Sự kiện hot
6 năm trước

Hoa hậu, người đẹp, hoa khôi: Đừng đánh đồng một cách vô tội vạ!

Những ngộ nhận này dẫn đến việc giá trị của hai từ "hoa hậu" ngày càng đi xuống bởi sự tràn lan và thiếu chọn lọc. Đó là chưa kể đến việc làm cho công chúng bị hiểu sai về bản chất của danh hiệu mà cô gái ấy đang mang trên mình.

Những năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp bắt đầu nở rộ ở nước ta. Điều đó dẫn đến việc hàng năm cho ra đời rất nhiều danh xưng khác nhau. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sử dụng danh hiệu một cách đúng đắn. Không ít lần, công chúng bị ngộ nhận bởi sự thiếu đồng nhất trong cách gọi. Để rồi từ đó, nhiều người tỏ ra bức xúc khi nhận thấy rằng, số lượng Hoa hậu ngày càng tăng lên một cách chóng mặt, làm mất đi những giá trị vốn có của nó.

Ở Việt Nam, trường hợp nào mới được gọi là Hoa hậu? Đó là cô gái giành được chiến thắng chung cuộc một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia trở lên, đại diện cho vẻ đẹp tri thức, nhân cách và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.

Đỗ Mỹ Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2016 (Ảnh: Vietnamnet)

Theo quy định của nước ta, hàng năm, chỉ có 2 "đấu trường nhan sắc" quy mô lớn mới được phép lấy tên là Hoa hậu. Và khoảng cách để tổ chức giữa 2 mùa giải thường là 2 năm.

Nhìn vào những gì đã và đang diễn ra ở nước ta thì rõ ràng, Hoa hậu Việt Nam là cuộc thi "danh chính ngôn thuận", mang tầm vóc của một "đấu trường nhan sắc" lớn nhất nước nhà. Và chỉ người chiến thắng cuộc thi này mới được gọi là Hoa hậu, 2 vị trí nhì và ba lần lượt được gọi tên là Á hậu. Tất cả các cô gái còn lại, dù lọt top 5, top 10 hay giành bất cứ giải thưởng phụ nào đều chỉ được gọi là "người đẹp".

Chỉ có người đăng quang ngôi vị cao nhất một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia mới được gọi là Hoa hậu. Trong ảnh là Ngọc Hân - Hoa hậu Việt Nam 2010 trao vương miện cho Đặng Thu Thảo - Hoa hậu Việt nam 2012. (Ảnh: Tiền phong)

Theo quy luật này thì 2 năm, nước ta mới có một "Hoa hậu Việt Nam". Và năm tổ chức cuộc thi rơi vào năm chẵn. Những cái tên như Nguyễn Thị Huyền (2004), Mai Phương Thúy (2008) hay Đặng Thu Thảo (2012), Đỗ Mỹ Linh (2016) mới được gọi là hoa hậu đúng nghĩa.

Đi cùng với Hoa hậu Việt Nam, mỗi năm chỉ được xuất hiện thêm một cuộc thi nhan sắc quốc gia lấy tên là hoa hậu. Tuy nhiên, đại đa số các cuộc thi này đều diễn ra không thường niên.

Song, vẫn có những sân chơi dù chỉ tổ chức được một vài lần nhưng vẫn để lại ấn tượng trong lòng công chúng vì khâu tổ chức chuyên nghiệp, quy mô toàn quốc trở lên. Có thể kể đến như Ngô Phương Lan - Hoa hậu thế giới người Việt 2007, Lưu Thị Diễm Hương - Hoa hậu thế giới người Việt 2010, Phan Thị Ngọc Diễm - Hoa hậu du lịch Việt Nam 2008, Triệu Thị Hà - Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011,...

Diễm Hương đăng quang Hoa hậu thế giới người Việt 2010. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trong quá khứ, còn có một cuộc thi tổ chức thường xuyên và được công nhận bởi tên gọi Hoa hậu là Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh. Sân chơi này đã tìm ra nhiều Hoa hậu như Bùi Thị Diễm (2004), Dương Mỹ Linh (2006), Phan Thu Quyên (2012),...

Những năm sau đó, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam ra đời và được công nhận là cuộc thi quy mô cấp quốc gia. Cuộc thi với 3 mùa tổ chức đã tìm ra được 3 Hoa hậu là Thùy Lâm, Phạm Hương và mới đây nhất là H'Hen Niê.

Phạm Hương - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 trao vương miện cho H'Hen Niê - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 (Ảnh: Dân Trí)

Ngoài các cuộc thi tuyển sinh quy mô toàn quốc thì nước ta còn có các cuộc thi nhan sắc cấp khu vực, cấp trường,... Và người chiến thắng cuộc thi này được gọi là Hoa khôi, 2 danh hiệu nhì và ba sẽ là Á khôi 1 và Á khôi 2. Điển hình có Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long với 2 người chiến thắng là Đặng Thu Thảo (2012 - đồng thời là Hoa hậu Việt Nam 2012), Nguyễn Thị Lệ Nam Em (2015).

Nam Em đăng quang Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015 (Ảnh: Pháp Luật)

Một trường hợp đặc biệt khác của Việt Nam là cuộc thi Hoa khôi áo dài. Cuộc thi này tuy có quy mô toàn quốc, và tìm kiếm đại diện tham gia Miss World - Hoa hậu Thế giới nhưng vì nhiều lí do khác nhau đã phải "chịu thiệt" với tên gọi là Hoa khôi, dù rằng xét về tính chất không khác gì các cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia. Trường hợp này có Lan Khuê (mùa 1) và Diệu Ngọc (mùa 2). Họ tuy đăng quang cuộc thi nhan sắc lớn, trong đó Lan Khuê lọt hẳn top 11 Miss World 2015 nhưng khi về nước vẫn chỉ được gọi là Hoa khôi.

Lan Khuê lọt top 11 Miss World 2015 nhưng vì đăng quang cuộc thi Hoa khôi áo dài trong nước nên vẫn được gọi là Hoa khôi. (Ảnh: Missosology)

Xếp dưới cuộc thi có tên Hoa khôi là các cuộc thi cấp tỉnh. Tiêu biểu có Người đẹp Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Người đẹp xứ dừa (tỉnh Bến Tre),...

Còn đối với các người đẹp chinh chiến các đấu trường sắc đẹp thế giới, nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định của pháp luật Việt Nam thì khi đạt giải về nước mới được công nhận danh hiệu. Trường hợp này tiêu biểu có Á hậu quốc tế Thúy Vân. Cô vốn là Á khôi 1 Hoa khôi áo dài mùa 1, và sau thành tích Á hậu 3 "đi vào lịch sử" tại Miss International 2015, Thúy Vân "đường đường chính chính" được gọi là Á hậu.

Thúy Vân từ Á khôi trở thành Á hậu Quốc tế nhờ giành được danh hiệu cao quý tại cuộc thi nhan sắc lớn thứ 3 thế giới. (Ảnh: MI)

Khánh Ngân từ Hoa khôi du lịch Việt Nam 2017 sau khi đăng quang Miss Globe 2017 được gọi là Hoa hậu Toàn cầu.

Một số trường hợp nếu không đáp ứng đủ tiêu chí đại diện nước nhà thi đấu thì khi về nước, danh hiệu của họ không có giá trị. Có thể kể đến như Nguyễn Thị Thành, cô là Á hậu 3 Miss Eco International 2017 nhưng không được công nhận vì không đủ điều kiện đại diện Việt Nam thi đấu, Nguyễn Thu Mây - Á hậu 3 Miss Supranational 2011 cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Nguyễn Thị Thành không được gọi là Á hậu ở Việt Nam, danh xưng của cô dừng lại ở hai chữ "người đẹp".

Với những dẫn chứng nêu trên thì rõ ràng, số lượng Hoa hậu đúng nghĩa ở nước ta không hề nhiều. Mỗi năm, Việt Nam chỉ có 2 cô gái được phong danh hiệu Hoa hậu, 4 người đẹp là Á hậu. Trường hợp đại diện Việt Nam thi đấu quốc tế được "cải thiện danh hiệu" cũng không quá nhiều.

Vậy mà trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay, công chúng dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp "nhận vơ" danh hiệu. Một cô gái đạt được giải thưởng phụ như Người đẹp ảnh, Người đẹp biển, Người đẹp thể thao, Người đẹp tài năng,... lại "nghiễm nhiên xuất hiện" bên cạnh những "danh hiệu" như Hoa hậu Ảnh, Hoa hậu biển, Hoa hậu tài năng,...?

Ngọc Nữ giành được danh hiệu Người đẹp Ảnh tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 (Ảnh: FBNV)

Những ngộ nhận này dẫn đến việc giá trị của hai từ "Hoa hậu" ngày càng đi xuống bởi sự tràn lan và thiếu chọn lọc. Đó là chưa kể đến việc làm cho công chúng bị hiểu sai về bản chất của danh hiệu mà cô gái ấy đang mang trên mình. Người đẹp ảnh - giải thưởng phụ của một cuộc thi nhan sắc không thể được gọi là Hoa hậu ảnh - ngang hàng với người chiến thắng cao nhất của cuộc thi, vượt mặt người về nhì là Á hậu và đáng nói hơn cả là bị trùng danh hiệu với cô gái đăng quang một cuộc thi khác là Miss Photo - Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh.

Tương tự, Người đẹp biển của một cuộc thi nhan sắc chỉ được gọi là Người đẹp biển, không phải Hoa hậu biển - tên một cuộc thi nhan sắc khác có quy mô toàn quốc. Và Người đẹp thân thiện, Người đẹp áo dài,... cũng dừng lại ở danh xưng người đẹp, hoàn toàn không có khái niệm như "Hoa hậu thân thiện", hay "Hoa hậu có mái tóc đẹp nhất',...

Thực tế, "Hoa hậu" cũng chỉ là một danh xưng. Nó như món trang sức, phụ kiện làm tôn lên vẻ đẹp cho người phụ nữ. Song, đừng vì những điều đẹp đẽ ấy mà "nhận vội" những thứ không thuộc về mình và cũng chẳng phải của mình. Bên cạnh đó, truyền thông cần thiết phải có sự chuẩn xác trong cách gọi, tránh trường hợp "phong tặng" danh hiệu một cách vô tội vạ, làm cho công chúng hiểu sai bản chất và ngày càng có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những cô gái mang trên người danh xưng, đặc biệt là hai từ "Hoa hậu".

Duy Russia
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: