Sự kiện hot
7 năm trước

Những đóng góp thay đổi thế giới của người vô danh

Cha đẻ của các quy tắc phẫu thuật, người đàn ông cứu hàng triệu trẻ sơ sinh hay nữ tác giả thực sự sau bức ảnh về cấu trúc ADN có những đóng góp thay đổi thế giới nhưng không hề nổi tiếng.

Năm 1951, cậu bé James Harrison, 14 tuổi, phải cắt bỏ một bên phổi. Biết ơn những người xa lạ hiến 13 đơn vị máu trong lúc phẫu thuật, Harrison tâm niệm sau này sẽ hiến máu cứu người. Không lâu sau lần cho máu đầu tiên, Harrison được thông báo trong máu có kháng thể hiếm, có thể là lời giải cho Hội chứng Rhesus. Rhesus xảy ra khi máu thai phụ có yếu tố Rhesus âm, trong khi thai nhi di truyền Rhesus dương từ bố. Hội chứng này khiến hệ miễn dịch người mẹ tạo kháng thể nhắm tới các tế bào hồng cầu của đứa trẻ trong bụng. Trường hợp nặng có thể làm thai nhi tổn thương não hoặc tử vong. Từ những năm 1960, Harrison hợp tác với các bác sĩ nhằm chế loại văcxin có tên là Anti-D, giúp thai phụ có Rhesus âm không sản sinh kháng thể tấn công máu em bé trong thai kỳ. Nhờ đó hơn hai triệu trẻ em được cứu sống. Ở tuổi 80, cụ Harrison vẫn đều đặn hiến máu hầu như mỗi tuần. Năm 2011, ông được trao kỷ lục Guiness cho người hiến máu nhiều nhất thế giới. Ảnh: Sydney Morning Herald

John Bardeen, sinh năm 1908 tại Madison, bang Wisconsin, Mỹ, nổi tiếng thông minh khi còn nhỏ. 15 tuổi, Bardeen được mời học ngành kỹ thuật đại học Wisconsin. Tốt nghiệp, ông trở thành nhà địa vật lý cho một công ty hoá dầu trước khi lấy bằng tiến sĩ vật lý toán học tại đại học Princeton. Năm 1945, trong thời gian làm việc tại Phòng thí nghiệm điện thoại do Alexander Graham Bell thành lập, ông cùng William Shockley và Walter Brattain phát minh transistor (linh kiện bán dẫn). Transistor có thể thay thế ống chân không, góp phần thu nhỏ kích thước các thiết bị điện tử và đóng vai trò quan trọng trong cách mạng máy tính. Phát minh này giúp ba nhà sáng chế nhận giải Nobel Vật lý năm 1956. Sau sáng chế transistor, Bardeen tiếp tục nghiên cứu hiện tượng siêu dẫn, đề tài ông tâm huyết suốt đời. Cùng L.N. Cooper và J.R. Schrieffer, Bardeen phát triển thuyết BCS về siêu dẫn, làm nền tảng cho các công trình khoa học đi sau và bước đệm quan trọng cho sự ra đời của kỹ thuật chụp cắt lớp (CAT scan) và cộng hưởng từ (MRI). Nhờ đóng này, Bardeen nhận giải Nobel Vật lý lần thứ hai năm 1972. Ông là một trong 4 người hai lần thắng giải Nobel và là người duy nhất nhận Nobel vật lý hai lần. Tuy nhiên, tên tuổi Bardeen không được nhiều người bên ngoài giới khoa học biết đến. Ảnh:Toptenz

Olaudah Equiano là một trong những người đầu tiên làm thay đổi quan điểm của thế giới về chế độ nô lệ, theo Toptenz. Năm 11 tuổi, Olaudah Equiano cùng chị gái bịnhững tên buôn bán nô lệ bắt cóc sang châu Mỹ. Trên hành trình tới Tân thế giới, cậu bé lần đầu chứng kiến cảnh tượng nô lệ bị giam cầm trên các con tàu lênh đênh trên Đại Tây Dương. Tới Virgina, Mỹ, Equiano bị bán cho một nhân viên làm việc tại Hải quân Hoàng gia Anh. Suốt thời gian này, ông học chữ và được đặt tên Gustavus Vassa. Sau đó, Equino trở thành nô lệ cho một nhà buôn . Ông học kinh doanh và kiếm đủ tiền tự giải phóng mình sau ba năm. Trong 20 tự do sau này, Equino đi khắp thế giới và hoạt động tích cực trong phong trào bãi nô ở châu Âu. Năm 1798, ông trở thành cựu nô lệ đầu tiên xuất bản hồi ký có tựa “The Interesting Narrative of the Life of Olaudah Equiano or Gustavus Vassa, the African” (Tạm dịch: Hồi ký cuộc đời Olaudah Equiano hay Gustavus Vassa, một người châu Phi). Cuốn hồi ký gây ấn tượng sâu sắc trong xã hội, biến Equino trở thành một nhà hoạt động tên tuổi và có ảnh hưởng lớn trong quá trình vận động thay đổi luật về nô lệ. Thông qua những trang sách, ông đưa ra quan điểm mới về vấn đề nô lệ bằng cái nhìn của một người trong cuộc. Buôn bán nô lệ tại Anh chính thức bị huỷ bỏ năm 1807, 10 năm sau khi Equino qua đời. Ảnh: The Famous People

Joseph Lister được mệnh danh là cha đẻ của phẫu thuật hiện đại. Ông là người đề ra các quy định được thực hiện phổ biến hiện nay, trong đó có yêu cầu các bác sĩ phải rửa tay và tiệt trùng dụng cụ trước khi phẫu thuật. Các thao tác này được Lister thực hiện lần đầu tiên năm 1865, dựa trên học thuyết của Louis Pasteur cho rằng vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng. Dù rất được ngưỡng mộ trong cộng đồng y tế, tên tuổi của vị bác sĩ phát triển các kỹ thuật cứu sống hàng triệu người từ 150 năm trước không được nhiều người biết đến. Ảnh: Toptenz

Henrietta Pleasant là người Mỹ gốc Phi sinh năm 1920 tại bang Virginia, Mỹ. Năm 1951, Henrietta qua đời vì ung thư tại Viện John Hopkins. Trước đó, trong quá trình xạ trị, các bác sĩ lấy mẫu khối u và và phát hiện tế bào của Henrietta có khả năng sống và phân chia bên ngoài cơ thể. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học tại Viện John Hopkins cố gắng phát triển các mô bên ngoài cơ thể song không thành công vì tế bào bình thường sẽ chết sau một số lần phần chia nhất định. Tuy nhiên, tế bào của Henrietta lại “bất tử” bên ngoài cơ thể nếu có điều kiện cần thiết. Các tế bào sau đó được GeorgeOtto Gey nhân lên nhiều lần, đánh dấu lần đầu tiên một tế bào “bất tử” được phát triển. Dòng tế bào được gọi tên là HeLa bắt đầu nổi tiếng trong giới khoa học và trở thành phần không thể thiếu trong nhiều đột phá như vacxin bại liệt, nghiên cứu tế bào trong không gian, thiết lập bản đồ gene người, thụ tinh trong ống nghiệm và nhân bản. Tuy nhiên, gia đình Henrietta không hề biết tế bào của người thân được sử dụng cho tới năm 1970. Họ cố gắng lấy lại quyền kiểm soát các ứng dụng từ dòng tế bào HeLa song không thành. Sau sự việc hệ gene của Henrietta được công khai mà không xin ý kiến của gia đình năm 2013, hai thành viên còn lại trong gia đình cô mới được Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ mời gia nhập nhóm giám sát các ứng dụng tế bào HeLa. Ảnh: The New York Times

Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, là lao động chính trong gia đình 8 người tại Sidi Bouzid, Tusinia, kiếm sống bằng nghề bán rau quả. Ngày 17/12/2010, nữ thanh tra Media Hamdi tịch thu sạp trái cây của Bouazizi vì anh không có giấy phép bán hàng. Hamdi được cho là đã nổi nóng và xúc phạm người cha quá cố của Bouazizi. Bức xúc và tìm tới Toà thị chính nhưng không được giải quyết, Bouazizi tưới xăng lên người rồi châm lửa tự thiêu. Hành động phản đối của Bouazizi được xem là chất xúc tác cho các cuộc biểu tình tại Tusinia, trong bối cảnh tham nhũng và thất nghiệp tăng cao dưới chế độ độc tài của Zine El Abidine Ben Ali. Phong trào này thúc đẩy các cuộc nổi dậy tương tự ở nhiều quốc gia khác, khởi nguồn làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011. Ảnh: Wikipedia

Franklin Rosalind sinh năm 1920 tại Anh. Bà theo học đại học Cambridge, nhận bằng tiến sĩ hoá học khi mới 26 tuổi sau đó nghiên cứu nhiễu xạ tia X, kỹ thuật dùng tia X tạo hình ảnh của các vật thể rắn. Năm 1950, bà bắt đầu làm việc tại Cao đẳng King tại London với nhiệm vụ dùng tia X quan sát ADN. Trong thời gian này Franklin đã đi gần tới câu trả lời cho cấu trúc ADN khiến nhiều nhà khoa học đau đầu suốt nhiều thập kỷ. Năm 1952, Franklin cùng nghiên cứu sinh Raymond Gosling chụp được bức ảnh tia X mang tính bước ngoặt có tên là Photograph 51 về một mảnh ADN. Tuy nhiên, bức ảnh được Maurice Wilkins, một đồng nghiệp của Franklin, gửi cho nhà sinh học James Watson mà không hề thông báo cho bà. Nhờ Photograph 51, Watson cùng nhà sinh vật học phân tử Francis Crick công bố bài viết về cấu trúc xoắn kép của ADN trên Tập san Nature vào tháng 4/1953, song bộ đôi tác giả không đề cập tác giả thực sự. Franklin qua đời năm 1958 vì ung thư tử cung. Năm 1962, Watson, Crick và cả Maurice Wilkins được trao giải Nobel Y học nhờ nghiên cứu cấu trúc ADN trong khi vai trò của Franklin chưa bao giờ được công nhận. Ảnh: PBS

Norman Borlaug sinh năm 1914 tại bang Iowa, Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ bảo vệ thực vật năm 27 tuổi, tới Mexico giúp nông dân cải thiện kỹ thuật và phương pháp trồng trọt. Tại đây, ông phát triển giống lúa mì đặc biệt, phù hợp với các điều kiện ở Mexico, tạo ra đủ sản lượng lúa mì để Mexico tự cung tự cấp. Những năm 1960, Borlaug mang kỹ thuật và giống lúa mì đặc biệt tới Ấn Độ và Pakistan giúp hai quốc gia này cải tạo hệ thống nông nghiệp chống lại nạn đói do dân số bùng nổ. Một thập kỷ sau, ông nhận giải Nobel Hoà bình và tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực nông nghiệp ở các quốc gia kém phát triển. Dù góp phần cứu sống hàng tỷ mạng sống trên thế giới, tên tuổi Borlaug không được nhiều người nhớ đến. Ông qua đời năm 2009 ở tuổi 95 sau nhiều năm hoạt động tích cực trong cuộc Cách mạng xanh. Ảnh: WIkipedia

Dona Marina là tên thánh của La Malinche, cô gái chào đời năm 1501 trong một gia đình quý tộc người Aztec. Sau khi cha qua đời, mẹ Malinche tái hôn và sinh thêm con trai. Lo sợ Malinche đe doạ quyền thừa kế của con trai, người cha dượng ép mẹ Malinche từ bỏ đứa con riêng. Malinche bị bán làm nô lệ của người Maya tại Tabasco. Năm 1519, Hernan Cortes cầm đầu đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha chiến thắng người Maya ở Tabasco và được cống nạp 20 nô lệ trong đó có Malinche. Nhờ khả năng am hiểu cả ngôn ngữ Aztec và Maya, Malinche cùng một linh mục Tây Ban Nha trở thành phiên dịch cho tướng Cortes trong các cuộc đàm phán với nhiều bộ lạc trong việc lôi kéo họ về phía Tây Ban Nha chống Đế chế Aztec. Malinche cũng là trung gian sắp xếp, tổ chức các cuộc đàm phán giữa hoàng đế Aztecs Montezuma và Hernan Cortes. Ban đầu hoàng đế Montezuma cho rằng quân viễn chinh Tây Ban Nha tới với mục đích giúp đỡ người Aztec, nhưng dần nhận ra ý định thực sự của Cortes là muốn đặt chế độ thực dân lên vùng đất Nam Mỹ. Đế chế Aztec bị thu phục sau hai năm do yếu thế về số lượng và vũ khí. Dù bị gán tội phản quốc vì giúp quân Tây Ban Nha chinh phục vùng đất quê hương, Malinche vẫn được người dân kính trọng nhờ công lao cứu hàng nghìn mạng sống qua các cuộc đàm phán hoà bình. Ảnh: TopTenz

Ngày 28/6/1914, Gavrilo Princip, một sinh viên thuộc Bàn Tay Đen, tổ chức giải phóng Bosnia và Herzegovina, khu vực tranh chấp giữa Serbia và đế quốc Áo – Hung, dùng súng bắn chết thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand. Sau vụ ám sát, đế quốc Áo - Hung đổ lỗi cho Serbia đứng sau vụ việc và tuyên chiến với Serbia, châm ngòi cho Thế chiến I bùng nổ. Ảnh: New Statesman

Lan Chi
Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: