Sự kiện hot
8 năm trước

Liệt sỹ thời bình, những hy sinh thầm lặng

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu của người lính vẫn tiếp tục đổ xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.

Sống trong thời bình nhưng những âm mưu độc chiếm, tranh giành lãnh thổ của các nước láng giềng vẫn chưa khi nào nguôi, biên giới, biển cả ngày đêm dậy sóng.

Hòa bình rồi nhưng máu vẫn đổ

Có hàng trăm người lính thế hệ mới lại viết tiếp câu chuyện của những vị anh hùng trong lịch sử, gác lại đời tư, gác lại cuộc sống bình yên chốn phồn hoa đô hội để đến với biển đảo, canh giấc ngủ cho nhân dân.

Không chỉ gian nan, vất vả, đổ mồ hôi trên thao trường hay trong huấn luyện, trong thời bình, người lính vẫn còn chấp nhận đổ máu. Có lẽ chưa ai quên vụ tai nạn trực thăng huấn luyện tại Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh hồi năm ngoái, khiến 4 sĩ quan của Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 hy sinh.

Trước đó, tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra khi chiến sỹ phi công thuộc Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371 cố gắng điều khiển chiếc Mi-171 bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi rơi. 20 trên tổng số 21 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, 1 chiến sỹ bị thương tích nặng, một sự mất mát quá lớn, quá đau xót.

Giữa cuộc sống thanh bình hôm nay, CSĐT tội phạm về ma túy là lực lượng đã phải hy sinh xương máu lớn nhất. Bởi cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt hơn. Khi ra trận, các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy luôn phải đứng giữa 2 bờ sinh - tử, đối đầu với bọn tội phạm lúc nào cũng có vũ khí nóng, sẵn sàng tử thủ khi bị phát hiện, bắt giữ. Bao cuộc đấu súng căng thẳng giữa nơi rừng sâu, biên giới đã diễn ra. Và không ít lần, máu của các anh đã đổ để cho những cuộc sống mới hồi sinh.

Ngày 5/2/2010, nhận được tin trùm ma túy trốn lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua (SN 1956), xuất hiện tại nhà ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, Hòa Bình, hàng chục Cảnh sát đã bao vây truy bắt.

Tuy nhiên, Vàng A Khua không chịu hạ vũ khí, chống trả quyết liệt. Đối tượng này còn dùng người thân trong gia đình để ngăn cản lực lượng Cảnh sát tấn công.

Sau 1 ngày, theo thuyết phục của Công an, con trai Khua là Vàng A Của (SN 1975) tự nguyện ra khỏi nhà. Khi Cảnh sát tiếp cận để đưa anh này ra ngoài, bất ngờ từ căn hầm bí mật trong nhà mình, Khua dùng súng AK bắn xối xả ra phía ngoài.


Những liệt sỹ phi công hy sinh trên 2 máy bay SU-30MK2 và CASA-212

Hậu quả làm 3 chiến sỹ Công an hy sinh bao gồm: Thượng tá Hà Thái Yềm (SN 1958, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu), thiếu úy Sùng A Trư (SN 1984, Công an huyện Mai Châu) và trung úy Bùi Quốc Đại (SN 1982, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy). Con trai Khua cũng tử vong tại chỗ.

Hình ảnh những cánh bay sắt quả cảm lao vào bầu trời xanh thẳm vẫn khiến nhiều người bị ám ảnh khi cả nước một lòng hướng về chiếc máy bay CASA chở 9 phi công mất tích khi tìm kiếm phi công Su-30. Thời khắc đó, dù không nói ra, có lẽ ai cũng cảm nhận được rõ sự hy sinh, mất mát của người lính dù chiến tranh đã đi xa.

Hơn 1.500 cán bộ chiến sỹ, ngư dân lao vào cuộc tìm kiếm trên biển. Đồng bào cả nước cầu nguyện, chờ đợi một cái kết có hậu. Thế nhưng, mọi ước mơ đã tan biến. Lời nguyện cầu không được hồi đáp. Các anh mãi mãi không về…

“Phi công Việt Nam là thế. Chồng tôi, liệt sỹ Trần Thanh Nghị chỉ là một minh chứng cụ thể. Các anh là những người lính bay làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Hạnh phúc nào hơn là được ngồi trong buồng lái, vút cánh bay lên bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quê hương, đất nước”. Đó là dòng chia sẻ của nhà báo Đặng Thị Bích Trang, công tác tại Báo Quân đội nhân dân, nhân dịp sinh nhật 3 tuổi con trai, cũng tròn 3 năm kể từ ngày người bạn đời của chị ra đi mãi mãi.

Chồng chị, Đại úy phi công Trần Thanh Nghị (Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã hy sinh trong một chuyến bay huấn luyện thực hiện nhiệm vụ, do máy bay gặp sự cố trên không vào mùa hè năm 2009.

Giá trị của hòa bình

Nhói lòng khi nghe hai chữ “liệt sỹ” giữa thời đất nước thanh bình. Thế nhưng, điều đó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về giá trị của hai chữ hòa bình. Để có một đất nước Việt Nam tự do, độc lập, hòa bình như ngày hôm nay, biết bao máu xương của lớp lớp cha ông đã ngã xuống. Và để bảo vệ nền tự do độc lập, cuộc sống yên bình cho nhân dân, thế hệ trẻ lại tiếp nối truyền thống cha ông, sẵn sàng lao vào nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, dù có thể phải đổi bằng cả tính mạng.

Phút cuối tiễn biệt các anh về với đất mẹ, những bước chân như nặng hơn, như muốn giữ các anh ở lại, như không muốn xa rời… Họ, 9 thành viên phi hành đoàn CASA 212, 9 liệt sỹ giữa thời bình. Các anh đã không quản hiểm nguy lao đi tìm đồng đội, để rồi sau đó mãi mãi không trở về với mẹ cha, với người vợ trẻ ở nhà, với con thơ vẫn thảng thốt giật mình gọi cha trong giấc ngủ.

 “Hai chiếc máy bay rơi trong cùng một tuần trên bầu trời Tổ quốc, có lẽ là cú sốc đối với nhiều người. Nhưng sự hy sinh của họ không vô nghĩa. Nó để lại một khoảng trống, và nhìn vào khoảng trống ấy, mỗi người bình thường chúng ta nhận ra mình đang có những gì”, một độc giả chia sẻ trên VnExpress.

Ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này vẫn có những sự hy sinh như thế. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân vì đồng đội, vì nhiệm vụ cao cả giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân, cho độc lập Tổ quốc vững bền. Những sự hy sinh rất thực, diễn ra ngay trước mắt chúng ta, không hề xa lạ, hay sách vở. Và, với những người lính đang ngày đêm gìn giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, để canh giữ giấc ngủ bình yên cho nhân dân, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng hy sinh.

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với từng thành viên của Phi hành đoàn CASA-212. 

Ngày 29/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1169/QĐ-TTg công nhận 10 liệt sỹ thuộc Bộ Quốc phòng hy sinh trong vụ rơi máy bay SU-30MK2 và CASA-212.

theo Công lý

Từ khóa: