Sự kiện hot
12 năm trước

GS Hồ Ngọc Đại: “100 năm nữa sẽ thống nhất ngữ âm toàn quốc"

“100 năm nữa sẽ thống nhất ngữ âm trên toàn quốc”. Đó là ước mơ mà GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đang hướng tới trong chương trình tiếng Việt 1 công nghệ.

“100 năm nữa sẽ thống nhất ngữ âm trên toàn quốc”. Đó là ước mơ mà GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đang hướng tới trong chương trình tiếng Việt 1 công nghệ.

GS. TS Hồ Ngọc Đại đi gần hết đời người vẫn cháy bỏng, nồng nàn nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục. Ông là người luôn muốn làm một cái gì đó để thay đổi hướng tới những tư duy giáo dục hiện đại, tiến bộ … và luôn trăn trở với sự nghiệp trồng người ở miền núi.

Từng dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho giáo dục miền núi, mỗi chuyến đi đến các bản làng xa xôi, tận thấy những khó khăn vất vả mà thầy và trò miền núi phải trải qua là thêm một lần băn khoăn, ám ảnh trong lòng người thầy giáo này.

GS. TS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ thân tình với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn, vất vả của học trò miền núi và chương trình tiếng Việt 1 công nghệ (dạy học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ) cùng ước mơ 100 năm nữa sẽ thống nhất ngữ âm trên toàn quốc sau chuyến vượt núi, băng rừng đến với các huyện xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang…

Thưa GS. TS Hồ Ngọc Đại, ông đã từng dành hơn nữa quãng đời để đến với giáo dục ở các tỉnh miền núi. Sau mỗi chuyến đi chắc chắn sẽ để lại trong ông nhiều suy nghĩ, trăn trở. Vậy cái trăn trở lớn nhất với giáo dục miền núi trong ông là gì?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Đó là trẻ con. Trẻ em dân tộc miền núi như một con suối hoang sơ chảy khúc khuỷu trong rừng thẳm, thuần khiết, mạnh mẽ, dạn dày với nắng gió… và cũng tràn đầy trí tuệ khiến người ta không thể không yêu mến.



GS. TS Hồ Ngọc Đại, "100 năm nữa sẽ thống nhất ngữ âm trên toàn quốc"

Thế nhưng bấy lâu nay trẻ con dân tộc miền núi nói riêng và giáo dục miền núi nói chung lại bị quy kết cho là “yếu và kém”, “ngu và dốt”…

Mỗi lần đến với các trường học miền núi, tận thấy những khó khăn, vất vả của lũ trẻ, tôi đều không cầm được lòng. “Gieo” con chữ ở vùng núi rừng sao mà khó nhọc đến thế.

GS có thể chia sẻ kỹ hơn về những khó khăn, vất vả trong hành trình đến trường học chữ của trẻ vùng cao?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Đầu tiên là cơ sở vật chất trường lớp quá thiếu thốn. Có nhiều bản làng, học sinh vẫn phải ngồi học trong các “trường lều” làm tạm bằng tre, nứa. Mùa đông, gió rít qua từng khe nứa cắt cứa vào da thịt khiến đứa nào đứa đấy tím tái, môi thâm đen, run bần bật từng cơn…

Rồi mọi trang thiết bị dạy học hầu như không có. Học sinh chủ yếu đến lớp học chay, không có điều kiện vui chơi, thực hành…

Để đến được trường, nhiều học sinh phải băng rừng, vượt núi đi bộ cả ngày trời. Những hôm nắng ráo thì không sao nhưng những hôm mưa dầm, gió bấc, học sinh chỉ có nước tự nghỉ học ở nhà vì đi bộ đến được trường học thì trời đã tối.

Tội nghiệp nhất là có nhiều em học sinh vừa học vừa lo lên rừng kiếm củi bán, đào củ sắn, củ khoai, củ mài về lo bữa ăn cho gia đình. Có những em lại vừa đến lớp học chữ vừa cõng, địu em trên lưng…



Hành trình đến trường của những đứa trẻ miền núi đầy gian lao.

Với những trường lớp bán trú thì học sinh đi học đỡ khổ sở hơn. Nhưng khi tận mắt chứng kiến những bữa cơm ở đây sẽ không ai cầm được lòng mình. Ở các trường thị trấn trung tâm, các em còn có người nấu cơm nhưng về đến các trường vùng sâu tại các bản làng thì học sinh đều phải tự nấu, tự lo bữa ăn của mình.

Tôi đã từng chứng kiến bữa ăn của các học sinh dân tộc ở huyện Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc (Hà Giang), Nà Hang (Tuyên Quang), Si Ma Cai (Lào Cai)… chỉ có cơm trắng với một nồi canh rau cải lõng bõng nước với muối trắng. Bữa nào sang nhất mới có trứng và cá mắng mặn ăn dè với cơm…

Mỗi tháng, học sinh bán trú chỉ được bố mẹ cho vài đồng bạc lẻ để vừa mua thức ăn, vừa mua sách vở học tập. Nhiều phụ huynh lên trường tiếp tế lương thực cho con cũng chỉ có vài kg gạo với rau quả rừng. Ai có điều kiện hơn thì một vài quả trứng gà, ít rau củ.

Học sinh dân tộc miền núi, đứa nào cũng gầy còm, đen đúa, tóc vàng hoe vì cháy nắng.

Ở trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thuận Hòa (Vị Xuyên – Hà Giang), nhà trường cấp phát nước mắm, học sinh không dám ăn đem chắt vào chai mang về cho bố mẹ và các em ở nhà…

Thương lắm!

Được biết năm học 2010 – 2011 là năm học đầu tiên Bộ GD & ĐT vào cuộc với Chương trình tiếng Việt 1 công nghệ. Tính đến thời điểm này đã có bao nhiêu tỉnh thí điểm dạy học tiếng Việt 1 công nghệ?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Tính đến thời điểm này đã có 16 tỉnh thuộc Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thí điểm dạy học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ. Toàn tỉnh Lào Cai đã đưa chương trình công nghệ vào dạy 7 năm nay. Trong năm học tới sẽ nhân rộng thêm nhiều huyện trong các tỉnh đã thí điểm và sẽ tiếp tục nhân rộng đến các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tại sao GS lại chọn đối tượng là các em học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số miền núi để dạy thí điểm chương trình tiếng Việt 1 công nghệ?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Khi tất cả mọi người đều lo sợ thì tôi lại nhìn ra được điểm mạnh nhất của giáo dục miền núi. Tôi muốn mọi người thay đổi lại nhận thức với trẻ con và giáo dục miền núi. Ở những nơi khó khăn nhất còn có thể làm tốt được thì không có lý do gì học sinh thành phố và các tỉnh miền xuôi lại không làm được.

Học sinh miền núi học xong chương trình lớp 1 hiện hành vẫn chưa đọc thông viết thạo và tái mù chữ 100% khi không tiếp tục học lên. Tuy nhiên, chương trình tiếng Việt 1 công nghệ đảm bảo học xong lớp 1 học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, quy tắc chính tả và 100% không tái mũ chữ. Đó cũng là lý do tôi chọn thí điểm chương trình ở miền núi.

Hơn nữa học sinh dân tộc có rất nhiều lợi thế. Đó là sự tinh nhanh, sức khỏe… và tính tự lập ngay từ nhỏ. Hầu hết học sinh lớp 1 chưa đi học mẫu giáo hoặc đi học mẫu giáo bập bõm. Bước vào lớp 1, nhận thức của học sinh còn “thuần khiết” nên rất dễ nắm bắt và hòa nhập được với chương trình công nghệ.

Điều gì khiến GS tâm đắc nhất trong chương trình tiếng Việt 1 công nghệ?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Tiếng Việt 1 công nghệ dạy trẻ con tư duy, dạy trẻ con cách làm việc trí óc chứ không phải dạy chúng a dua bắt chiếc.

Tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh, đối tượng của tiếng Việt lớp 1 là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Do đó, ngày từ đầu chúng ta phải khiến học sinh chiếm lĩnh được ngữ âm. Học sinh lớp 1 đã viết được chính tả. Và nếu được nhân rộng, làm đúng theo thiết kế, “100 năm nữa chúng ta sẽ thống nhất được ngữ âm trên toàn quốc”.

Hàng nghìn năm nay, Việt Nam đã có sự khác biệt về ngữ âm ở các vùng miền. Câu chuyện 100 năm nữa chúng ta sẽ thống nhất được ngữ âm trên toàn quốc có là ước mơ quá xa xôi không thưa GS?

Hoàn toàn có thể. Tiếng Việt 1 công nghệ không dạy trẻ con đơn thuần nhận dạng mặt chữ, biết đọc, biết viết mà còn dạy trẻ ngay từ những ngày đầu đi học biết đến cấu trúc của ngữ âm tiếng Việt, biết cách phát âm như thế nào cho đúng, nắm vững các quy tắc chính tả…

Điều này sẽ giúp khắc phục những sai sót trong phát âm ở các vùng miền trên cả nước.



GS. TS Hồ Ngọc Đại, người luôn canh cánh một nỗi niềm với giáo dục miền núi.

Khi chương trình được nhân rộng trên toàn quốc, tất cả trẻ em đều học đọc, học viết từ Chương trình tiếng Việt 1 công nghệ, tôi dám khẳng định, đó không phải là ước mơ quá xa xôi. Chúng ta hoàn toàn có thể thống nhất được ngữ âm trên toàn quốc chỉ sau 100 năm nữa.

GS đánh giá như thế nào về hiệu quả đạt được ở các tỉnh lần đầu tiên đăng ký dạy thí điểm chương trình tiếng Việt 1 công nghệ?

GS. TS Hồ Ngọc Đại: Trong tháng 10 này tôi cùng các chuyên viên, cán bộ cốt cán của Bộ GD & ĐT đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật dạy học cho các tỉnh lần đầu tiên thí điểm dạy học tiếng Việt 1 công nghệ.

Qua dự giờ trực tiếp, học sinh tiếp thu bài nhanh, hiệu quả. Kết quả đạt được khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và yên tâm. Giáo viên thành thạo các thao tác và 100% giáo viên đứng lớp được tập huấn và có nghiệp vụ sư phạm vững.

Nếu cứ tiếp tục phát huy, tháng sau sẽ tiến bộ hơn tháng trước, học kỳ 2 sẽ tiến bộ hơn học kỳ đầu và năm sau sẽ tiến bộ hơn năm trước…

Học sinh được tôn trọng và tự do tư duy sáng tạo. Giáo viên cũng bắt đầu bứt ra được khỏi những thói quen cổ truyền, đổi mới tư duy, nghiệp vụ sư phạm hiện đại…

Cảm ơn GS. TSKH Hồ Ngọc Đại!

Thu Hòe
Theo Giáo dục Việt Nam


Từ khóa: