Sự kiện hot
6 năm trước

Muốn thay đổi con, phải thay đổi mình

Để trẻ nhỏ hợp tác với cha mẹ thì bố mẹ cần thay đổi bản thân mình trước đã.

Chị Đặng Nam Phương (Hà Nội) - bà mẹ 8X nuôi dạy hai con tại nhà chia sẻ kinh nghiệm để trẻ nhỏ hợp tác với cha mẹ.

Chị Nam Phương cùng hai con gái - bé Bư và bé Siêu Tăm.

Nhiều cha mẹ rất coi trọng chuyện trẻ con nghe lời mình, để đến nỗi mà nghe lời trở thành một trong những mục tiêu giáo dục và trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất để họ đánh giá xem con họ đã trở nên “có giáo dục” hay chưa.

Theo tôi, việc trẻ nghe lời hay không lại là một trong những tiêu chí đáng tin cậy nhất cho thấy cha mẹ đã biết xây dựng mối quan hệ với trẻ và biết giáo dục trẻ hay chưa.

Con bạn thường xuyên không nghe lời bạn và hay chống đối ư? Hãy xem lại cách bạn nói chuyện với con, cách bạn xử lý tình huống với con, cách bạn cho phép con lựa chọn hoặc không, và cách bạn phản ứng khi con không như ý bạn. Đó không phải là lúc để đổ lỗi và phán xét con. Nếu chúng ta chỉ đổ lỗi và phán xét trẻ, thì đương nhiên là chúng ta bế tắc. Nhưng nếu chúng ta nhận ra một phần lớn lý do của biểu hiện đó chính là chúng ta, thì chúng ta có thể chủ động thay đổi chính cách tiếp cận con cái.

Thay đổi ở con cái bắt nguồn từ cha mẹ. Phần lớn các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở trẻ (trừ một phần rất lớn là các biểu hiện tự nhiên thuộc về giai đoạn phát triển bị hiểu nhầm là vấn đề) đều bắt nguồn từ cha mẹ - vì trẻ ở với cha mẹ, chứ ở với ai? Vấn đề là rất khó để cha mẹ quan sát bản thân, nhưng lại rất dễ để nhìn thấy biểu hiện ở trẻ. Khi không hiểu, người lớn dễ dàng đổ tại cho trẻ là “hư”, “bướng”, “không dạy được”. Chuyển sang thang đánh giá người lớn, chẳng qua đó là tính cố chấp, bảo thủ, không chịu thay đổi, và không chịu nghe trẻ của người lớn.

Trẻ mà nghe bố mẹ, thì bố mẹ cũng phải biết nghe trẻ.

Vợ chồng tôi chưa từng quan trọng hóa chuyện nghe lời hay không nghe lời của con. Chúng tôi chỉ quan niệm đơn giản: trẻ mà nghe bố mẹ, thì bố mẹ cũng phải biết nghe trẻ. Làm gì có chuyện đòi hỏi trẻ con nghe mình, trong khi mình không quan tâm xem chúng nó nghĩ gì, và cũng không quan tâm xem cách truyền đạt của mình đã hợp lý chưa? Hóa ra đó chính là đặc điểm quan trọng của những gia đình có con biết nghe cha mẹ: biết nghe trẻ và không đề cao mục tiêu nghe lời.

Tôi sẽ đưa một số tình huống cụ thể đã xảy ra với đứa con thứ hai của tôi (hiện 25 tháng) để minh họa cho việc phản ứng của trẻ sẽ thay đổi ra sao nếu người lớn thay đổi trước tiên.

Làm gì có chuyện đòi hỏi trẻ con nghe mình, trong khi mình không quan tâm xem chúng nó nghĩ gì.

Quả trứng ở siêu thị

Đợt đó con tôi chỉ ngoài 1,5 tuổi. Bé rất thích trứng sô-cô-la có đồ chơi ở trong mà ông ngoại thường mua cho, nhưng tôi thì không mua. Khi đang tính tiền ở siêu thị, tôi đứng ở quầy, còn hai đứa nhà tôi đứng chơi trứng. Khi đã tính tiền xong, tôi bảo các con: “Hai đứa ơi, cất trứng rồi về nào!” Tôi chỉ đứng quan sát, lặp lại ngắn gọn lời nhắc nhở vài ba lần. Đứa lớn đã hiểu chuyện hơn nên nhanh chóng làm theo. Đứa nhỏ cần nhiều thời gian hơn: nó loay hoay chơi thêm một lúc, rồi gọn gàng đặt lại quả trứng trên kệ rồi vui vẻ ra về.

Giờ bạn hãy tưởng tượng: chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ra lệnh lạnh lùng: “Cất trứng, rồi về. Nhanh lên. Không có mua gì hết.”? Sự ra lệnh và thiếu đồng cảm đó sẽ không bao giờ khiến cho đứa trẻ hợp tác. Khi trẻ không hợp tác, các cha mẹ kiểu này cũng có xu hướng can thiệp thô bạo: bế xốc con lên, kéo con đi, giật đồ ra khỏi tay con, mặc cho đứa trẻ khóc lóc. Sau đó, họ kết luận: “Đồ hư đốn”.

Đi chơi hiệu sách

Tôi hay cho hai đứa ra hiệu sách chơi. Mỗi khi ra hiệu sách quen thuộc, đứa nhỏ rất mê hộp Play-doh to đùng được đặt ở dưới đất ở gần cửa ra vào. Nó hay chạy ra đó, cầm hết hộp này tới hộp khác lên để xem. Khi đi về, tôi thường bảo các con: “Về thôi nhé!” rồi ra cửa trước, mở sẵn cửa và đứng đợi. Thường thì tôi không phải chờ tới 1 phút. Hai đứa tự động cất đồ chơi và vui vẻ đi về cùng mẹ. Lúc làm được như vậy, đứa thứ hai nhà tôi cũng chỉ ngoài 1 tuổi.

Tiết kiệm 1 phút rồi rầy la con có bằng bỏ ra thêm một phút để bọn trẻ có cơ hội hợp tác hơn? Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình thô bạo ép buộc con về trong khi đứa trẻ giãy nảy và ăn vạ. Những lời như “Về đi. Không về thì thôi, mẹ bỏ cho ở lại đây.” Khi những lời dọa như thế không có tác dụng, họ bắt đầu nổi điên lên, nhấc bổng đứa trẻ lên mặc cho nó khóc, và bắt đầu mắng mỏ.

Sự ra lệnh và thiếu đồng cảm sẽ không bao giờ khiến cho đứa trẻ hợp tác.

Chơi với tiền

Hôm nọ bé lớn nhà tôi đang cầm tờ tiền mà bà vừa đưa để định đưa tôi thì bé nhỏ cầm lấy. Tôi bày cho nó cách để hợp tác: “Siêu Tăm nhìn này, giúp mẹ cho tiền vào ví nhé!” Nó vui vẻ đặt tờ tiền ngay ngắn vào ví một cách thích thú vì đã giúp được mẹ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi nói “Nào, đừng chơi với tiền. Đưa đây!”? Tôi không nghĩ con tôi sẽ muốn đưa.

Chúng ta luôn nên nhớ rằng trẻ nhỏ cực kỳ thích làm hài lòng người lớn và cực kỳ thích thú khi chúng giúp được người lớn chuyện gì đó. Sự khác biệt giữa các gia đình có con hay chống đối và có con biết hợp tác là cha mẹ có hiểu tâm lý trẻ để tạo cơ hội cho trẻ hợp tác hay không. Các gia đình có con hay chống đối thường xuyên nghĩ rằng con không biết làm gì, chỉ thích phá hoại và quấy cha mẹ. Chính vì suy nghĩ đó mà họ gây căng thẳng cho con và phản ứng mạnh với con. Kết quả: Đứa con chống đối.

Xây dựng mối quan hệ với trẻ dựa trên nền tảng yêu thương, tin tưởng và lắng nghe là điều vô cùng quan trọng.

Trả nho cho cửa hàng

Chúng tôi hay đi mua bánh mì ở một tiệm bánh. Ở tiệm bánh đấy, họ hay đặt chùm nho giả ở chỗ thấp nơi trẻ con có thể với được. Đứa nào vào đấy cũng thích lắm, sờ sờ nắn nắn rồi có khi vặt luôn mà đem về. Lần nào Siêu Tăm nhà tôi vào cũng vặt một, hai quả. Cửa hàng cũng biết và cười cho qua, nhưng tôi biết cũng không thể tiếp tục mãi như vậy.

Sau khi thói quen này tiếp diễn lâu trong vòng vài tháng, tới hôm qua, trước khi vào cửa hàng, tôi có nói với con: “Này Siêu Tăm, chơi nho xong, con nhớ cất nho lại nhé. Mình không lấy nho về nhà nữa đâu. Được không con?” Nó bảo: “Được!” Sau đó, tôi vào mua bánh mì, nó vẫn đứng ở chỗ chơi nho như mọi khi. Tới giờ về, tôi thấy nó đã lại cầm một quả nho ở tay để chuẩn bị mang về. Tôi cúi người xuống, nói khe khẽ: “Này Siêu Tăm, cất nho lại nào. Chào quả nho đi, lần sau lại tới chơi!” Rồi tôi kiên nhẫn chờ đợi – trong vui vẻ chứ không phải trong khó chịu, tự do khỏi mong đợi rằng con sẽ nghe chứ không phải bị ràng buộc bởi ý nghĩ con phải nghe mình.

Siêu Tăm có vẻ suy nghĩ. Nó đứng tần ngần, không làm gì cả trong khoảng 10 giây, rồi đã có một quyết định đáng kinh ngạc: nó quay người lại, đặt quả nho đúng vào chỗ đã lấy, rồi vui vẻ ra về với mẹ.

Khi trẻ đã tin tưởng cha mẹ và biết cha mẹ sẵn lòng hiểu chúng, chúng sẽ có xu hướng lắng nghe cha mẹ nhiều hơn.

Tới đây thì tôi hi vọng bạn đã hiểu hơn về trẻ nhỏ - nếu trước khi đọc bạn vẫn còn cho rằng trẻ con sinh ra đã có đứa biết nghe lời và đứa thì hư, hoặc có những cha mẹ thì giỏi sẵn và có người dốt thì chỉ dốt thôi.

Xây dựng mối quan hệ với trẻ dựa trên nền tảng yêu thương, tin tưởng và lắng nghe là điều vô cùng quan trọng. Việc này có thành công hay không phụ thuộc vào nỗ lực và sự chú tâm của cha mẹ hàng ngày khi ở bên cạnh trẻ. Khi trẻ đã tin tưởng cha mẹ và biết cha mẹ sẵn lòng hiểu chúng, chúng sẽ có xu hướng lắng nghe cha mẹ nhiều hơn. Chuyện cha mẹ nghĩ gì trở nên rất quan trọng với chúng bởi vì chúng coi cha mẹ là những người bạn lớn và chúng muốn làm hài lòng những người bạn lớn của chúng.

Đặng Nam Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: