Sự kiện hot
7 năm trước

Ký ức hào hùng về Ngày toàn quốc kháng chiến

Hình ảnh những chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh mãi mãi ghi tạc vào lịch sử Thủ đô và đất nước.

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Cách đây 70 năm, đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc khi thực dân Pháp quyết tâm quay trở lại cướp nước ta lần nữa, ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp, quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc.

Đáp ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta muôn người như một chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí quyết tâm sắt đá, chống giặc giữ nước. Phát huy hào khí Thăng Long, quân dân Thủ đô đã anh dũng đứng lên, nổ súng, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

ky uc hao hung ve ngay toan quoc khang chien hinh 1

   Người chiến sĩ ôm bom ba càng sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh tư liệu

Đúng 20h3 ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Cùng với Hà Nội, nhân dân ở nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã anh dũng tấn công địch, làm chậm bước tiến của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.

Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Thắng lợi của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội là sự cổ vũ rất lớn để quân và dân ta liên tiếp đánh thắng thực dân Pháp làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Geneva, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tiến Năng (cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp) vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng cùng dân tộc. Ông tham gia từ ngày đầu của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cùng đồng đội chiến đấu ác liệt với quân thù trong lòng Hà Nội, giành giật với kẻ thù từng ngôi nhà, từng ngõ phố, làm thất bại âm mưu của địch. Bây giờ chứng kiến Hà Nội đổi thay, đẹp hơn từng ngày, ông càng thấy vui hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều.

Lời thề độc lập

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, sau Cách mạng tháng Tám, ông là Trung đội trưởng Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hà Nội. Ông vinh dự cùng đơn vị tham gia bảo vệ Lễ đài trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), trực tiếp được nghe Bác Hồ đọc lời Tuyên ngôn độc lập và giơ tay thề. 

Mang theo lời thề độc lập trong trái tim đi vào hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, những người lính như ông ôm nhau trào nước mắt. Trung tướng Phạm Hồng Cư tự hào đã cùng với toàn dân hoàn thành lời thề độc lập và ông mong thế hệ ngày nay phải giữ gìn, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Những ngày tháng chiến đấu chống thực dân Pháp với những người lính, cựu thanh niên xung phong là thời gian ý nghĩa nhất khi được cống hiến sức lực, tuổi trẻ để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành quả cách mạng. 

ky uc hao hung ve ngay toan quoc khang chien hinh 2

Bí thư Hoàng Trung Hải gặp mặt đại biểu cựu Chiến binh, cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô

Với trung tướng Lê Thành, kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tưởng nhớ và tri ân đến đồng bào, đồng chí, trong đó có gần 15.000 anh hùng liệt sĩ công an nhân dân đã hy sinh và hơn 20.000 cán bộ công an đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã giảm, nhưng với trách nhiệm là công dân Thủ đô, các tướng lĩnh công an, đang cùng với lực lượng công an hưu trí Thủ đô là chỗ dựa vững chắc, là cầu nối chặt chẽ giữa các cấp ủy cơ sở với nhân dân, cùng các đồng chí đương chức quyết tâm giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.

Phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu cựu Chiến binh, cựu Thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và đại diện gia đình chính sách trên địa bàn Thủ đô vừa diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cuộc chiến đấu ngoan cường 60 ngày đêm giam chân địch ở Hà Nội là khoảng thời gian tuy không dài nhưng tầm vóc và cuộc chiến đấu lịch sử mùa đông năm 1946 mãi mãi là niềm tự hào, là bản anh hùng ca về ý chí quật cường, tinh thần gan dạ dũng cảm, sáng tạo, là bài học vô cùng quý báu về sự kết hợp tài tình tinh thần yêu nước với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta và ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hình ảnh những chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh mãi mãi là biểu tượng bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ghi tạc vào lịch sử Thủ đô và đất nước./.

Theo VOV 

Từ khóa: