Sự kiện hot
8 năm trước

Nhiều bất cập trong kinh doanh bán hàng đa cấp ở Việt Nam

ĐS&TD - Bán hàng đa cấp là một phương thức được nhiều nước trên thế giới thừa nhận, là một mô hình kinh doanh hiệu quả. Tại Việt Nam ngành bán hàng đa cấp tồn tại, phát triển trên chục năm nay, đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn đó những bất cập, yếu kém cần xử lý…

Theo báo cáo của 48 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (55% thị phần). Các doanh nghiệp đã nộp trên 452 tỷ đồng tiền thuế.

Tuy nhiên, ngành bán hàng đa cấp cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, có không ít sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật, do sự biến tướng, núp bóng bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp, không được pháp luật thừa nhận. Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng đã bị thu hồi giáy phép kinh doanh, hoặc phá sản, tự đóng cửa.


Mô hình kinh doanh đa cấp

Những vụ lừa đảo ở các công ty Liên Kết Việt hay MB24… đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực của người dân đối với lĩnh vực này. Trong khi tham gia vào một công ty đa cấp chân chính, có thể mang lại thu nhập cho người lao động, thì lại có quá nhiều công ty đa cấp bất chính với hàng trăm chiêu trò lừa đảo.

Vậy làm sao để người tham gia mô hình kinh doanh đa cấp (KDDC) có thể tránh bị lừa, để không tiếp tục trở thành nạn nhân của các doanh nghiệp đa cấp bất chính này?

Bán hàng đa cấp là gì?

Nghị định 42/2014/CP về kinh doanh đa cấp quy định: Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.

Người tham gia cần phải nhận thức rằng bán hàng đa cấp thực chất là một hình thức bán hàng, không phải là một hình thức đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Cũng như các hình thức bán hàng khác, bán hàng đa cấp tìm cách đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Khi tham gia vào một mô hình kinh doanh đa cấp, người tham gia cần phải xem xét doanh nghiệp bán hàng đa cấp có cung ứng cho thị trường sản phẩm hàng hóa “thực sự”?

Hàng hoá “thực sự” có thể hiểu là sản phẩm của doanh nghiệp phải có giá trị sử dụng, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng hoặc cho những đối tượng cụ thể (ví dụ như thực phẩm ăn kiêng) và doanh nghiệp ứng dụng kinh doanh đa cấp là để tiêu thụ sản phẩm chứ không phải sản phẩm được sử dụng để làm cho phương thức kinh doanh đa cấp vận hành, để tuyển người vào mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp đó.

Hãy xem xét sản phẩm của doanh nghiệp đó có tốt không. Chỉ khi có sản phẩm tốt thì doanh nghiệp mới có cơ sở để giới thiệu đến người tiêu dùng và người tiêu dùng mới mua sản phẩm đó. Nếu sản phẩm chất lượng không tốt, rõ ràng ta khó có thể bán được hàng cho người tiêu dùng.

Hãy xem doanh nghiệp có hay không thực hiện chế độ mua lại sản phẩm? Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nội dung quy định về chế độ mua lại, theo đó, chế độ mua lại sản phẩm phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và doanh nghiệp với mục đính hạn chế doanh nghiệp ép buộc người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp mua lượng hàng lớn hơn so với khả năng tiêu dùng và bán lẻ của họ.

Chính sách mua lại sản phẩm đòi hỏi doanh nghiêp phải mua lại hàng hóa có thể bán được từ nhà phân phối của họ với mức giá không thấp hơn 90% mức giá nhà phân phối đã mua của doanh nghiệp. Hãy xem xét các doanh nghiệp có cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật qui định và cam kết mua lại với giá tối thiểu là 90% mức đã bán hay không.

Thông thường, các doanh nghiệp bán hàng thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng, siêu thị. Còn trong hoạt động bán hàng đa cấp, không có các đại lý, cửa hàng, siêu thị mà hàng hóa được các nhà phân phối trực tiếp sử dụng hoặc giới thiệu và bán cho người tiêu dùng.

Hãy xem xét, phương thức đào tạo nhà phân phối của các doanh nghiệp. Nhà phân phối là người giúp doanh nghiệp giới thiệu và bán hàng cho người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cần phải đào tạo kĩ càng cho nhà phân phối của mình để họ hiểu về sản phẩm và có kĩ năng bán hàng tốt. Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính sẽ không quan tâm đầu tư cho sản phẩm. Vì vậy, họ không giới thiệu về sản phẩm mới hay các tính năng ưu việt mà quan trọng nhất là phần giới thiệu về các tấm gương làm giàu nhanh chóng sau khi mới vào công ty được vài tháng…

Tiền hoa hồng lấy từ đâu ra?

Tiền hoa hồng chỉ có thể có khi hàng được bán đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, lúc mà người tiêu dùng bỏ tiền ra để mua sản phẩm tương xứng với đồng tiền của họ. Phân tích cách thức trả thưởng ở trạng thái động và trạng thái tĩnh của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Phân tích cách thức trả thưởng ở trạng thái tĩnh để xác định doanh nghiệp quy định trả hoa hồng cho người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp chủ yếu nhờ việc bán hàng hay chỉ nhờ việc giới thiệu người mới tham gia vào mạng lưới.

Phân tích cách thức trả thưởng trong trạng thái động để tìm hiểu xem người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp sử dụng thời gian vào việc gì? tuyển người hay bán hàng? Nếu người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp dành thời gian chủ yếu vào việc tuyển người thì đó là một dấu hiệu của mô hình kim tự tháp – một kiểu biến tướng của kinh doanh đa cấp.

Bởi vì, hoạt động chính của những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp là bán lẻ hàng hóa, tức là hàng hóa phải là mối quan tâm hàng đầu của những người đã tham gia và thu nhập chính của họ là mức hoa hồng (khoản chênh lệch giữa giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng so với giá họ phải trả cho doanh nghiệp của số lượng hàng mà cá nhân đó và mạng lưới do anh ta tuyển dụng được đã bán cho người tiêu dùng) chứ không phải là hoạt động tìm kiếm người, tuyển người là mối quan tâm hàng đầu của người tham gia, và doanh nghiệp chỉ khuyến khích hoặc đào tạo người tham gia kỹ năng tìm kiếm và tuyển người hay hứa trả thưởng nếu người tham gia giới thiệu hoặc tuyển chọn được người tham gia vào mạng lưới.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính chỉ quan tâm thu hút nhiều người tham gia là được. Khi mới tham gia thì họ sẽ bắt nộp tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng.

Trong chính sách hoa hồng phải nói lên được việc bạn vào sau vẫn có thể có thu nhập cao hơn người vào trước nếu bạn cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Với mô hình hình tháp ảo, lợi nhuận sẽ được tính theo cấp, cấp càng cao, lợi nhuận càng lớn. Những người khởi xướng và phát động hệ thống sẽ nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng những thành viên bên dưới ở đáy tháp. Và vì vậy, những người vào sau thường khó có cơ hội bứt phá để vượt lên người trước, dù doanh số bán hàng có cao.

 

Kinh doanh đa cấp là một trong những phương thức kinh doanh được thừa nhận trên Thế giới bởi khả năng phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do đại bộ phận biến tướng loại hình này khiến người dân mất dần “cảm tình” với cum từ “Kinh doanh đa cấp”, cũng khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần vì đa cấp. Do đó, nên có sự tỉnh táo trước một lời đề nghị kinh doanh đa cấp từ bất cứ ai, đến từ bất cứ tổ chức nào.

 

 

Thùy Linh

Từ khóa: