Sự kiện hot
6 năm trước

Ngủ chung với mẹ là nguy hiểm hay chìa khóa của bú mẹ thuận tự nhiên?

Việc ngủ cùng con giúp mẹ dễ dàng quan sát và chăm sóc bé, trong khi hoạt động bú mẹ hỗ trợ hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe của bé, từ đó, ngăn ngừa sự cố xấu xảy ra.

Nhiều cha mẹ nhận thấy việc để con ngủ cùng giường với mình giúp họ chăm sóc con dễ dàng hơn vào buổi tối. Ngay cả khi cha mẹ, trước khi em bé chào đời, không có ý định ngủ chung với con nhưng việc làm này vẫn được lựa chọn để thực hiện vào ít nhất một vài thời điểm trong đêm. Một nghiên cứu ở Australia cho thấy, 80% trẻ được ngủ chung giường một lúc nào đó với cha mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong lúc ngủ sẽ thấp hơn nếu trẻ ngủ chung phòng với cha mẹ thay vì trẻ ngủ riêng trong một phòng khác. (Ảnh: Sonialimphotography)

Các yếu tố nguy cơ gây đột tử ở trẻ sơ sinh khi ngủ chung với bố mẹ

Trong một số trường hợp nhất định, có những nghiên cứu cho thấy nguy cơ đột tử tăng ở những trẻ sơ sinh ngủ chung cùng bố mẹ, bao gồm:

Cha mẹ hút thuốc lá

Một bé sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá (là cha/mẹ hút thuốc hoặc người mẹ hút trong quá trình mang thai) làm tăng nguy cơ đột tử, bất kể vị trí bé ngủ ở đâu.

Những cha mẹ có thói quen hút thuốc lá (hoặc người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai) không bao giờ nên ngủ chung với con. Họ được khuyên nên ngủ chung phòng với con với điều kiện phòng đó phải không có khói thuốc. Bởi cha mẹ hút thuốc, con có nguy cơ đột tử cao hơn nên đòi hỏi phải được sự giám sát, kiểm tra sát sao hơn từ cha mẹ.

Cha mẹ uống rượu, dùng thuốc hoặc mệt mỏi cực độ

Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao gặp các sự cố có thể gây nguy hiểm tính mạng trong lúc ngủ (ngã, nghẹt thở, bị nằm đè lên người…) nếu bé ngủ chung với người uống rượu hoặc dùng thuốc ngủ/thuốc cấm hoặc đang trong trạng thái mệt mỏi quá mức. Cha/mẹ rơi vào một trong các tình huống trên không nên ngủ chung cùng con.

Ngủ chung với anh/chị/em hoặc thú cưng

Trẻ sơ sinh có nguy cơ đột tử cao hơn nếu ngủ chung với nhiều người hơn, ngoài cha mẹ mình (ví dụ, anh/chị/em) hoặc với một thú cưng. Bé chỉ nên ngủ cùng cha mẹ trên giường mà thôi.

Cha mẹ béo phì

Cha mẹ bị béo phì có thể không thể cảm thấy chính xác vị trí hoặc mức độ gần gũi tới đâu khi ở bên con. Do đó, họ có thể chỉ nên ngủ chung phòng, thay vì chung giường với trẻ.

Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức

Tiến sĩ James McKenna khuyến nghị, trẻ sơ sinh dùng sữa công thức nên ngủ chung phòng, thay vì chung giường, với cha mẹ. Bởi người mẹ cho con ăn bằng bình sữa công thức không biểu hiện dấu hiệu đáp ứng tương tự trong việc chăm sóc con ban đêm như các bà mẹ cho con bú mẹ.

Ngủ chung ghế sofa

Sử dụng một chiếc ghế sofa hay những loại ghế tương tự làm nơi ngủ cho trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ trẻ gặp các tai nạn có thể gây nguy hiểm tính mạng (ngã, nghẹt thở…). Người chăm sóc trẻ không bao giờ nên ngủ cùng bé trên một chiếc ghế sofa và các loại tương đương. Trẻ có thể bị gối tựa làm cho nghẹt thở hoặc bị lèn/đè lên người do không gian quá chật.

Trẻ sơ sinh và tình trạng quá nóng hoặc bị che mặt

Nguy cơ tử vong ở một bé sơ sinh còn rất nhỏ (dưới 12 tuần tuổi) ngủ chung với cha/mẹ có thể tăng lên nếu trẻ quá nóng hoặc đầu trẻ bị phủ kín. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong tăng cao hơn khi trẻ sơ sinh còn rất nhỏ ngủ chung với cha/mẹ. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không xem xét tất cả các yếu tố nguy cơ như thói quen uống rượu hoặc lạm dụng thuốc của cha mẹ/có nhiều người cùng ngủ chung giường…

Chỉ có một mình trẻ trên giường của người lớn

Để bé một mình trên giường mà không có người lớn giám sát bên cạnh cũng làm tăng nguy cơ gặp sự cố gây nguy hiểm tính mạng cho bé trong khi ngủ.

Quấn chặt bé

Không được quấn chặt bé nếu ngủ cùng con bởi việc làm này hạn chế hoạt động của tay và chân.

Không được quấn chặt bé nếu ngủ cùng con bởi việc làm này hạn chế hoạt động của tay và chân. (Ảnh: Sonialimphotography)

Ngủ chung với con trong trường hợp cha mẹ không hút thuốc lá và uống rượu

Nguy cơ chính đối với sự an toàn của bé khi ngủ chung với cha mẹ không hút thuốc lá, không uống rượu là tình trạng bé quá nóng hoặc bị che đầu. Khi đó bố mẹ cần lưu ý:

- Không nên sử dụng chăn điện.

- Giường nên được bố trí sao cho bé không nằm gần một cái gối cũng như đầu không bị vật gì che lấp (chăn, gối, ga…).

- Trẻ sơ sinh luôn cần được ngủ theo kiểu nằm ngửa, không bao giờ được đặt bé ngủ trong tư thế nằm sấp – úp mặt xuống giường.

- Không nên buộc, quấn chặt bé. Hãy để bé tự do chuyển động.

- Đệm nằm phải phẳng và có độ chắc chắn nhất định, không để xảy ra nguy cơ bé bị kẹt giữa giường và đệm hoặc bị ép vào tường hoặc một chiếc giường khác.

Nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh trong lúc ngủ sẽ thấp hơn nếu trẻ ngủ chung phòng với cha mẹ thay vì trẻ ngủ riêng trong một phòng khác. Ngủ chung phòng với những đứa trẻ khác cũng không có tác dụng bảo vệ bé. Một nghiên cứu vào năm 2004 của châu Âu cho thấy, khoảng 36% các ca đột tử ở trẻ sơ sinh trong lúc ngủ thuộc về các bé ngủ một mình và 16% thuộc về các bé ngủ chung giường với cha mẹ.

Mẹ ngủ bên con rất tiện khi con đòi bú. (Ảnh: Sonialimphotography)

Mối liên hệ giữa việc cho con bú và ngủ chung với con

Trẻ sơ sinh vẫn những cữ ăn đêm và nhiều phụ nữ mới làm mẹ đã ngủ gục trong lúc cho con bú. Việc ngủ chung giúp giảm thiểu tối đa tình trạng giấc ngủ bị chập chờn cho cả mẹ và bé.

Trên thực tế, việc cho con bú và ngủ chung với con có sự tác động, hỗ trợ lẫn nhau. Có thể nói, cảm giác tiện lợi khi bé bú mẹ khi ngủ cùng mẹ vào buổi tối là nguyên do phần lớn cha mẹ chọn không để con ngủ ở phòng riêng. Những bà mẹ ngủ bên con có xu hướng cho con bú lâu hơn và duy trì được việc bú mẹ hoàn toàn dài hơn so với những cặp mẹ-con không ngủ chung.

Có nhiều giả thuyết khẳng định về tác dụng bảo vệ trẻ của việc bé bú mẹ khỏi nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Không chỉ bảo vệ, người mẹ ngủ cùng con và cho con bú còn thường áp dụng một tư thế giúp đảm bảo sự tiếp xúc thân mật về cơ thể với con, đồng thời dễ dàng quan sát con hơn. Người mẹ có xu hướng giữ con ở ngang tầm bầu ngực mình với một cánh tay đỡ đặt giữa đầu em bé và chiếc gối.

Về bản năng, mẹ cũng gập chân lại để tạo thành không gian bảo vệ xung quanh đứa trẻ, giúp ngăn ngừa khả năng một người khác xoay mình và đè lên em bé. Người đó sẽ chạm vào chân bà mẹ trước khi chạm vào em bé và đây chính là lúc mẹ có thể phát hiện ra để can thiệp kịp thời.

Một người mẹ vừa ngủ cùng con vừa cho con bú (đồng thời không uống rượu, không dùng thuốc ngủ hoặc thuốc cấm và không quá mệt mỏi) có xu hướng cảnh giác cao độ và đáp ứng nhanh chóng trước các nhu cầu của bé. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cả mẹ và bé thường xuyên thức dậy trong quãng ngủ đêm khi ngủ chung có thể giúp hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ sẽ được kiểm tra và được bú mẹ đều đặn hơn khi ngủ chung giường hơn là chỉ ngủ chung phòng.

Lợi ích bảo vệ của sữa mẹ đối với trẻ khi ngủ chung giường là rất rõ rệt. (Ảnh: Sonialimphotography)

Lợi ích bảo vệ của sữa mẹ đối với trẻ khi ngủ chung giường là rất rõ rệt

1. Trẻ sơ sinh ở 2-3 tháng tuổi được bú mẹ dễ dàng tỉnh giấc khỏi trong giấc ngủ đêm hơn so với trẻ dùng sữa công thức. Mà theo các nhà khoa học, thời điểm 2-4 tháng tuổi là giai đoạn trẻ có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với SIDS - hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

2. Bú mẹ cung cấp cho trẻ những yếu tố miễn dịch quan trọng (như kháng thể và tế bào bạch cầu). Những thành phần miễn dịch của sữa mẹ có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ đột tử (SIDS).

3. Một số trẻ sơ sinh bị đột tử thường bị mắc một bệnh nhiễm trùng nhỏ vào những ngày trước khi xảy ra sự cố - vốn được coi là chưa đủ để khiến trẻ thiệt mạng. Dù vậy, trẻ sơ sinh được bú mẹ ít bị bệnh lây nhiễm hơn (như nhiễm trùng tiêu hoá và hô hấp) so với trẻ dùng sữa công thức. Và nhờ thế, nguy cơ đột tử cũng sẽ giảm đi.

6 cách để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và đảm bảo an toàn cho bé trong khi ngủ

1. Đặt bé ngủ trong tư thế nằm ngửa từ khi sinh ra, chứ không phải nằm sấp hoặc nằm nghiêng.

2. Để trẻ ngủ với đầu và mặt không bị che phủ gì hết.

3. Để trẻ không hít ngửi phải khói thuốc lá trước và sau khi sinh ra.

4. Đảm bảo môi trường ngủ an toàn cho bé cả ngày lẫn đêm.

5. Để trẻ ngủ ở nơi an toàn của bé, trong phòng chung với người chăm sóc trưởng thành trong 6-12 tháng đầu đời.

6. Cho bé bú mẹ hoàn toàn.

Lưu ý cho mẹ

1. Phần lớn các ca đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ xảy ra khi trẻ ngủ một mình, ngoài vòng giám sát của một người lớn chịu trách nhiệm chăm sóc bé.

2. Cha mẹ ngủ chung giường với con cần phải ý thức rõ về những nguy cơ và bố trí không gian ngủ sao cho giảm thiểu tối đa các nguy cơ này.

3. Ngủ chung với cha/mẹ có thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột tử và tai nạn gây nguy hiểm tính mạng ở trẻ sơ sinh. Cha mẹ hút thuốc lá hoặc người mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai không bao giờ nên ngủ chung giường với con.

4. Cha mẹ bị tác động bởi rượu, thuốc hoặc tình trạng mệt mỏi cao độ cũng không nên ngủ cùng giường với con.

5. Ghế sofa không phải là nơi an toàn để ngủ cho trẻ sơ sinh, dù có hay không có cha/mẹ ở bên bởi nó làm tăng nguy cơ đột tử.

6. Ngủ chung giường có khả năng đem lại lợi ích cho trẻ sơ sinh theo cách nó hỗ trợ việc trẻ bú mẹ và từ đó, tăng cường sức khoẻ cho trẻ.

7. Ngủ chung cũng giúp cha mẹ ngủ được nhiều hơn.

8. Thử thách ở chỗ phải giảm tỷ lệ đột tử ở trẻ khi ngủ mà không làm tổn hại đến quá trình cho con bú.

9. Ngủ cùng giường, bản thân việc làm này không có khả năng trở thành nguy cơ gây đột tử, mà chỉ trong một số trường hợp cụ thể, nó mới có thể gây hại mà thôi.

Đỗ Quyên
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: