đó của miếng dán chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu. Việc sử dụng miếng dán thải độc, các chuyên gia khuyên người dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định và có nguồn gốc không rõ ràng. Không được nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình có biến chứng nặng nề hơn.

Vì vậy, người dân không nên cả tin vào những lời quảng cáo về miếng dán thải độc dẫn đến nguy hại cho sức khỏe. Theo đó, người tiêu dùng cần sử dụng những sản phẩm thải độc có nguồn gốc rõ ràng, theo liệu trình hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bảo Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng 

Từ khóa: