Sự kiện hot
6 năm trước

Nếu Thái Bev mua thành công Sabeco, cuộc chơi cho bia Thái tại Việt Nam liệu có rộng mở?

Bia Thái đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ một vài năm trước, tuy nhiên dấu ấn đến nay khá mờ nhạt do việc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các hãng trong và ngoài nước. Liệu công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có mua thành công cổ phần Sabeco, và liệu đây có bàn đạp để bia Thái thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam?

Đến thời điểm 18h ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương ra thông báo chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB), và cái tên là Công ty TNHH Vietnam Beverage.

Đáng chú ý, công ty vốn điều lệ hơn 680 tỷ đồng này mới được Thai Beverage mua lại 49% vốn chỉ với giá gần 100 triệu đồng hồi cuối tháng 11. Người đứng sau không ai khác là tỷ phú đứng thứ 3 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu khối tài sản 19,1 tỷ USD.

Việc đăng ký mua cổ phần này để ngỏ khả năng Tập đoàn của Thái muốn xâm nhập thị trường bia Việt Nam thông qua Sabeco, công ty đang nắm thị phần số 1 với tỷ lệ hơn 40%. Và pháp nhân Việt Nam - Vietnam Beverage chính là công cụ giúp tạo lợi thế cho Thai Bev so với các nhà đầu tư ngoại khác.

Trên thực tế, các hãng bia của Thái đã nhen nhóm ý định đổ bộ thị trường bia đầy tiềm năng của Việt Nam từ một vài năm trước đó. Tuy nhiên sự cạnh tranh quá khốc liệt khiến cho bia Thái chưa tạo được nhiều dấu ấn đối với người tiêu dùng.

Việc nắm cổ phần tỷ trọng cao tại Sabeco chính là nước cờ thực hiện mục tiêu này nhanh nhất dành cho Thai Bev.

Bia Thái ở Việt Nam làm ăn ra sao?

Giữa năm 2016, Thai Bev (chủ sở hữu của Chang Beer – hãng bia con voi) tuyên bố mở rộng mạnh mẽ các thị trường Asean, trong đó nhắm đến các loại bia và đồ uống ở Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty bia và sữa.

Cụ thể, công ty này không giấu tham vọng mua thêm cổ phần của Vinamilk, nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam và bộ đôi Habeco, Sabeco. Tờ Bangkok Post từng dẫn lời Giám đốc điều hành Thapana Sirivadhanabhakdi, Thai Bev dự kiến chi 2 tỷ baht để xây dựng thương hiệu cho Bia Chang, soda và nước uống trong năm 2017.

Tháng 9/2016, đánh dấu sự có mặt chính thức của bia Chang tại Việt Nam. Trải qua hơn 1 năm cho đến nay, vẫn chưa có nhiều người tiêu dùng Việt tiếp cận loại bia này trên thị trường.

Bia Chang có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2016

Ở những kênh chính thống, bia Chang được bán tại chuỗi siêu thị MM Mega Market, tiền thân là Metro (Cash and Carry Việt Nam trước đây do Berli Jucker Plc - BJC, một đơn vị của Thai Bev mua lại). Đặc biệt, Công ty Phú Thái và Thai Corp. thuộc BJC là 2 đơn vị sẽ tiếp sức phân phối bia Chang tại Việt Nam.

Kênh không chính thức, các cửa hàng nhập khẩu bia Chang từ Thái Lan đưa về bán tại thị trường Việt Nam. Hiện tại, bia Chang ở Việt Nam đánh vào phân khúc khách hàng bình dân. Trên các trang web bán hàng nhập khẩu, một thùng bia Chang lon 330 ml, 24 lon được bán với giá dao động từ 310.000 – 350.000 đồng/thùng. Tương đương khoảng 13.000 – 14.600 đồng/lon.

Còn với bia Chang dạng chai 330ml, 1 thùng 24 chai có giá 410.000 – 430.000 đồng/chai, vào khoảng hơn 17.000 – 18.000 đồng/chai. Mức giá bán này tương đương giá bán phân khúc bia Sài Gòn lùn (Saigon Special 330 ml) tại Việt Nam.

Bia Chang ở cùng phân khúc đối với Bia Sài Gòn của Sabeco

Ngoài bia Chang, hai thương hiệu bia nổi tiếng khác của Thái cũng đã có mặt tại Việt Nam là Singha và Leo, đây đều là những thương hiệu bia lâu đời nhất tại Thái Lan.

Trong đó, bia Singha (con sư tử) là thuộc Tập đoàn Boon Rawd Brewery. Tên tuổi này gắn liền với sự hình thành lịch sử ngành bia Thái Lan từ năm 1933 và có mặt tại Việt Nam sớm hơn cả.

Cụ thể “Sư tử” đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam với nhãn hiệu bia Sư tử Trắng - thành quả cái bắt tay chiến lược 1,1 tỷ USD của Singha với một số công ty con thuộc Tập đoàn Masan (Mã: MSN) tại Việt Nam vào cuối năm 2015. Mặc dù, Singha chỉ chi 50 triệu USD vào mảng bia để thúc đẩy Sư tử trắng của Masan, nhưng lại có tham vọng xây dựng nhãn hiệu này thành thương hiệu bia quốc gia.

Bia Sư tử trắng là kết quả hợp tác giữ Singha của Thái Lan và Masan (Việt Nam)

Đại diện của Masan từng chia sẻ với báo chí, thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh rất mạnh, với tính địa phương rất cao. Ở phía Bắc có bia Hà Nội của Habeco, Halida; phía Nam có bia Sài Gòn của Sabeco; còn miền trung có Larue, Huda... Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu bia riêng của quốc gia và Sư tử trắng muốn đi theo hướng này.

Chưa kể các hãng bia ngoại như Heniken, Tiger, Sapporo, Carlsberg đã cắm rễ ở Việt Nam từ lâu, thông qua các liên doanh với đối tác trong nước. Ngoài ra, còn rất nhiều dòng bia Tiệp, bia Đức, Bia Bỉ, bia Nhật, bia Mỹ, bia Mexico… nhập khẩu chính hãng bày bán.

Đó là lý do vì sao, dù thị trường tiềm năng, nhưng để len lỏi vào tận ngóc ngách thị trường, các hãng bia Thái rất cần mua lại cổ phần chi phối của Habeco và Sabeco.

Bia Chang và cuộc lật đổ vĩ đại ngành bia Thái

Năm 1991, tỷ phú Charoen từng hợp tác với Carlsberg để phát triển thị phần bia tại Thái Lan, nhằm đánh bật hãng bia 60 năm tuổi Singha (thương hiệu thống trị thị trường bia Thái Lan đến năm 1997).

Tháng 3/1995, nhà máy bia Chang đầu tiên được khai trương ở huyện Bang Ban, tỉnh Ayutthaya (Thái Lan). Sau 3 năm, Thai Bev đã nắm được chuyển giao công nghệ từ Carlsberg.

Bia Chang của Thái Lan và cuộc lật đổ vĩ đại cuối những năm 90

5 năm tiếp theo với chiến dịch truyền thông xuất sắc, bia Chang vươn lên chiếm lĩnh tới 60% thị phần nội địa. Sau khi thành công, đến năm 2003 tỷ phú Charoen buộc Carlsberg phải rút khỏi thị trường Thái Lan, kết thúc cuộc lật đổ ngoạn mục, vừa đánh bại Singha vừa buộc Carlsberg rút lui.

Nhìn vào quá khứ để thấy được tham vọng không hề đơn giản của Thai Bev. Nếu mua thành công trên 25% lượng cổ phần của Sabeco, sẽ không khó để hình dung việc bia Thái sẽ có đất diễn hơn tại thị trường Việt Nam. Và rộng hơn đối với thị trường đồ uống, những công ty của tỷ phú Charoen sẽ trở thành cổ đông nắm tỷ trọng vốn lớn ở cả hai doanh nghiệp "vàng" là Vinamilk và Sabeco.

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: