Sự kiện hot
8 năm trước

Ngành hàng gia dụng Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng

ĐS&TD - Phát biểu tại Hội thảo “Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Hàng gia dụng” ngày 21/12, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều nhận định, hàng gia dụng Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng…

Triển vọng tăng trưởng nhanh

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương, hiện tại tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng. Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước khoảng 12.5 – 13 tỷ đô la với mức phát triển cao hơn bình quân. Cụ thể, năm 2014 giá trị bán lẻ tăng 10,65% trong khi nhóm hàng này tăng từ 12 đến 14%, mặc dù 11 tháng đầu năm 2015, những con số này lần lượt là 9,44% và 14,9%.

Ông Quyền đánh giá triển vọng của ngành hàng gia dụng là rất lớn, nguyên nhân là: Do dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn (18-45 tuổi 57-60%); Thu nhập tăng (trên 2.000 USD) dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn; Tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến đồ Việt Nam ngày càng tăng, theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85-95% là thương hiệu Việt như Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á, Điện Quang… đang ngày chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ, giá thành, hệ thống phân phối rộng khắp; Thị trường nông thôn chuyển dịch từ sử dụng các món đồ gia dụng tự chế sang sử dụng các thương hiệu Việt quen thuộc.

Nói về cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ông Quyền cho biết các hiệp định mới được ký kết trong năm 2015 như TPP, FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác đã mở ra cơ hội, thách thức cho ngành sản xuất VN, trong đó có ngành gia dụng. Rất nhiều các cam kết ưu đãi về thuế với nhiều khu vực thương mại quốc tế đã được thông qua như: Đối với thị trường EU – nhóm hàng túi xách, va li, nhựa, gốm sứ, thủy tinh xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực; Đối với thị trường Mỹ - 85% hàng giày dép được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu, 50% số lượng mã hàng nhựa được xóa bỏ thuế ngay, còn lại lộ trình xóa bỏ năm thứ 3 hoặc thứ 5; Đối với thị trường Nhật Bản - gần 85% kim ngạch nhập khẩu được xóa bỏ thuế ngay…

Ông Quyền nhận định, đối với các doanh nghiệp nội địa thì vấn đề cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập cũng không phải là quá đáng lo do phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều đã có sự chuẩn bị nhất định để sẵn sàng với lộ trình hội nhập.

Ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho biết, không phải tới khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại thì cơ hội mới tới với doanh nghiệp, mà cơ hội hiện đã có sẵn tại thị trường nội địa.

Cụ thể, Việt Nam có dân số lớn, trên 90 triệu dân và tính tới năm 2020 sẽ vượt mốc khoảng 100 triệu. Do đó, số lượng hộ gia đình mới sẽ không ngừng tăng lên dẫn tới nhu cầu các mặt hàng gia dụng cũng sẽ tăng theo. Đặc biệt, dư địa phát triển tại thị trường nông thôn (chiếm 70% tổng dân số) cho ngành hàng gia dụng Việt Nam là rất lớn.

Trên thực tế, trong khi thị trường tại các thành phố lớn đã bão hoà thì tại các khu vực nông thôn, hàng gia dụng đang cực kỳ thiếu thốn, và chưa có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và mẫu mã, đa phần vẫn là các công cụ sản xuất thủ công.

Mặc dù đã có những chính sách, chương trình nhằm mục đích cải thiện tiêu dùng tại thị trường này như chương trình vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến. Nguyên nhân chính của việc này là: Thu nhập người dân vẫn còn thấp, thiếu sự quan tâm của các doanh nghiệp. Như vậy, để khai thác thị trường tiềm năng này, cần phải có sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của nhà nước, như chính sách phát triển kinh tế nông thôn, cũng như trách nhiệm từ phía doanh nghiệp trong vấn đề tìm hiểu thị hiếu thị trường. Tiếp theo là cơ hội mở rộng thị trường thế giới nhờ xóa bỏ hàng rào thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN…

Nguyên Thứ trưởng Thương mại cũng nhấn mạnh, cơ hội cũng kèm theo thách thức, đặc biệt là vấn đề xuất xứ hàng hoá hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào do hiên nay Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực đầu tư vào công nghệ, hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp phấn khởi…

Ỏ góc độ doanh nghiệp, Ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn cho biết, “tất cả các doanh nghệp của người VN đều cảm thấy phấn khởi trước hội nhập”.

“Tuy nhiên, những người làm chính sách cũng như các nhà quản lý vẫn đang trăn trở hội nhập sẽ như thế nào. Do đó, ngoài việc trông chờ vào các cơ chế của chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích nghi với bối cảnh hội nhập. Cụ thể, Sơn Hà đã xúc tiến tìm hiểu xuất khẩu hơn 10 năm nhưng 5 năm gần đây mới tiến hành thực hiện. Lý do của quá trình này là do doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới, cũng như phải tìm hiểu luật chơi quốc tế một cách cặn kẽ”, ông Hà nhận định.

Theo ông Hà, giá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng hóa sang thị trường tiềm năng khác. Chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, đặc biệt về mặt công nghệ, tuy nhiên không thể ngay 1 lúc mà thay đổi dây chuyền sản xuất. Trước 2015, Sơn Hà chủ yếu xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia. Đến nay đã đầu tư dây chuyền để sản xuất sản phẩm cao cấp xuất sang Mỹ, Canada. Tuy nhiên, doanh nghiệp không mạnh ở thị trường trong nước thì khó có thể xuất khẩu mạnh do thị trường quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Sunhouse cũng chia sẻ: Ngành gia dụng sẽ là ngành cực kỳ triển vọng trong 3 năm tới do một vài yếu tố: Đây là ngành sử dụng chứ không kinh doanh vật liệu cơ bản. Đặc biệt khi giá bán lẻ thành phẩm gần như ít thay đổi trong khi giá các loại vật liệu cơ bản đang trong chu kỳ giảm và sẽ dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong vòng 3 năm nữa; Ngành gia dụng là ngành không yêu cầu công nghệ quá cao, sử dụng nhiều lao động. Đây vốn là thế mạnh của Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên thời gian tới, giá nhân công của Trung Quốc sẽ tăng nhanh khi thu nhập người dân đã phát triển, Trung Quốc không thể tiếp tục thực hiện chiến lược giá rẻ này. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường nhiều tiềm năng thay thế Trung quốc trong xuất khẩu với sự dịch chuyển thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.

Thách thức đặt ra là hiện nay hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc,… sẽ cũng được hưởng lợi từ thuế 0%. Điều này sẽ đem lại lợi thế cho các công ty thương mại và bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây không phải là lợi thế của các doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp thuần Việt cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức do thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính vĩ mô, chưa đi sâu vào từng ngành hay những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như nhân lực. Dự báo trong vòng 3-5 năm nữa, doanh nghiệp thuần Việt sẽ cực kỳ khó khăn.

Công Minh

Từ khóa: