Sự kiện hot
7 năm trước

Chi phí chôn đắt đỏ, người Nhật đã nghĩ ra nghĩa trang thời công nghệ số này

Cuộc sống bận rộn và chi phí chôn cất đắt đỏ đã khiến nhiều người dân ở thành phố lớn của Nhật Bản tìm đến nghĩa trang công nghệ cao với chi phí rẻ và thuận tiện hơn.

Bàn thờ của người đã khuất trong nghĩa trang Tokyo Gobyo. Ảnh: Alexander Martin

Nghĩa trang công nghệ cao là giải pháp thay thế các ngôi mộ truyền thống ở Nhật Bản và đang ngày càng phổ biến ở đất nước mặt trời mọc, theo Nikkei. Tokyo Gobyo là một cơ sở như vậy.

Tòa nhà 5 tầng tọa lạc gần nhà ga Machiya ở phía bắc thủ đô Tokyo, do ngôi chùa Komyoji quản lý. Nghĩa trang Tokyo Gobyo mở cửa năm 2009, hiện có 8 gian lớn và lưu giữ khoảng 7.000 hài cốt.

Tới Tokyo Gobyo, bạn có thể bày tỏ lòng hiếu kính của mình với người thân yêu đã khuất bằng cách trình thẻ căn cước qua bảng điều khiển cảm ứng. Bằng thao tác đơn giản này, hệ thống tự động sẽ tìm thấy đúng nơi đựng hài cốt của người thân và dẫn bạn tới bàn thờ. Bên cạnh hũ đựng hài cốt là một khung ảnh của người quá cố và bình đựng hoa tươi.

Tatsunori Ohora, nhà sư chịu trách nhiệm giám sát hoạt động tại đây, cho biết cùng với sự phổ biến của hình thức mai táng công nghệ cao, nhà chùa đã xây dựng thêm hai cơ sở khác ở Tokyo.

"Các vị khách chỉ mất tổng cổng 30 phút để di chuyển, đến thăm người thân sau khi đã đi mua sắm, hay tiện đường ghé qua đây sau khi xong việc", ông nói. "Nếu không ngại đi xa, họ có thể chôn cất người quá cố ở những ngôi mộ rẻ hơn ngoài vùng ngoại ô. Nhưng đa phần người thành phố thích sự tiện lợi".

Chi phí cho một bình đựng tro cốt ở Nhật Bản khoảng 980.000 yen. Giá cho một mảnh đất chôn và bia mộ ước tính khoảng 2,6 triệu yen, theo Kamakura Shinsho, đại điện một công ty chuyên về dịch vụ tang lễ, cho hay.

Trong khi đó, không gian nhỏ với kích thước chỉ bằng một nửa tốn khoảng 530.000 yen. Khách hàng sẽ được yêu cầu trả chi phí quản lý và bảo trì khoảng 10.000 yen mỗi năm.

Hệ thống tự động này sẽ dẫn lối tới nơi đặt hũ đựng tro cốt của người đã khuất. Ảnh: Tokyo Gobyo

Khoảng 60-70% khách hàng có người thân đã khuất, 20% là người muốn chuyển phần mộ của gia đình về gần thành phố cho tiện đi lại. Ohora tin rằng nhu cầu sử dụng nơi an táng công nghệ cao này sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 20 năm tới.

Theo truyền thống, mỗi khi một người nào đó qua đời, tro cốt sẽ được đựng trong bình và đặt ở phần mộ gia đình, truyền lại quá các thế hệ con cháu. Con cháu trong nhà sẽ có trách nhiệm trả phí cho ngôi đền địa phương.

Tuy nhiên, trước tình hình dân số suy giảm như hiện nay, nhiều ngôi đền cũng phải tìm cách thích nghi để tồn tại. Ngôi đền Komyoji đã phải chuyển địa điểm khi số lượng danka giảm xuống chỉ còn 10 hộ. Danka là từ dùng để nói đến các gia chủ ủng hộ tài chính cho đền chùa.

Anh Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: