Sự kiện hot
7 năm trước

Ngành cà phê Colombia hồi sinh sau nội chiến

Những người nông dân từng trốn chạy nội chiến để đến vùng núi Andes của Colombia ngày nào đang quay trở lại để đánh thức vùng đất của họ, tiếp tục trồng cà phê và góp phần tăng sản lượng cà phê chất lượng cao trên thế giới.

Cà phê chín vừa được thu hoạch tại San Carlos, Colombia. Nguồn: Federico Rios/Reuters

Cuộc nội chiến kéo dài 50 năm ở Colombia và cũng là cuộc nội chiến dai dẳng nhất tại châu Mỹ, khiến hàng triệu người phải di tản và nông nghiệp bị đình trệ suốt hàng chục năm tại những vùng đất cho ra những hạt cà phê ngon nhất thế giới.

Chính phủ Colombia cho biết việc cây cà phê hồi sinh trên những vùng đất chiến tranh có thể giúp sản lượng cà phê nước này tăng đến 40% và đóng góp thêm 13% tổng sản lượng cà phê arabica ướt trên toàn thế giới.

Nguồn cung tăng có thể giúp các công ty chế biến cà phê hàng đầu thế giới cắt giảm chi phí nguyên liệu. Các công ty này cũng đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cà phê từ Colombia.

Trở về nhà

Khoảng 950 trong số 1.600 hộ trồng cà phê di tản trong cuộc nội chiến đã quay trở lại vùng San Carlos, theo thống kê của Liên đoàn Người trồng Cà phê Colombia (FNC). Sản lượng cà phê của San Carlos, vùng cao nguyên cách thủ đô Bogota 330 cây số về phía đông bắc, có thể tiếp tục cải thiện khi nông dân mở rộng diện tích canh tác và ngày càng có nhiều người quay về sau cuộc nội chiến để đáp ứng nhu cầu lao động gia tăng.

Theo FNC, khu vực này hiện có 800 hecta đất trồng cà phê, gấp đôi diện tích trong thời gian nội chiến. Nhưng con số này chỉ bằng một nửa diện tích trồng cà phê trước khi nội chiến nổ ra.

Libardo Garcia, một trong số những người quay về sau cuộc nội chiến, đã mất đi hai người anh – một người bị bắn và một người chết vì trúng mìn. Năm 2015, anh và gia đình quay về trang trại rộng 12 hecta sau 14 năm trốn chạy xung đột.

“Khi chúng tôi quay về, toàn bộ cây cà phê đã chết”, Garcia nói. Kể từ đó, anh đã trồng 8.000 cây cà phê trên diện tích 2 hecta đất dốc đứng.

Arabica ướt là loại cà phê thượng hạng và Colombia hiện là nước sản xuất arabica ướt hàng đầu thế giới. Để đạt chất lượng đó, hạt cà phê được tách từ quả chín, sau đó phơi khô để tăng chất lượng.

Arabica chiếm khoảng 60% nguồn cung cà phê toàn cầu, 40% còn lại là cà phê robusta chất lượng thấp. Một số công ty chế biến cà phê thêm robusta để tạo hương vị độc đáo riêng, trong khi các nhãn hiệu cao cấp chỉ dùng cà phê arabica ướt.

Chính phủ đã đạt được thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) vào cuối năm 2016, tạo điều kiện cho nhiều gia đình trở về quê hương sau nhiều năm trốn chạy, trong đó có hàng ngàn hộ trồng cà phê.

Khoảng 220.000 người chết và hàng triệu người di tản suốt hàng chục năm nội chiến giữa các nhóm du kích cánh tả, lực lượng bán quân sự, tổ chức tội phạm và quân đội chính phủ. Cuộc xung đột đã tàn phá nhiều khu vực rộng lớn trên khắp đất nước Colombia, chính phủ đã cố gắng giành quyền kiểm soát vùng cao nguyên và các khu rừng nhiệt đới heo hút ở phía tây và phía nam đất nước.

Một số nông dân quyết bám đất trong giai đoạn nội chiến đã chuyển từ trồng cà phê sang coca và các loại cây bất hợp pháp khác. Coca được dùng để sản xuất cocaine và số tiền thu được đã giúp tài trợ các nhóm vũ trang trong cuộc nội chiến.

Việc nhiều nông dân quay trở lại canh tác trong khi các hộ khác chuyển sang trồng cà phê có thể giúp tăng tổng sản lượng cả nước lên 1,2 triệu tấn vào năm 2020 từ con số 852 nghìn tấn của năm 2016, theo ước tính của chính phủ.

Doanh nghiệp vào cuộc

Các công ty chế biến cà phê quốc tế đang tranh thủ cơ hội thu mua cà phê chất lượng cao từ Colombia, nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới và cung cấp đến 1/3 sản lượng arabica ướt toàn cầu.

Công ty chế biến cà phê Illycaffe của Ý đã mở rộng thu mua nguyên liệu đến các vùng không thể tiếp cận trong giai đoạn nội chiến. Trong vài năm qua, sản lượng cà phê thu mua của công ty đã tăng với tỷ lệ hai con số và sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tới.

Năm 2016, Nestle bắt đầu thu mua cà phê từ các vùng hậu chiến Colombia để làm nguyên liệu cho dòng sản phẩm Nespresso và bán ra thị trường dưới dạng phiên bản hạn chế vào năm nay.

Trong khi đó, Starbucks tăng cường hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) để cung cấp các khóa huấn luyện nông nghiệp cho 1.000 nông dân trong vùng hậu chiến. Công ty này cũng hợp tác với Ngân hàng Phát triển Liên Châu Mỹ (IADB) hỗ trợ các khoản vay cho 2.000 nông dân Colombia, chủ yếu là phụ nữ.

“Hy vọng hòa bình sẽ mang đến cho chúng tôi nhiều việc làm và thu nhập hơn trước. Tôi không muốn phải trốn chạy lần nữa”, một phụ nữ cho biết.

Trường Giang
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: