Sự kiện hot
7 năm trước

Nếu bạn đánh con, có nên đánh lại hay mách cô giáo?

Tôi cho rằng, việc mách cô giáo ở trường mầm non là một điều đúng nhưng chưa đủ. Bằng chứng là mỗi khi đi học về, con tôi vẫn có những vết cào cấu, cắn đỏ cả lưng lên. Trước đó, cháu nghe lời tôi dạy: nếu bạn đánh con, không được đánh lại mà phải mách cô để cô nhắc bạn”. Nhưng…

Tôi có đọc 1 bài chia sẻ của một hot mom, cô ấy nói rằng khi con rằng: “Nếu con đánh/cào bạn, hãy đưa tay con vuốt lên má cô (hoặc bố, mẹ) và nói: "Tay là để yêu con ạ". Rồi nhắc con đi mách cô giáo khi bị bạn làm đau và chỉ ra được bạn nào làm đau con. "Tuyệt đối không dạy con đánh lại bạn. Khi con đánh lại bạn, con sẽ được làm quen với khái niệm dùng bạo lực để chống lại bạo lực", hot mom chia sẻ.

Từ câu chuyện này, tôi nghĩ đến ngay con mình. Khi cháu mới đi học mẫu giáo, cháu hay bị các bạn trong lớp cấu véo và cắn nhau, mỗi lần về là mỗi lần có vết sước, đỏ tấy lên, in hình nốt răng. Nói thật, là mẹ ai chẳng xót con. Nhưng tôi cũng nghĩ trẻ con tụi nó nghịch ngợm, hiếu động nên nó cắn nhau là chuyện rất bình thường. Ngày xưa hồi chúng ta còn nhỏ, chẳng phải chúng ta cũng trải qua đủ cả thơ ấu “chọc trời khuấy nước” đó hay sao? Vì tư duy vậy nên tôi cũng chỉ nhắc con mách cô giáo bạn này bạn kia cắn để cô biết mà tách tụi trẻ con hiếu động ra. Hôm sau đưa con đi lớp cũng nhắc nhẹ cô để cô xử lí chứ không truy cứu tận cùng làm gì. Trẻ con mà…

Nếu bạn đánh con, có nên đánh lại hay mách cô giáo? (Ảnh: Ngôi sao)

Những ngày sau đó, tình trạng thâm tím và xây xát vẫn xảy ra với con tôi. Cháu bập bẹ nói rằng các bạn cào, đã mách cô, cô quát bạn rồi nhưng vẫn bị cào. Tôi bắt đầu suy nghĩ lại…

Hôm đó đưa con đến lớp, tôi mới quan sát kĩ hơn các bạn học trong lớp. Cháu có đứng đó mách mẹ rằng bạn Su Béo là hay cắn với đánh các bạn trong lớp nhất, dù cô phạt nhưng bạn ý vẫn đánh. Tôi im lặng không nói gì…

Tối hôm đó, tôi hỏi cháu hôm nay có chuyện gì không kể cho mẹ nghe thì cháu lại mách “bạn Su Béo vẫn đánh con!”. Tôi hỏi lại “thế con có mách cô không?” thì cháu bảo đã mách, cô đã phạt nhưng Su Béo vẫn cấu và giật tóc con. Tôi bắt đầu suy nghĩ lại chuyện có nên cho qua chuyện này hay tiếp tục khuyên con mách cô giáo? Và tôi nhận thấy việc mách cô giáo ở trường mầm non là một điều đúng nhưng chưa đủ. Bằng chứng là mỗi khi đi học về, con tôi vẫn có những vết cào cấu, cắn đỏ cả lưng lên. Ở lớp có mấy chục cháu, cô giáo thì ít, làm sao có thể chuyên tâm đến từng đứa, áp lực với các cô không phải là nhỏ: áp lực từ phụ huynh, áp lực của lũ trẻ hiếu động…

Tôi bảo con “nếu mai mà Su Béo vẫn đánh con thì mẹ cho phép con đánh lại!”, cháu lắc đầu quầy quậy “không! Cô bảo phải mách cô, không được đánh nhau!”. Tôi nhắc con “thế sao bạn Su Béo vẫn đánh con suốt ngày đấy thôi. Việc đánh lại không phải là hư, mà là bảo vệ mình, con hiểu chưa? Mẹ không thích bạn đó cứ đánh con như thế!”. Cháu im im rồi thỏ thẻ “Con cũng ghét Su Béo, con tránh xa Su béo ra rồi nhưng Su Béo vẫn đánh con với các bạn”.

Hôm sau, tôi không nói lại chuyện đó. Đến lớp, tôi chỉ nhắc con “nhớ lời mẹ dặn chưa? Phải biết bảo vệ mình!”. Chiều hôm đó, đi học về tự cháu kể “hôm nay Su lại đánh con?”. “Thế con làm gì? Có mách cô giáo không?”, tôi hỏi.

“Không! Con đánh lại. Su Béo sợ quá không đánh con nữa!”.

Tối đó, tôi khẽ hỏi con “Thế sau khi đánh nhau với Su Béo, con có sợ bạn ý nữa không?”, cháu bảo “Không, nhưng con không thích đánh nhau đâu. Đánh nhau là hư!”. Tôi ôm cháu “đúng rồi, đánh nhau là hư. Vì con có đánh đâu nhỉ? Nhưng nếu người khác tự dưng đánh con, mà con không làm gì sai, thì phải biết bảo vệ mình nghe chưa?”.

"Nếu con không làm gì sai, thì phải biết bảo vệ mình nghe chưa?” - tôi dạy con mình như thế.

Nhiều người thấy tôi kể chuyện đồng tình trong việc cho con đánh nhau với bạn thì tỏ ý không hài lòng. “Sao lại dạy con như thế? Dạy thế là hư? Lấy bạo lực để đàn áp bạo lực là sai…”. Đủ thứ ý kiến bày tỏ.

Tôi chẳng nói gì. Tôi không thể ở bên con mình 24/24h để thấy con đánh bạn mà ôm con vào lòng thủ thỉ ái ngữ "tay là để yêu thương". Tôi cũng không thể trách móc cô giáo sao không lôi chúng nó ra cho chúng nó không đánh nhau, bởi tôi hiểu sự vất vả của giáo viên khi phải trông “lũ giặc con” ấy. Tôi cũng hiểu sự xót xa khi thấy con mình cứ đi học về là đầy vết thâm tím chỉ vì phải nghe đạo lý “phải mách cô” và chịu để bạn đánh mà chả có giải pháp gì. Tôi cũng nhìn lại tuổi thơ của mình với lũ nhóc cùng xóm cứ đánh nhau cả ngày chí chóe rồi lớn lên thì lại quý mến nhau.

Tôi cho rằng, việc trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường, nếu như con tôi không chủ động làm đau bạn, mà cứ mãi bị bắt nạt như thế, thì chuyện phản kháng lại là điều đương nhiên. Dạy con biết bảo vệ mình trước những bất công thì chẳng có gì là sai trái cả. Đừng triệt tiêu đi cái quyền được phản kháng của con mình, đó không phải là hành xử bạo lực, đó là cách để trẻ tự bảo vệ mình. Đừng bố mẹ nào nhầm lẫn khái niệm đó để con mình phải chịu những bất công ngay từ nhỏ, rồi để con tự ám thị 1 cách AQ rằng: để cho người khác cứ đánh mình mãi rồi mách 1 người không thể giải quyết sự việc đó “thế mới là ngoan!”

Châu Anh
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: