Sự kiện hot
8 năm trước

Hàng lậu có diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm

ĐS&TD - Mặc dù còn 4 tháng nữa mới đến tết Nguyên Đán 2016 nhưng theo nhận định của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an HN, tình trạng buôn lậu đang có dấu hiệu gia tăng. Cùng với đó, những thủ đoạn tinh vi cũng được các đường dây sử dụng nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

 

Thủ đoạn tinh vi

Thượng tá Thành Kiên Trung – Phó Trưởng phòng PC46 – CAHN cho biết: Vừa qua, chỉ trong 4 ngày từ ngày 14-18.9, đơn vị này đã bắt giữ hơn 20 tấn hàng nhập lậu từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ, ước tính giá trị hàng hóa lên đến hơn 3 tỉ đồng. Đáng lưu ý, trong số hàng hóa này, nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, quần áo đắt tiền là những mặt hàng sẽ có lượng tiêu thụ lớn trong dịp tết Nguyên Đán 2016.

Thượng tá Thành Kiên Trung cho hay, thời điểm này, các đường dây buôn lậu đã bắt đầu tập trung vận chuyển, tập kết hàng sau đó sẽ chờ thời cơ chuyển đi tiêu thụ. Địa bàn hoạt động của dân buôn lậu thường xuyên thay đổi, xu hướng trải rộng hơn. Sau khi vận chuyển vào nội địa, hàng lậu được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng rồi vận chuyển nhỏ lẻ trên các loại xe ô tô từ 7 đến 16 chỗ ngồi, xe mô tô 3 bánh dán logo thương binh, xe máy phân khối lớn chuyển sâu về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Trong số này, nhức nhối nhất là đội quân giả danh thương binh rất liều lĩnh, không chấp hành kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng...

Nắm được vấn đề này, Phòng PC46 đã phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương lập các tổ công tác, nhằm kiểm soát tình hình. Cụ thể, ngày 14.9, tại đường Dốc Lã - Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xe tải BKS 29C – 50950 do Nguyễn Đức Phong (SN 1970, ở TP Bắc Giang) điều khiển vận chuyển một lượng lớn hàng hóa nghi nhập lậu từ Lạng Sơn. Ngày 15/9, cũng trên con đường này, Đội chống buôn lậu tiếp tục bắt giữ thêm một xe tải vận chuyển hàng nghi nhập lậu cũng từ Lạng Sơn về Ninh Hiệp tiêu thụ. Xe tải này mang biển số 98C – 05404 do Ngô Văn Huy (SN 1988, trú tại TP Bắc Giang, Bắc Giang) điều khiển. Đến ngày 17/9, tại tuyến đường Quảng Ninh – Hà Nội, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra và phát hiện 2 xe tải, mang trùng 1 BKS là 14C - 04485, và một xe tải biển số 14C - 04482 chở nhiều loại hàng hoá nhưng không xuất trình được hoá đơn chứng từ.

Có dấu hiệu bảo kê?

Ông Thân Đức Công – Tổ cơ động, Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho biết: Được sự chỉ đạo rất sâu sát của Chính phủ cũng như ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công Thương rất quan tâm trong việc chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng giả. Thời gian vừa qua, cục quản lý thị trường đã chỉ đạo cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với CAHN. Trong quá trình phối hợp đó, chúng tôi phát hiện ra nhiều đường dây sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như thay đổi BKS xe nhằm qua mắt lực lượng chức năng; thậm chí, nhiều đường dây còn có dấu hiệu bảo kê….

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường, từ nay đến cuối năm, đối với hoạt động chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các mặt hàng nhập lậu, buôn bán các mặt hàng cấm chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc như: Pháo nổ, thuốc lá nhập lậu, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, băng đĩa lậu, rượu ngoại, thực phẩm, đồ uống vì đây là những mặt hàng sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Còn theo Thiếu tá Đặng Hồng Dương, đội phó Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, CAHN, thay vì tập trung vận chuyển hàng lậu vào các tháng cuối năm, thì ngay từ giữa năm 2015, các đối tượng đã tập kết hàng hóa, vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ trong dịp tết. Nắm được tình hình đó, Ban giám đốc CAHN và Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đấu tranh với các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn của Hà Nội bị giới hạn về địa giới hành chính nên công tác đấu tranh với các đối tượng buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Thiếu tá Đặng Hồng Dương, hàng lậu chủ yếu từ các tỉnh biên giới tập kết về, trong khi đó, hàng hóa nhập lậu thường được các đối tượng tập kết ở các tỉnh xung quanh Hà Nội, sau đó xé lẻ để đưa vào địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó qua nhiều chuyên án, các đối tượng liên tục thay đổi phương thức thủ đoạn, nhiều đường dây còn tinh vi, và có tính chất phức tạp, nên việc điều tra, bóc gỡ còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, thủ đoạn quay vòng hóa đơn cũng được nhiều đường dây sử dụng, vì vậy để bắt quả tang hành vi buôn lậu là không hề dễ dàng.

Ðể nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian từ nay đến cuối năm, CAHN sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác ngành theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đấu tranh, khám phá các thủ đoạn mới của tội phạm, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của những đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại từ vòng ngoài để giải quyết tận gốc của vấn đề.

 

Nguyên Trần

Từ khóa: