Sự kiện hot
7 năm trước

Gặp “thần y” với bài thuốc chữa rắn độc cắn ở Phú Thọ

Bằng bài thuốc chữa rắn độc cắn “bí truyền” của gia đình, hơn 20 năm qua ông Đỗ Thái Học (SN 1963, xóm Đình, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã cứu sống nhiều người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

“Khắc tinh” của loài rắn

Qua thành phố Việt Trì hơn 50 km về phía Tây Nam, chúng tôi tìm đến nhà lương y Nguyễn Thái Học, người được mệnh danh là "khắc tinh" nọc độc của các loài rắn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian, lợp lá nằm ép mình trên quả đồi um tùm cây cối, ông Đỗ Thái Học tươi cười cho biết hồi năm ngoái ông vừa cứu sống một trường hợp bị rắn cạp nia cắn mà theo ông đây là loài rắn rất độc. Đó là trường hợp của anh Đinh Văn Tiến người xóm Đình, xã Tất Thắng trong lúc đi ra ao, cắt cỏ cho cá đã bị một con rắn cạp nia cắn vào tay trái. Ông Học cho biết: “Sau khi đi vào nhà tôi, xem vết cắn tôi biết ngay đây là loại cạp nia cực độc, nếu không kịp thời cứu chữa chỉ cần để khoảng mấy tiếng là chết.”

Sau khi được người thân khiêng cáng vào nhà ông Học, cũng may khoảng cách không quá xa nên anh Tiến không gặp nguy hiểm. Sau khi nhận biết loại rắn độc, ông Học ra vườn hái thuốc và cho vào cối giã dùng khăn lọc lấy nước thuốc cho anh Tiến uống ngay. Dùng thuốc khoảng 2 ngày anh Tiến khỏi hoàn toàn, mà không để lại thương tật nào. Được biết, lương y Học với bài thuốc chữa rắn “gia truyền” từ khi theo nghề đã ngót 20 năm nay, ông đã “cải tử hoàn sinh” hàng trăm trường hợp bị rắn độc cắn cực nặng trong và ngoài tỉnh, với phương châm theo nghề thuốc nam phải đặt “chữ tâm - đức” lên hàng đầu.

Đặc thù địa hình miền núi trung du phía Bắc, cây cối rậm rạp là điều kiện thuận lợi để các loại rắn có độc tính cao như: hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia… sinh sống. Thế nên, số người phát nương làm rẫy bất cẩn bị rắn độc cắn rất nhiều, có ngày ông Học phải chữa trị cho 2 đến 3 trường hợp bị rắn độc cắn. Từ trước tới nay, ông Học chưa từng “bó tay” với bất kỳ trường hợp nào, chính vì thế mà “bệnh nhân” tìm đến ông ngày càng nhiều.

Theo ông Học, bài thuốc chữa rắn độc cắn do bố ông truyền lại, phương thuốc chỉ là lá cây có sẵn trong vườn nhà và một số cây ông lấy trên rừng đem về trồng.

Hai mươi năm “làm trái lệnh thần chết” có lẽ ông Học nhớ nhất trường hợp của bà Bùi Thị Giới (khu 1, thôn Thủy Trạm, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy) bị rắn hổ mang chúa cắn vào ngón chân út trái. Khi người thân cáng đến nhà ông thì toàn thân đã tím tái, hơi thở nặng nhọc, chân tay co quắp.

“Lúc đó mọi người, thậm chí cả tôi cứ nghĩ rằng không thể cứu được nữa vì rất nặng bởi đây là loài rắn rất độc (bà Giới – PV) cứ uống thuốc lại nôn ra, thuốc không hấp thụ được nên không có tác dụng”, ông Học nhớ lại.

Lúc đó, trong đầu ông Học chỉ nghĩ “còn nước còn tát” ông bảo vợ (bà Đinh Thị Hải – PV) giã thuốc, còn ông liên tục bón thuốc cho bà Giới. Nhờ sự kiên trì của ông sau những lần bón vào lại nôn ra ấy, dần dần số lần nôn giảm đi, da bà Giới dần tươi trở lại, sau đó uống được bát thuốc thứ nhất. “Lúc đó tôi thở phào nhẹ nhõm, coi như đã sống rồi”, ông Học tươi cười nói. Sau thoát cơn tử cận kề, bà Giới phải điều trị 10 thang thuốc liên tục trong 10 ngày mới khỏi hoàn toàn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Giới (khu 1, thôn Thủy Trạm, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy) xác nhận, buổi chiều hôm đó khi bước qua bờ kè đá trước hiên nhà để vào trang trại bà đã bị như gai cắm vào chân. Cứ nghĩ là đó chỉ là gai, hay vật gì đó cắm vào chân nên bà không để ý, khoảng 30 phút sau bà cảm giác toàn thân đau nhức, toàn bộ chân trái hầu như không còn cảm giác. Sau khi con bà kiểm tra thì mới biết là bị rắn độc cắn vì tháng trước con trai thứ hai bà cũng bị chính con rắn đó cắn tại khu vực này và cũng được ông Học cứu chữa khỏi, tức tốc gia đình đã cáng bà đến nhà ông Học để chữa trị. Theo người nhà của bà Giới, vì đường đến nhà ông Học khá xa và khó đi nên bà Giới lâm vào trạng thái hết sức nguy kịch, toàn thân tím tái, chân tay co quắp. Khi đến nhà ông Học nhiều người thân đã khóc rấm rức, gọi điện báo về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng không ngờ, sau vài tiếng đồng hồ bón thuốc liên tục bà Giới đã tỉnh lại, ngày hôm sau nữa bà tỉnh táo trở lại.

Nuôi rắn để hiểu rắn

Từ những ca bệnh trong xã, rồi trong huyện, tiếng lành đồn xa bệnh nhân từ các tỉnh khác cũng về đây nhờ ông chữa trị khi mà họ “vái tứ phương” đều vô vọng. Dù “con bệnh” giầu hay nghèo ông Học luôn tâm niệm, dùng thuốc để cứu người chứ không vì tiền, không vì lợi ích kinh tế để từ chối bất cứ người nào. Dù bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào đến với ông đều chữa trị hết lòng.

Dẫn chúng tôi đi sau nhà ông Học giới thiệu, ông đang nuôi khoảng hơn 10 con rắn thuộc nhiều loại, mục đích là để hiểu tập tính, thói quen cũng như lợi ích từ loài rắn. Đối với ông, mỗi loài rắn thường có đặc tính khác, từ cách kiếm ăn, cư trú và độ hung dữ khác nhau và độc tố cũng khác nhau. Từ kiến thức đúc rút được, ông khuyên mọi người hạn chế đi ban đêm, nếu đi thì phải mang theo ủng, không được mang đèn, hoặc đốt lửa vì rắn thường theo đóm ăn tàn rất nguy hiểm.

Đã hơn 20 năm cứu sống rất nhiều người, thậm trí trâu, bò bị rắn độc cắn vợ ông Học – bà Đinh Thị Hải cũng đều ra tay cứu chữa khỏi. Ông Học tươi cười cho biết, tới đây ông dự định sẽ xây thêm chuồng nuôi rắn, đi mấy tỉnh xa mua rắn về để nuôi, vừa nghiên cứu vừa làm kinh tế gia đình.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Tất Thắng huyện Thanh Sơn xác nhận, ông Đỗ Thái Học có bài thuốc chữa rắn độc cắn rất kỳ diệu, đã từng chữa khỏi nhiều người bị rắn độc cắn, thậm trí cả trâu, bò. “Từ trước tới nay hộ gia đình ông Học luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sống thuận hòa với làng trên xóm dưới”, ông Tuấn cho biết.

Sơn Thủy – Đinh Thiện

Từ khóa: