Sự kiện hot
7 năm trước

Chuyện về Osin bệnh viện

Vài năm trở lại đây, trong bệnh viện đã xuất hiện nghề rất mới gọi là nghề osin bệnh viện. Đây là nghề tự phát do nhu cầu cần người chăm sóc của người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, nghề này cũng có nhiều nỗi truân chuyên mà người trong cuộc mới cảm nhận hết.

Sở dĩ gọi là osin bệnh viện vì họ làm công việc chăm sóc bệnh nhân từ A đến Z, từ khi nhập viện cho đến khi xuất viện hoặc qua đời và được người nhà bệnh nhân trả công theo ngày chăm sóc. Giá trung bình từ 200.000 đồng tới 300.000 đồng/ ngày tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh truyền nhiễm thì sẽ nhận được tiền công ở mức cao hơn.

Công việc "osin bệnh viện" vất vả và nguy cơ mắc các bênh truyền nhiễm là rất cao.

Từ 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Liên, quê ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã làm công việc chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu Nghị. Sáu năm làm osin bệnh viện cũng là chừng ấy năm chị tá túc bên giường bệnh để chăm sóc, lau chùi, vệ sinh cá nhân, túc trực ngày đêm bên bệnh nhân để theo dõi tình hình, khi phát hiện bệnh trạng bất thường của bệnh nhân còn kịp thời báo bác sỹ. 

Gần đây nhất chị nhận chăm sóc một cụ ông 84 tuổi bị suy hô hấp trong vòng hai tuần. Đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ sau những đêm mất ngủ triền miên, chị Nguyễn Thị Liên bùi ngùi chia sẻ: “Túc trực suốt vất vả đêm không được ngủ mấy. Đang nằm  các cụ ho lại phải dậy nâng giấc cho các cụ, có khi đêm nằm phải dạy đến 6-7 lần.  Đêm phải dạy hút đờm, vỗ lưng, cho các cụ uống sữa. Các cụ ra viện thì mình nghỉ, còn lại cứ chăm sóc suốt thôi.  Bây giờ khó khăn nên phải kiếm đồng tiền về trang trải gia đình…”

Cùng quê với chị Liên, chị Phạm Thị Lành đã làm công việc chăm sóc bênh nhân ở các bệnh viện từ nhiều năm nay. Cuộc sống cứ nổi trôi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác khiến chị ngán ngẩm. Dáng người gầy gò, nước da tái xanh  vì mệt mỏi, chị Liên thấy bày tỏ về nỗi cực nhọc khi nhận chăm sóc một cụ bà 81 tuổi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội: “Bà cụ  bị ung thư máu, tiểu đường, và suy thận độ bốn,  mình trực 26 ngày đêm liên tục. Lúc đầu có cô con gái trực cùng 5 ngày, sau đó cô ấy bị ốm nên nghỉ, chỉ có mình trực bấy  nhiêu ngày đêm ...” 

Không chỉ chị em phụ nữ mà cánh đàn ông cũng lăn xả vào công việc chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.  Anh Nguyễn Thành Trung, quê ở Hải Phòng, làm công việc chăm sóc bệnh nhân ở  Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết trong suốt 10 năm làm công việc này đã trải qua  không ít ca khó. Anh Trung tâm sự cách đây một tháng anh đã nhận chăm sóc một bệnh nhân bị ung thư di căn giai đoạn cuối. Anh Trung nhớ lại những đêm mình  chưa ngủ đầy một tiếng vì bệnh nhân liên tục đau buốt, phải thức suốt đêm để đấm bóp, mắt hõm sâu lại nhưng đã nhận tiền công rồi thì không thể làm qua loa được: “Làm nghề này vất vả lắm, không phải ai cũng làm được, ca nhẹ còn đỡ chứ ca nặng thì rất vất vả nhưng bù lại cũng có thu nhập hơn là làm ruộng. Hầu hết bệnh nhân thường hay phát bệnh vào ban đêm nên phải thức để trông máy, oxy, để ý nhịp tim. Nếu có dấu hiệu bất thường thì phải báo ngay cho bác sỹ để có phương án cứu chữa..” 

Công việc vất vả là vậy nhưng những osin bệnh viện còn phải đối mặt với  không ít rủi ro, thậm chí đôi lúc còn bị người nhà bệnh nhân mắng chửi và coi thường. Vì công việc nên họ phải cắn răng chịu đựng, nhưng cũng không ít người  vì không chịu nổi những lời lẽ xúc phạm đã không thể tiếp tục công việc này: “Ông ý sửng cồ lên chỉ vào mặt mình, xúc phạm mình nói là mày không được tham gia vào việc gia đình, mình tức quá nên mình xin nghỉ luôn… Chỉ có một việc như thế cảm thấy mất tự trọng quá nên mình xin nghỉ luôn. Đi làm cực nhất trong đời là ca đấy..” 

Kiếm tiền một cách lương thiện bằng chính sức lao động chân chính. Những người làm nghề ô sin bệnh viện phải chịu đựng nhiều vất vả, rủi ro. Vậy nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền họ đành phải ngậm ngùi chấp nhận. Điều mong mỏi lớn nhất của họ chỉ là sự thay đổi cách nhìn của xã hội về công việc họ đang làm, giúp họ tránh được sự phân biệt đối xử và ánh nhìn miệt thị của cộng đồng. 

Thùy Chi. 

 ‎

 

Từ khóa: