Sự kiện hot
7 năm trước

Con có cả cuộc đời để ăn, sao cứ bắt con phải ăn dặm sớm

Một thực trạng đáng buồn hiện nay đó là, dù đã biết rõ WHO khuyến cáo trẻ đủ 6 tháng mới cho ăn dặm nhưng dường như các mẹ phần vì quá sốt ruột muốn cho con ăn, phần vì không có đủ cương quyết để vượt qua mong muốn của gia đình mà bắt trẻ phải ăn dặm sớm.

Trước khi cho con ăn dặm, nhiều mẹ (đặc biệt là những mẹ sinh con lần đầu) thường vô cùng hoang mang. Họ có không ít băn khoăn và thường nghe theo lời của người đi trước “dọa”, “đánh phủ đầu” bằng những câu nói tưởng như vô hại: “Cứ cho con ăn đi, mẹ ngày trước cũng cho ăn sớm có sao đâu”, “Nó lớn rồi bú sữa chắc chắn là đói không chịu được nên mới khóc thế”…

Mẹ vội vàng quyết định vì hoang mang, vì không tìm hiểu tâm lý, đặc điểm phát triển của trẻ theo từng giai đoạn. Và mẹ cũng là người cảm thấy stress khi lớn lên, con ăn mãi mà không lớn, con sợ đến bữa ăn và vô vàn những tác hại đến sức khỏe của con.

Nhiều mẹ trẻ chưa chuẩn bị kiến thức đã vội vàng cho con ăn dặm

Với những người mẹ trẻ, nếu như họ dành thời gian tìm hiểu đặc điểm phát triển của trẻ qua từng giai đoạn, tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng mà trẻ cần, và đặc biệt là không bị “lung lay” bởi lời khuyên tưởng chừng rất quan tâm đến bé khiến con bị ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe ngay khi bắt đầu ăn dặm.

Không khó để bắt gặp những câu hỏi của các mẹ trên các diễn đàn làm mẹ, rằng “Con em khóc cả đêm chắc là con bú sữa mẹ thôi không được no nên em muốn cho con ăn dặm từ khi 3 tháng tuổi”, “Ngày nào bà cũng so sánh con nhà người nọ người kia ăn dặm siêu lắm, vèo cái hết bát mà con nhà mình hơn 4 tháng rồi vẫn chưa được ăn gì, các mẹ khuyên em có nên cho con ăn dặm để đỡ bị nói nhiều không?”. Có mẹ còn lên khoe rằng: “Con em mới hơn 2 tháng, em nghe bà nghiền bột gạo để ăn. Trộm vía con ăn hết bát bột gạo với lòng đỏ trứng và ngủ rất ngon”…

Các mẹ thường cho con ăn dặm khi bé chưa sẵn sàng cả về tâm lý và thể chất. (Ảnh: Parenting)

Theo chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng cho biết: “Trước tiên, trẻ nhóp nhép như nhai khi thấy người khác nhai là phản ứng tương tác và giao tiếp mà bé học hỏi trong giai đoạn đó, tương tự như việc hóng chuyện, đối đáp bằng âm thanh ô a cố bắt chước các phát âm của người lớn. Thứ 2 là, ở giai đoạn này, bé khám phá khả năng cầm nắm của bàn tay (từ tháng thứ 3 trở đi) và ngày càng thành thạo với việc nắm chặt đồ được cho.

Bé cũng khám phá bàn tay và các vật nắm được bằng cách đưa vào miệng và cảm nhận bằng lưỡi. Và đương nhiên việc gặm như thế cũng như là giai đoạn muốn mọc răng bắt đầu, bé tiết nhiều nước bọt. Tóp tép - đâu có nghĩa là đòi ăn? tóp tép là hiện tượng quan sát được như mô tả ở trên nhóp nhép chảy nước bọt khi thấy người khác ăn, gặm tay và bất cứ thứ gì cầm nắm được - bị diễn dịch thành "đòi ăn" và coi đó là dấu hiệu muốn ăn dặm là do người lớn chưa hiểu đầy đủ về các biểu hiện của bé ở giai đoạn này”.

Trẻ dưới 6 tháng chỉ nên bú mẹ hoàn toàn

Tổ chức Y tế thế giới luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của 6 tháng sữa mẹ hoàn toàn cho mọi trẻ em trên thế giới. Các nguyên tắc ăn dặm cần được chú ý không chỉ là đúng thời điểm, đúng loại thức ăn, đúng cách chế biến, lượng ăn và cách ăn. Quan trọng hơn hết, để hiểu được hết những yếu tố này, bố mẹ cần hiểu các yếu tố phát triển của con về kỹ năng vận động, về khả năng của lưỡi họng, về sự vận động của hệ tiêu hoá, và quan trọng nhất là hiểu các yếu tố phát triển khi mà từ 3 tháng trở đi trẻ càng lúc càng tăng cân ít đi để ưu tiên năng lượng cho giao tiếp, vận động và phát huy nhận thức.

Chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng. (Ảnh NVCC)

Chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng nhận định: “Trẻ bú mẹ hoàn toàn cần được đáp ứng nhu cầu bú mẹ cả ngày lẫn đêm, để phát triển thể chất và tinh thần. Ngủ động và bú đêm là một đặc điểm phát triển não của trẻ bú mẹ. Những quan niệm cho rằng khi trẻ 6kg hoặc gấp đôi cân khi sinh thì phải ngủ xuyên đêm là không có cơ sở khoa học, lại khiến các bố mẹ nghĩ rằng các bé vẫn bú đêm là "bị đói", phải cho "bú dặm", "ăn dặm" để chắc bụng. Việc "bú dặm" hoặc "ăn bột" để chắc bụng có thể mang lại biểu hiện như bố mẹ mong đợi là "cách cữ dài hơn, có vẻ ngủ giấc dài hơn, nhưng thực chất bé lâu đói hơn là bởi loại thực phẩm đó khó tiêu hoá hơn, chứ không hề nhiều dưỡng chất hơn, thậm chí nó làm bé đầy bụng chẳng muốn bú mẹ nữa càng mất đi cơ hội nhận đủ dưỡng chất từ sữa mẹ.

Thói quen đút ăn sớm, chỉ nuốt không nhai, và thói quen ăn bột mịn chính là nguyên nhân khiến các bé kém khả năng nhai, kém khả năng ăn các thực phẩm có độ thô đa dạng về sau này, kém khả năng xử lý hóc thực phẩm và có thể tạo nên thói "khó ăn" "ngậm thức ăn không nhai" trong nhiều năm tiếp theo”.

Cho bé ăn dặm không đúng cách cũng cản trở sự phát triển của bé. (Ảnh Pinterest)

Chuyên gia Phương Hồng khuyến cáo: “Việc cho con ăn dặm (hoặc bú dặm) quá sớm ảnh hưởng tiêu cực đến hấp thụ và bài tiết. Bởi vì tiêu hoá, chuyển hoá và hấp thụ được thực hiện nhờ men từ nước bọt và dịch tiêu hoá ở dạ dày và các tuyến dịch và các hormon hấp thụ hoạt động đồng bộ, mà ở trẻ nhỏ vài tháng tuổi, sự đồng bộ này chưa có, nên sữa mẹ là thức ăn duy nhất phù hợp.

Không chỉ là thời điểm ăn dặm là đáng quan tâm, mà các ăn như ăn lỏng, ăn bột để dễ nuốt (không có sự nhào trộn thức ăn với nước bọt trong miệng), hoặc ăn đạm sớm, hoặc ăn uống các thực phẩm công nghiệp, tạo nên gánh đặc biệt là các bộ phận thải độc và bài tiết như gan, thận làm các bộ phận này suy yếu khi trưởng thành”.

Sai lầm trong ăn dặm gây ra hậu quả biếng ăn

Hầu hết các ông bố, bà mẹ khi cho con cháu lớn dần lên đều rất sốt sắng trong việc cho con/ cháu mình ăn dặm. Chỉ cần biểu hiện nhỏ của trẻ đều kết luận rằng cần phải ăn dặm. Đứa trẻ mới 3, 4 tháng tuổi đã bắt đầu cho ăn dặm sai cách. Điều đó ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa cũng như sự phát triển tâm lý của trẻ sau này.

Việc cho con ăn dặm sớm là người lớn chưa biết tôn trọng hệ tiêu hóa của trẻ. Bố mẹ thường thấy con tóp tép thì nghĩ con thèm ăn và cảm thấy vui khi con ăn được nhiều. Điều này thể hiện rằng, bố mẹ không biết trẻ ăn bao nhiêu là đủ. Hơn nữa, người lớn còn “sốt sắng” hơn trong việc, trẻ mới bắt đầu ăn nhưng lại muốn con ăn được nhiều đồ ăn. Ăn những đồ ăn khó tiêu, ăn các loại protein khó hấp thụ là cách không biết trẻ trong giai đoạn nào cần ăn những gì.

Ăn các chất dinh dưỡng không đúng thời điểm khiến bé bị ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. (Ảnh: Parenting)

Không những thế, một thực trạng phổ biến hiện nay, người lớn thường thấy con lười ăn và bắt đầu việc đi rong, vừa cho con xem ti vi, điện thoại vừa ăn để bé ăn đủ lượng mà người lớn cho là cần thiết. Điều này sẽ khiến bé không có thói quen lành mạnh trong việc ăn uống, cảm thấy sợ ăn và nếu ăn cũng không có trách nhiệm với việc ăn uống của mình.

Với nhiều bà mẹ trẻ, một điều khiến họ đau đầu khi cho con ăn dặm nữa chính là sự tranh luận không hồi kết giữa việc có nêm gia vị vào đồ ăn dặm cho con hay không. Nhiều bà mẹ trẻ cũng thường lung lay bởi những câu nói: “Sao cho con ăn nhạt thế, mình ăn nhạt cũng có dễ ăn đâu mà bắt nó ăn nhạt”, “Ngày xưa tao nuôi mày vẫn cho ăn mặn có làm sao đâu”… Tuy nhiên, những ngộ nhận này gây nên một loạt những hậu quả cho bé như suy thận, giảm chức năng bài tiết, nguy cơ cao huyết áp, tim mạch, béo nước… Bé lại có nguy cơ biếng ăn do giảm chức năng hệ tiêu hóa.

Không những thế, những bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng, không biết cân bằng dinh dưỡng, không biết chế biến đảm bảo dinh dưỡng… cũng là những sai lầm trầm trọng gây nên tình trạng biếng ăn, chán ăn của bé.

Ba mẹ nên cân bằng các chất dinh dưỡng cho con trong từng bữa ăn. (Ảnh: Parenting)

Vì thế, với những bà mẹ trẻ, nếu không tự quyết và kiên quyết, chủ động trong việc chăm sóc trẻ, hãy “lôi kéo” gia đình vào việc chăm sóc con bằng cách cho mọi người nghe, đọc về sự phát triển của trẻ, về các vấn đề gây tranh cãi. Ba mẹ nên cùng bàn luận với mọi người trong gia đình để thống nhất về cách chăm con sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, xem các cảnh báo về vấn đề nuôi con sai cách. Điều đó vừa giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn khi chăm con. Khi mẹ vắng nhà cũng yên tâm hơn khi người lớn chăm con theo khoa học, chứ không chỉ chăm con theo “ngày xưa cũng thế”.

Mai Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: