Sự kiện hot
6 năm trước

Hơn 60.000 loại mỹ phẩm 'đổ bộ' vào Việt Nam

Với hơn 60.000 loại mỹ phẩm đã được cấp phép, công bố lưu hành, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ lớn của nhiều quốc gia khác. Đại diện Bộ Y tế cho biết, bộ sẽ siết chặt quản lý chất lượng mỹ phẩm để tránh “tiền mất tật mang” cho người tiêu dùng.

Với hơn 60.000 loại mỹ phẩm đã được cấp phép, công bố lưu hành, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ lớn của nhiều quốc gia khác. Đại diện Bộ Y tế cho biết, bộ sẽ siết chặt quản lý chất lượng mỹ phẩm để tránh “tiền mất tật mang” cho người tiêu dùng.

Làm thế nào để ngăn chặn mỹ phẩm “rởm” trôi nổi trên thị trường đang là bài toán chưa tìm được lời giải của cơ quan chức năng. Nhiều chị em phụ nữ vì nhu cầu làm đẹp nhưng lại ham rẻ, thiếu tìm hiểu về các mặt hàng mỹ phẩm nên đã “sập bẫy” những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội khiến sắc đẹp và làn da bị hủy hoại.

Luật mỹ phẩm có hiệu lực sẽ là cơ sở để kiểm soát chất lượng của các sản phẩm làm đẹp.

Không chỉ có mỹ phẩm “rởm” với đa dạng các loại hàng giả, hàng nhái mà ngay cả những mặt hàng đã được cấp phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành trong nước cũng đang tiềm ẩn nhiều vấn đề về chất lượng.

Trong buổi khánh thành Nhà máy Mỹ phẩm Đăng Dương tại TPHCM (ngày 23/3) ông Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay: Trước đây, ngành mỹ phẩm là ngành kinh doanh không có điều kiện. Tuy nhiên, đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng nên các điều luật sửa đổi đã buộc mỹ phẩm phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo các tiêu chuẩn quy định.

Hiện nay, các mặt hàng mỹ phẩm đang do doanh nghiệp sản xuất tự kê khai, tự công bố. Đây đang là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan đến lĩnh vực mỹ phẩm. Hiện đã có hơn 60.000 loại mỹ phẩm từ các quốc gia khác nhau được công bố thông tin lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề trên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong việc kiểm soát chất lượng gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng.

Trước thực tế trên từ năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định (số 93/2016/NĐ-CP) quy định về điều kiện đối với các cơ sở sản xuất bán thành phẩm mỹ phẩm, thành phẩm mỹ phẩm và cơ sở đóng gói mỹ phẩm. Theo đó, các đơn vị liên quan phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP - ASEAN).

Hơn 2 năm kể từ khi Nghị định trên có hiệu lực, để quản lý chặt chẽ hơn những vấn đề liên quan đến chất lượng, an toàn của mỹ phẩm, ông Nguyễn Tất Đạt cho biết, sắp tới Luật mỹ phẩm sẽ được ban hành với những điều khoản quy định chi tiết các vấn đề liên quan để kiểm soát chặt chẽ chất lượng mỹ phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm lưu hành trên thị trường. Đây được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn mỹ phẩm “rởm” mỹ phẩm kém chất lượng, tạo điều kiện cho các mặt hàng có chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến tay người tiêu dùng.

Vân Sơn

Theo Dân trí

Từ khóa: