Sự kiện hot
6 năm trước

Điện ảnh Việt - Bao giờ hết cảnh 'mò cua bắt ốc'?

Tại Hội thảo “Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc” diễn ra trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 20 (từ 24-28/11 tại Đà Nẵng), nhìn chung, các đạo diễn, nhà lý luận phê bình đều bày tỏ một cái nhìn lạc quan với tình hình điện ảnh Việt. Tuy nhiên, họ cũng thẳng thắn nêu vấn đề: Sự thực phim Việt vẫn trong tình trạng “mò cua bắt ốc”, phim hay cả về nội dung lẫn phương pháp biểu đạt vẫn còn là chuyện tình cờ, ngoài tầm tay.

Không có sự hiện diện của các hãng phim nhà nước

Trải qua 20 kỳ LHP, đây là lần đầu tiên LHP Việt Nam vắng bóng hoàn toàn tác phẩm dự thi của các hãng phim truyện Nhà nước. Cụ thể, ở hạng mục Phim truyện điện ảnh, 16 bộ phim truyện “độc chiếm” dự thi đều đến từ 15 hãng phim tư nhân.

Trăn trở về cảnh “nhà nhà làm phim, người người làm phim”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nêu ý kiến là chỉ nên mừng một nửa. Một nửa còn lại là lo âu bởi: “Không ít người chưa am tường lắm về điện ảnh cũng làm phim, dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm ít tính chuyên nghiệp và có hướng thích gì làm nấy, non yếu về tay nghề và nông cạn về ý tưởng, thiếu logic về kết cấu câu chuyện”.

Hình ảnh trong phim "Cha cõng con".

Theo nhà biên kịch Hồng Ngát, LHP lần này hoàn toàn vắng bóng tác phẩm của các hãng phim Nhà nước, nhưng lại “bùng nổ” tác phẩm điện ảnh của các hãng phim tư nhân. Và sự thiếu vắng phim dự thi của các nhà làm phim gạo cội thuộc hai đơn vị Nhà nước (Hãng phim truyện Việt Nam và hãng phim Giải Phóng) vẫn là điều rất đáng để suy nghĩ.

Cho rằng việc không có phim điện ảnh của Nhà nước tham gia là xu thế hiện tại, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - Trưởng BTC LHPVN lần thứ XX - cho biết, năm nay BTC đã chọn được nhiều bộ phim tư nhân chất lượng, có sự sàng lọc để loại bỏ những phim hài nhảm. Bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định là chất lượng phim tham gia tranh giải kỳ này thực sự đã được nâng cao.

Nét tươi mới

Bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam lại có cái nhìn lạc quan về nét tươi mới của LHP năm nay. Bà Dung nhận định: “Nét tươi mới là đặc điểm rõ nét nhất của 16 bộ phim truyện dự thi. Đó là sự tươi mới của một thế hệ các đạo diễn trẻ, trong đó nhiều đạo diễn “trình làng điện ảnh” với tác phẩm đầu tay và ngay lập tức đã được Hội đồng tuyển chọn dự thi.”

Cảnh phim Sài Gòn anh yêu em.

Theo bà Dung, trong tất cả tác phẩm dự thi còn có nét vụng về nhưng dễ dàng thấy được sự mới mẻ trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ, khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu để rồi bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn…

NSND - Đạo diễn Đặng Nhật Minh - Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện, cho biết, 16 phim truyện tranh giải được lựa chọn rất đa dạng, thể hiện bước chuyển biến mới của điện ảnh Việt, song ông cho rằng: “Làm nhiều phim giải trí phục vụ nhu cầu khán giả cũng không sao, nhưng không thể đưa thể loại phim này đi giao lưu vì thế giới họ không quan tâm nước ta giải trí thế nào”. Theo NSND Đặng Nhật Minh: “Một bộ phim được giải thưởng tại liên hoan phim nào đó chưa nói lên được điều gì, ban giám khảo chỉ có trên dưới 10 người bình chọn. Thời gian và khán giả mới là vị giám khảo quan trọng nhất, công tâm nhất, quan trọng là sau 20 năm, 30 năm khán giả có còn muốn xem những bộ phim đó nữa hay không?”.

Vẫn tồn tại tình trạng “mò cua bắt ốc”

Đạo diễn Tô Hoàng thẳng thắn nêu lên một thực tế khiến các nhà làm điện ảnh đau xót bởi những phép tính lời lãi ngày càng thao túng, lấn át yếu tố chất lượng của các tác phẩm điện ảnh. Theo đạo diễn Tô Hoàng, các kỳ LHP đều dành một sự ưu ái đặc biệt cho phim thương mại, phim giải trí bằng hình thức biểu dương, khích lệ thích đáng. Đó là việc phù hợp với quy luật tự nhiên của nền kinh tế thị trường. Là thành viên ban giám khảo hạng mục Phim truyện, ông Hoàng cho biết ông cũng có cái nhìn lạc quan hơn với tình hình phim điện ảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hoàng thì: “Sự thực vẫn tồn tại tình trạng “mò cua bắt ốc”, phim hay cả về nội dung lẫn phương pháp biểu đạt vẫn còn là chuyện tình cờ, ngoài tầm tay”.

Cảnh phim "Bao giờ có yêu nhau"

Phân tích sâu hơn về tình trạng “mò cua bắt ốc”, đạo diễn Tô Hoàng cho biết: “Đó là việc phim này bắt chước phim kia, bắt chước đề tài phim nước ngoài, tình trạng lóe ra ý tưởng tốt nhưng sợ thất thu nên buộc phải chấp hành quy tắc bất thành văn là sex một tí, tiền một tí, bạo lực một tí”.

Đạo diễn Đức Thịnh nêu thực tế mỗi năm có trên dưới 50 phim ra rạp. Các phim đều mang đậm tính giải trí để phục vụ khán giả trẻ - đối tượng khán giả chính bỏ tiền mua vé xem phim. Chính điều đó đã kéo theo vấn nạn đề tài nghèo nàn, nhàm chán, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là sex, bạo lực, đồng tính… Đâu đó có vài ba phim mạnh dạn thay đổi đề tài, nhưng cũng chỉ ở mức "gãingứa".

Đạo diễn Đức Thịnh hiến kế, cần có sự "hơi tiếp sức" của các đơn vị hữu quan để hỗ trợ các nhà đầu tư, sản xuất phim mạnh dạn đổi mới đề tài. Chẳng hạn, dự án nào được Cục Điện ảnh thẩm định đề tài hay, mang tính xã hội, nên có hình thức bảo trợ cụ thể. Ví dụ, có cách tính tỉ lệ ăn chia khác so với các thể loại giải trí, để san sẻ rủi ro doanh thu với các nhà làm phim.

Hình ảnh trong phim "Nắng"

Trước ý kiến của đạo diễn Đức Thịnh về việc lệ thuộc việc đảm bảo an toàn doanh thu phòng vé đã làm mất đi cơ hội chào đời của những bộ phim có tính xã hội cao, có cái nhìn chân - thiện - mỹ, tôn vinh bản sắc dân tộc, hội nhập với điện ảnh quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát đưa ra ý kiến: Cần mở ra nhiều hướng làm phim, nhiều hướng sáng tạo trên diện rộng, nhưng đồng thời cũng cần chú trọng đến chiều sâu, tìm tòi, cân nhắc, nghĩ ngợi trước mỗi một tác phẩm để không uổng phí tiền bạc và công sức.

Bà Ngát cho rằng phải làm sao để đưa chất lượng phim lên cao hơn nữa. Trong tình hình hiện nay, phim Việt Nam đang rất thiếu dòng chủ đạo, “những người được học hành bài bản không có kinh phí làm phim”, đó là một thực tế cần phải suy nghĩ.

Thu Hiền
Theo Công Luận

Từ khóa: