Sự kiện hot
8 năm trước

Hàng loạt bê bối tại Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2

Những bê bối, lùm xùm tại Công ty Lương thực Hậu Giang, công ty con trực thuộc Vinafood 2 mới đây chỉ là một trong số rất nhiều những lùm xùm của Tổng công ty Vinafood 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


CTCP Lương thực Hậu Giang, môt trong số công ty con của Vinafood 2. Ảnh: TL

Ký hợp đồng “khống” mua bán gạo

Mới đây, theo nguồn tin báo Tuổi trẻ, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà để điều tra hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đặng Hồng Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Lương thực Hậu Giang và Huỳnh Văn Thông, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Lương thực Hậu Giang do hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cả ba bị can trên bị khởi tố liên quan đến vụ án ba cán bộ chủ chốt của CTCP Lương thực Hậu Giang bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố trước đó. Cụ thể là ông Võ Trường Hùng với chức danh Tổng giám đốc, ông Trần Xuân Mãi, Kế toán trưởng và Trần Lê Quang Thái, trưởng phòng kinh doanh CTCP Lương thực Hậu Giang về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, từng tháng 9/2012 đến tháng 1/2013, ông Võ Trường Hùng từng ký 14 hợp đồng bán gạo khống với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà với tổng số hơn 109.000 tấn gạo các loại, hợp đồng đều có điều khoản ứng tiền trước cho Công ty Võ Thị Thu Hà tới 80% giá trị hợp đồng bán gạo.

Tuy nhiên, CTCP Lương thực Hậu Giang chỉ nhận được hơn 23.000 tấn gạo tức là chỉ khoảng 47% so với hợp đồng với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng, số còn lại CTCP Lương thực Hậu Giang chưa nhận được do phía công ty Võ Thị Thu Hà không có gạo để giao.

Trong trường hợp này, thay vì thanh lý hợp đồng thu lại số tiền mà CTCP Lương thực Hậu Giang ứng trước, hai bên lại ký chứng từ quyết toán số gạo đã mua bán là hơn 109.000 tấn nói trên với tổng giá trị gần 950 tỷ đồng. Đồng thời, ký thêm 5 hợp đồng bán không lại cho Công ty Võ Thị Thu Hà hơn 85.000 tấn gạo, tổng giá trị 700 tỷ đồng.

Dẫn theo đó, chính công ty Lương thực Hậu Giang thiệt hại số tiền lên đến khoảng 27,8 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 5 đến tháng 9/2013, ông Hùng tiếp tục ký 14 hợp đồng mua khống 71.000 tấn gạo với tổng giá trị trên hợp đồng 565 tỷ đồng trong khi các công ty do bà Hà chỉ định không có gạo để bán nên đã ký hợp đồng mua lại của bà Hà, theo đó, bà Hà đã chiếm đoạt 172 tỷ đồng.

CTCP Lương thực Hậu Giang là một công ty con trực thuộc Vinafood 2 được thành lập năm 2008 do 3 cổ đông sáng lập là Vinafood 2, UBND tỉnh Hậu Giang và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vị Đông với tỷ lệ vốn góp 53,27%; 64,39% và 0,33%.

Kể từ năm 2013, CTCP Lương thực Hậu Giang ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút. Tại báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Vinafood 2 năm 2014 cho biết, CTCP Lương thực Hậu Giang là 6 trong số 12 công ty con của Vinafood 2 thua lỗ, với khoản thua lỗ lên đến 47.613 tỷ đồng; nợ quá hạn thanh toán tại CTCP Lương thực Hậu Giang cũng lên đến 109,025 tỷ đồng.

Chưa ký hợp đồng đã giao nhà máy

Một sự việc diễn ra hồi tháng 4/2016, tại nhà máy chế biến thuỷ sản Cổ Lịch thuộc sở hữu của Vinafood 2, các công nhân làm việc tại nhà máy lại là công nhân của CTCP Vĩnh Hoàn dù chưa ký hợp đồng bàn giao nhà máy.

Nhà máy chế biến thuỷ sản Cổ Lịch có vốn đầu tư được phê duyệt lên đến hơn 263 tỷ đồng, do Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang, công ty con của Vinafood 2 quản lý. Sau hơn 1 năm giao nhà máy cho CTCP Vĩnh Hoàn khai thác, giữa công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang và CTCP Vĩnh Hoàn chưa có hợp đồng bán hoặc cho thuê.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 3/2016, Vinafood 2 đã thừa nhận có chủ trương mua bán tài sản giữa CTCP Vĩnh Hoàn và Vinafood 2 để tái cơ cấu lĩnh vực thuỷ sản tuy nhiên chưa có văn bản pháp lý hợp pháp, Vinafood 2 đã để CTCP Vĩnh Hoàn được quyền khai thác, quản lý, sử dụng cả nhà máy lẫn vùng nuôi tôm kể từ tháng 9/2014.

Thua lỗ triền miên

Theo báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2015, Vinafood 2 cho biết đang đầu tư 28 công ty con trong đó bao gồm 3 công ty TNHH Một thành viên, 12 công ty góp vốn chi phối, 13 công ty liên kết.


Nhiều công ty con, công ty liên kết của Vinafood 2 trong tình trạng thua lỗ

Điều đáng nói trong số 3 công ty TNHH Một thành viên, công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Kiên Giang lãi trước thuế với khoản lãi vô cùng nhỏ bé 277 triệu đồng, 2 công ty thua lỗ là TNHH MTV Lương thực TP.HCM lỗ đến 70,625 tỷ đồng, Công ty lương thực Sài Gòn lỗ 810 triệu đồng.

Trong 12 công ty con, 6 công ty lãi trước thuế 84,264 tỷ đồng trong khi 6 công ty còn lại thua lỗ đến 141,049 tỷ đồng.

Tương tự tại 13 công ty liên kết, 6 công ty chỉ lãi 38,262 tỷ đồng; 7 công ty còn lại thua lỗ lên đến 209,73 tỷ đồng.

Cũng tại báo cáo này, Vinafood 2 cho biết, tổng nợ phải thu đến hết năm 2014 lên đến gần 2.920 tỷ đồng trong đó, nợ quá hạn thanh toán các đơn vị thành viên là 274 tỷ đồng, nợ phải thu quá hạn khó đòi đơn vị khác là 427,625 tỷ đồng.

Báo cáo giám sát tài chính cuối năm 2015, Vinafood 2 cho biết đã lỗ luỹ kế 948 tỷ đồng, chưa kể số nợ tồn đọng phải thu là 653 tỷ đồng.

Báo cáo này, Vinafood 2 cũng thừa nhận, dù đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, khởi kiện ra toà án và phối hợp với cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra xử lý thu hồi nợ nhưng kết quả đạt được rất hạn chế.

Cuối năm 2015,Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Vinafood 2 theo đó chỉ ra hàng loạt sai phạm của Vinafood 2 như đã cho vay và bảo lãnh vay vốn cho CTCP Tô Châu, Công ty TNHH Bình Tây, Công ty TNHH MTV Lương thực Sài Gòn, CTCP Lương thực Hậu Giang không đúng quy định, vượt thẩm quyền được giao là 1.780 tỷ đồng.

Đối với các công ty hạch toán phụ thuộc, việc mua bán hàng hóa của một số đơn vị (Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty Lương thực thực phẩm An Giang, Công ty Lương thực Đồng tháp, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Lương thực Sóc Trăng) đã vi phạm quy định hơn 62.000 tỷ đồng…

Theo BizLIVE

Từ khóa: