Sự kiện hot
7 năm trước

Con đường từ SIM chuẩn thành SIM rác

SIM rác ra đời là hệ lụy tất yếu của việc ép doanh số từ các nhà mạng, dẫn tới việc nhân viên nhà mạng khai khống thông tin cá nhân để kích hoạt SIM và đưa hàng xuống đại lý.

Từ 1/11, Bộ Thông tin - Truyền thông đã yêu cầu năm nhà mạng thu hồi SIM 'rác' tại tất cả các kênh phân phối. Thế nào là SIM rác không phải ai cũng hiểu rõ.

SIM rác là thế nào?

SIM kích hoạt sẵn tại đại lý trước khi bán ra, đã khai thông tin chủ SIM từ trước không đúng với người mua và sử dụng SIM được gọi là SIM "rác". Sở dĩ có cái tên này vì đây là loại SIM mua được rất dễ dàng, không phải kê khai bất kỳ thông tin gì cũng như dùng hết tài khoản có thể vứt bỏ, mua SIM rác mới để hưởng khuyến mại. 

SIM rác có thể được mua tại các đại lý SIM thẻ, các cửa hàng tiện dụng hay thậm chí là quán nước lề đường với giá rẻ đi kèm số tiền hấp dẫn trong tài khoản.

Nguồn gốc phát sinh SIM rác

Theo các chủ đại lý SIM thẻ lớn, SIM rác ra đời là hệ lụy tất yếu của việc ép doanh số từ các nhà mạng, dẫn tới việc nhân viên nhà mạng khai khống thông tin cá nhân để kích hoạt SIM và đưa hàng xuống đại lý.

Con duong tu SIM chuan thanh SIM rac hinh anh 1
Con đường của SIM rác. Đồ họa: Ngô Minh. 

Ngoài ra, để đảm bảo doanh số nhằm tiếp tục được hưởng mức giá nhập SIM ưu đãi, đại lý thường phải bỏ tiền túi để nhập đủ SIM về và thường tích trữ số lượng SIM chưa kích hoạt rất lớn.

Tuy nhiên khoảng một năm trở lại đây, các nhà mạng đã đưa ra quy định SIM kit sẽ có thời hạn kích hoạt, sau thời hạn này sẽ bị thu hồi. Từ đó, các đại lý lớn phải kích hoạt toàn bộ SIM trong kho và nạp tiền, phát sinh cước hằng tháng để "bảo quản" SIM.

Số SIM kích hoạt trước này đều có thông tin cá nhân được khai sẵn không chính xác, tuy nhiên lại tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng không ý định gắn bó với một đầu số thuê bao nhất định vì có thể ra đại lý mua SIM mới và sử dụng luôn, không cần khai bất kỳ thông tin nào.

Cũng theo các đại lý, một nguyên nhân khác xa hơn chính là việc đầu số mới liên tục được cấp cho các nhà mạng. Dân số Việt Nam khoảng 90 triệu người, nhưng số lượng đầu số hiện nay đã đủ để phục vụ hàng trăm lần số này.

Vì sao phải thu hồi SIM rác?

Do tính chất mua bán dễ dàng nên những số thuê bao này được nhiều đối tượng sử dụng để gửi tin nhắn nặc danh, lừa đảo, gây rối, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cũng như an ninh thông tin.

Con duong tu SIM chuan thanh SIM rac hinh anh 2
Ngành kinh doanh SIM thẻ đang chao đảo vì thu hồi SIM rác. Ảnh: Minh Hoàng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng SIM rác không chỉ dẫn tới vấn nạn tin nhắn rác, lừa đảo mà còn là công cụ của tội phạm, thậm chí khủng bố.

Do vậy, cơ quan này quyết định tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước bằng việc yêu cầu 5 nhà mạng ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối từ ngày 1/11.

SIM rác nảy sinh tin nhắn rác

Tin nhắn rác là một hình thức để các đại lý thu hồi phần nào số tiền bảo quản SIM phả bỏ ra hằng tháng. Với những đại lý lớn năm trong tay từ 10.000 tới 50.000 SIM, số tiền phát sinh để bảo quản hằng tháng là không nhỏ. Do các đại lý phải bỏ tiền túi phát sinh cước hơn 1.000 đồng một tháng mỗi SIM trong quá trình "bảo quản" SIM kích hoạt sẵn nên phát sinh nhu cầu tiêu 1.000 đồng mỗi SIM cũng như thu hồi chi phí "bảo quản" SIM.

Tin nhắn rác ra đời như một dạng dịch vụ quảng cáo cho các doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp nhắn tin cho người tiêu dùng để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên tin nhắn rác đã gây ra nhiều phiền phức hay bị sử dụng cho mục đích lừa đảo, gây rối. Những tin nhắn này được gửi đi từ chính những SIM rác kích hoạt sẵn cần tiêu hơn 1.000 đồng mỗi tháng để không bị khóa SIM.

Theo Zing

Từ khóa: