Sự kiện hot
6 năm trước

Chờ đợi gì từ Vinaconex sau SCIC thoái vốn?

Hai công ty con 100% vừa mới được thành lập là Vinaconex Đầu tư và Vinaconex Xây dựng sẽ là 2 cột trụ chính trong cơ cấu hoạt động kinh doanh trong tương lai của Tổng công ty. Thoái vốn tại một loạt các công ty kém hiệu quả, tinh gọn lại bộ máy, tăng cường công tác R&D... liệu những hoạt động này có đem lại một hình ảnh tươi mới hơn cho Vinaconex?

Trụ sở Vinaconex tại 34 Láng Hạ - Hà Nội

Tại buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư Vinaconex (Mã: VCG), SCIC công bố kế hoạch thoái 96,25 triệu cổ phiếu (tương đương 21,79% vốn cổ phần VCG), thời gian đấu giá dự kiến 8/12/2017.

Quan sát cho thấy nhiều nhà đầu tư có mặt tại buổi roadshow nhận định, việc bán vốn VCG của SCIC có thành công như bán vốn Vinamilk trước đó hay không còn là một ẩn số.

Thời điểm trước mắt, Công ty này đang phải gấp rút tiến hành thoái vốn, tái cơ cấu gia tăng hiệu quả hoạt động, mặt khác các công ty tư nhân cạnh tranh trực tiếp với Vinaconex trên thị trường xây dựng như Coteccons hay Hòa Bình ngày càng cho thấy sức mạnh của mình...

Sau khi SCIC thoái vốn, Vinaconex sẽ bay trên đôi cánh nào, triển vọng đầu tư ra sao... chính là câu hỏi của các nhà đầu tư vào lúc này.

Vinaconex Xây dựng – Vinaconex đầu tư, hai cột trụ của Tổng công ty sau tái cơ cấu

Trong tương lai, Vinaconex sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chủ chốt là Xây dựng và Bất Động sản thông qua 2 công ty tương ứng là Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư, đây chính là 2 cột trụ chính trong sự phát triển của công ty trong tương lai.

Cơ cấu hệ thống sẽ được phân hóa, Tổng công ty sẽ không tham gia vào hoạt động sản xuất trực tiếp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thay vào đó tập trung chuyên môn hóa thực hiện các chức năng quản lý quản trị như hoạch định chiến lược, quản lý tài chính, ngân sách, thuế. Tổng công ty sẽ phụ trách các vấn đề liên quan đến pháp lý như thương hiệu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thực hiện quản lý trực tiếp 2 công ty nòng cốt là Xây dựng và Bất Động Sản.

2 trụ cột của Vinaconex trong tương lai sẽ bao gồm Vinaconex Xây dựng và Vinaconex đầu tư

Vinaconex Xây dựng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hồi tháng 7/2017 vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Công ty sẽ thực hiện toàn bộ lĩnh vực kinh doanh xây lắp của Tổng công ty theo hướng phát triển thành tổng thầu EPC, tiếp tục phát phiển bộ phận R&D nghiên cứu công nghệ và vật liệu mới, tăng khả năng cạnh tranh.

Còn phía công ty Vinaconex đầu tư (Vinaconex Invest) sẽ thực hiện toàn bộ các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của Tổng Công ty, nghiên cứu đánh giá thị trường, xác định phân khúc đầu tư, tìm kiếm dự án mới…

Ngày 3/11 vừa qua, Vinaconex Invest cũng được Sở kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Vốn điều lệ tại 2 công ty cốt yếu của Vinaconex dự kiến sẽ được tăng lên thành 1.000 tỷ đồng trong thời gian sắp tới.

Vinaconex cho biết sẽ chỉ giữ lại nhóm số ít các công ty thành viên có hiệu quả hoạt động tốt, giữ tỷ trọng góp vốn từ 30 – 50%, và thoái vốn toàn bộ các công ty còn lại. Với nhóm các công ty hoạt động không hiệu quả, Vinaconex sẽ cho dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

Riêng trong năm 2017, VCG dự định bán vốn tại 18 tổ chức, tuy nhiên hiện tại công ty mới chỉ thoái thành công tại Công ty Tài chính CP Vinaconex Viettel (VVF) 33 triệu cổ phiếu, CTCP Vinaconex 7 thoái vốn từ tháng 9/2017 và Công ty Vinaconex – Taishei. Ngoài ra một số công ty được nhà đầu tư quan tâm như Vimeco sẽ thoái vốn từ 51% xuống còn 10%, đấu giá Viwasupco, dự kiến chuyển nhượng gần 22% vốn cổ phần, mức giá khởi điểm 39.900 đồng/cp.

Như vậy cùng với việc triển khai thoái vốn của SCIC tại công ty, Vinaconex cũng sẽ phải gấp rút thực hiện thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết để kịp hoàn thành tiến độ trong năm 2017.

Toàn bộ số tiền thoái được từ các công ty con, công ty liên kết sẽ được dồn vào phát triển Vinaconex Xây dựng và Vinaconex Đầu tư.

Danh sách các công ty con thoái vốn của Vinaconex

Đến 2020, có thể đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng/năm từ dự án Splendora

Trong những năm tiếp theo, VCG sẽ tập trung hoàn thiện dự án Splendora và theo ước tính của Tổng giám đốc VCG thì năm 2018, dự án này sẽ mang về doanh thu gần 1.200 tỷ đồng/năm, 430 tỷ lợi nhuận thuần, trừ đi các chi phí phát sinh sẽ còn hơn 200 tỷ đồng.

Dự án Bắc An Khánh (Splendora) do Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc theo tỷ lệ góp vốn 50 – 50) làm chủ đầu tư.

Toàn khu vực được chia thành các khu chức năng bao gồm các khu chung cư cao tầng, khu biệt thự và nhà liền kề, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, siêu thị, trong đó đất ở là 746.650 m2.

Phối cảnh dự án Splendora (Bắc An Khánh)

Cần lưu ý là dự án Bắc An Khánh còn tồn tại một số vướng mắc như công nợ của Vinaconex đối với các nhà thầu trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Đối tác liên doanh Posco đang có dự định thoái vốn khỏi Splendora, phía VCG khẳng định sẽ thực hiện dự án đến cùng do đó việc tìm đối tác đang được Công ty triển khai. Hiện kế hoạch phát triển dự án cũng chưa được VCG đưa cụ thể do còn phụ thuộc dự định từ phía đối tác liên doanh mới.

Đến năm 2020, doanh thu của dự án được đại diện VCG ước lượng có thể đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận 500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên con số cụ thể sẽ phải phụ thuộc vào kế hoạch của đối tác liên doanh mới của dự án sau khi Posco E&C thoái vốn.

Trong khoảng thời gian 5 năm sắp tới, Vinaconex đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10 – 15%, tăng trưởng lợi nhuận ở mức tương đương, tỷ lệ cổ tức duy trì từ 10 – 12%. Ban lãnh đạo công ty cho biết, cơ sở của việc đạt kế hoạch kinh doanh như vậy do VCG dựa trên kết quả tăng trưởng đạt được trong những năm gần đây.

Splendora - "Gà đẻ trứng vàng" của Vinaconex trong 5 năm sắp tới

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu Vinaconex đạt 6.624 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp đạt 4.180 tỷ đồng, chiếm 63% tổng doanh thu. Bất động sản đóng góp 724 tỷ đồng, chiếm 11%. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp mang lại 1.020 tỷ đồng doanh thu, chiếm 15%. Doanh thu từ hoạt động tư vấn chỉ đưa về gần 4 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ các hoạt động khác.

Tổng lợi nhuận sau thuế thu về trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 622,8 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, và vượt đến 40,5% chỉ tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 512 tỷ đồng.

Bạch Mộc
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: