Sự kiện hot
6 năm trước

'Cuộc chiến taxi' bắt nguồn từ việc... định danh Grab, Uber?

Sau 2 năm thí điểm, việc định danh "taxi công nghệ" Grab, Uber chưa rõ ràng được cho là yếu tố dẫn đến "cuộc chiến taxi".

"Cuộc chiến taxi" vẫn chưa có hồi kết. Ảnh minh họa

Hơn 2 năm sau thí điểm "taxi công nghệ" Grab-Uber, "mâu thuẫn" giữa loại hình này và taxi truyền thống ngày càng trở nên gay gắt. Thậm chí, nhiều người đã phải dùng từ "cuộc chiến taxi" khi nói về "mâu thuẫn" này.

Và cuộc tổng kết thí điểm 2 năm ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải của Bộ GTVT cuối năm 2017 đã biến thành cuộc tranh luận khi việc định danh Uber, Grab vẫn không thống nhất.

Đáng chú ý là sau 2 năm, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được quy định chính thức về hoạt động của "taxi công nghệ" và loại hình này được Chính phủ đồng ý cho tiếp tục thí điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định vấn đề mấu chốt vẫn là định danh.

"Vấn đề mấu chốt ở đây là ngay từ đầu khi Uber, Grab vào Việt Nam, chúng ta thí điểm nhưng việc định danh loại hình vận tải này chưa thống nhất.

Uber, Grab nói họ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ GTVT lại nhận định đây là loại hình vận tải xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi.

Các hãng taxi truyền thống khẳng định Uber, Grab là taxi. Cụ thể là "taxi công nghệ", ông Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Theo ông Thanh, việc không định danh được dẫn đến việc áp dụng điều kiện kinh doanh của từng loại hình vận tải công nghệ và truyền thống khác nhau.

"Taxi truyền thống có hơn chục điều kiện kinh doanh ràng buộc trong khi "taxi công nghệ" thoải mái hơn.

Điều này dẫn đến bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh khiến taxi truyền thống thất thế, thua lỗ. Đây là xung đột lợi ích.

Cái khó của cơ quan nhà nước là ngay từ đầu định danh không rõ ràng dẫn đến áp điều kiện kinh doanh không phù hợp.

Từ đó, việc xử lý vi phạm không chặt chẽ, dễ xảy ra xung đột. Cái khó là cơ quan quản lý nhà nước có dám thay đổi định danh với Uber, Grab hay không", ông Thanh nhận định.

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp khách hàng tố tài xế "xe công nghệ" lấy đồ, tiền bạc... nhưng việc giải quyết không dễ dàng.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng ngoài định danh thì phải tìm ra, chỉ ra đơn vị có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm về rủi ro đối với việc tổ chức vận tải.

"Ví dụ, phải quy định cụ thể doanh nghiệp áp dụng phần mềm xử lý rủi ro cho khách hàng cũng như lái xe", ông Thanh cho biết thêm.

Di Linh

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: