Sự kiện hot
6 năm trước

NTK Chương Đặng: ‘20 đứa trẻ, chỉ có 2 trẻ được chăm sóc đúng đắn’

'Trong 20 trẻ em, chỉ có 2 trẻ được chăm sóc đúng đắn nơi công cộng', NTK Chương Đặng chia sẻ.

Anh Chương Đặng, một nhà thiết kế, một TV host, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Kujean và chuỗi nhà hàng Ru, phở Bar, mới đây đã gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện về những đứa trẻ Việt Nam anh chứng kiến tại một nhà hàng buffet 5 sao.

NTK Chương Đặng: "20 đứa trẻ, chỉ có 2 trẻ được chăm sóc đúng đắn". (Ảnh: NVCC)

Cảm xúc của anh là “thấy thương trẻ em Việt Nam ở đấy quá” và “Tiếc cho các em, vì các em đâu được quyền chọn cha mẹ cho mình”.

20 đứa trẻ, chỉ có 2 trẻ được chăm sóc đúng đắn

Anh kể, nhà hàng có khoảng 20 đứa trẻ xinh đẹp, khôi ngô và hầu hết các bé chạy lăng quăng, cứ liên tục va đập vào khách đang đi lấy đồ ăn. Rồi các em hò hét, gọi nhau trốn tìm. Rồi các em ngồi vào ghế của khách, hay mon men ở những chỗ chế biến hải sản tươi …

Trong 20 trẻ em, chỉ có 2 trẻ được chăm sóc đúng đắn nơi công cộng. “Trong lúc đi lấy thức ăn tôi đã hăm hở tiến lại gần họ, và nhận ra một sự thật cay đắng: họ không nói tiếng Việt!”, anh viết.

“Các em không được uốn nắn để trở thành những công dân ưu tú, các em cũng chẳng có cơ hội để được cảm tình của bất kì người lạ nào. Tiếc cho các em, vì các em đâu được quyền chọn cha mẹ cho mình”.

Phải làm gì để con trở thành đứa trẻ lịch sự?

Doanh nhân này cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình dành cho các ông bố bà mẹ trẻ khi đưa con đến một buổi tiệc hay một nơi công cộng. Đồng thời, chỉ ra những cách xử lí tình huống sai lầm mà phụ huynh hay mắc phải. Anh nhấn mạnh: Xin bạn nhớ điều này: đứa trẻ nào cũng sẵn sàng làm người tốt; chỉ có người lớn mình mới hay ấm ớ thôi.

Phải làm gì để con trở thành đứa trẻ lịch sự? (Ảnh: Annietaophotography)

Trước khi đưa con đi:

- Hãy thông báo hoặc hội ý về thời gian, địa điểm, lí do của buổi ăn tối đó.

- Giải thích về các hình thức ăn tối bên ngoài, loại nhà hàng, hình thức buổi tiệc.

- Gợi ý trang phục phù hợp

- Những nguyên tắc ứng xử chuẩn mực con cần lưu ý trước; nếu con đồng ý tham gia thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu con vi phạm thì cả nhà sẽ rời khỏi buổi tiệc, trong 1 phút. Tuyệt đối tuân thủ kỉ luật này, dù phải ngậm đắng nuốt cay hy sinh tiền đã trả vẫn kiên quyết 1 lần thì con bạn sẽ biết nghe lời sau đó.

Trong buổi tiệc:

- Tôn trọng quyền cá nhân của con về các món ăn, chỉ giải thích chứ không áp đặt.

- Khi con gặp bạn cùng trang lứa và chúng có quyền gây tiếng động hợp lí, nhưng không phiền người khác.

- Nhìn xa, trông rộng. Nếu thấy khả năng đứa bé nhà mình có thể phiền đến bàn của khách bên cạnh, hoặc hay yêu cầu người phục vụ, hoặc cháu hay thích hỏi ông chef về các kỹ thuật nấu ăn thì hãy lo mà o bế họ cho đúng chuẩn. Tiếc gì một nụ cười, một câu hỏi han rồi nhanh gọn nhờ vả :”Xin lỗi hai bác, cháu nhỏ nhà em hơi hiếu động, sẽ phiền hai bác!”.

Còn với nhân viên trong nhà hàng, thấy con mình đang giao tiếp thì đừng ngăn cản, hoặc tệ hơn là cười nhạo. Hãy tận dụng cơ hội ấy để giáo dục con, chỉ cần vắn tắt với họ: “em chịu khó kiên nhẫn với cháu giúp chị!”.

Đứa trẻ nào cũng sẵn sàng làm người tốt; chỉ có người lớn mình mới hay ấm ớ thôi. (Ảnh: Annietaophotography)

Nếu bạn là một bà mẹ tuyệt vời, bạn có thể tận dụng những cơ hội rất hay để giáo dục con, thay vì biến nó thành một “con quỉ nhỏ” mà nhân viên phục vụ cứ liên tục nghiến răng thì thầm khi chúng đang chạy phá: “con, con … không được”; Trời trời, cô nói đừng lấy cái đó ra, đó là đồ trang trí mà … chậc chậc!”.

Mà khó gì đâu, giá bạn biết rằng đứa nhỏ có nhu cầu chạy nhảy, và phải liên tục vận động, bạn thì thầm vào tai con: “con nè, con có thấy cô phục vụ đứng đằng kia không, tạp dề của cô bị bung ra kìa, con chạy lại nói thầm vào tai cô là tạp dề của cô bị bung ra!”. Xin bạn nhớ điều này: đứa trẻ nào cũng sẵn sàng làm người tốt; chỉ có người lớn mình mới hay ấm ớ thôi.

"Có một đứa con, là có thêm một cuộc đời nữa". (Ảnh: Annietaophotography)

Khi bạn rời khỏi bàn tiệc:

Hãy chắc chắn con bạn là một người lịch lãm. Những cái rác mang đến phải được mang về, không thì phải được gửi gắm cho người phục vụ với một chút tip cẩn thận; hãy chắc chắn là con bạn đã chào người phục vụ, chào người quản lí nếu họ đến bàn của bạn 1 vài lần. Hãy tập cho con thói quen ấy; dù cho đôi lần con trở chứng không chào bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí sếp của mình... nhưng phải chào người phục vụ thì mới rời khỏi nơi ấy!

Sau cùng, cái này mình gặp hàng trăm lần rồi, hễ đứa bé nó làm phiền gì người khác là cha mẹ một là lờ đi, khá hớn tí thì đến lôi nó ra và chỉ dạy nó ra chiều rất có giáo dục. “Con! Ra đây, chỗ người ta đang ăn, không được chui vào …”. Chẳng lẽ tôi hy sinh tâm trạng của tôi để trả lời anh: “thưa anh, cháu nhà dễ thương nên có phiền một chút thật nhưng tôi còn thấy nó dễ chịu hơn nhiều so với khi anh xuất hiện ?”.

“Lại phải nói một lần nữa, và sẽ nói thêm nhiều lần nữa thưa các anh, các chị: tôi biết làm cha làm mẹ cực khổ lắm, khó khăn lắm, thiêng liêng lắm. Thôi thì các anh chị đã có lựa chọn, hoặc buộc phải lựa chọn thì tôi, và xã hội cũng xin gửi gắm cả vào anh chị. Trong tay anh chị là một đứa bé; thiên thần hay ác quỉ không phải muốn là chọn được, anh chị hãy bền gan vững chí. Có một đứa con, là có thêm một cuộc đời nữa”, anh kết luận.

Hạ Uyên (ghi)
Theo ĐSPL,Vietnammoi

Từ khóa: