Sự kiện hot
7 năm trước

Những người phụ nữ “giữ lửa” cồng chiêng

Hàng ngày họ vẫn lên nương lên rẫy nhưng mỗi khi buôn làng có việc, những người phụ nữ này lại tập trung tại nhà cộng đồng để luyện tập cồng chiêng. Có người tuổi đã thất thập mà vẫn say mê với âm thanh rộn rã của đại ngàn Tây Nguyên.

Mỗi khi buôn làng có việc, những người phụ nữ này lại tập trung tại nhà cộng đồng để luyện tập cồng chiêng
Mỗi khi buôn làng có việc, những người phụ nữ này lại tập trung tại nhà cộng đồng để luyện tập cồng chiêng

Đắk Nông đang vào mùa thu hoạch, dọc khắp các ngả đường, những trái cà phê đỏ rực nằm chen trong những tàu lá bóng mỡ màng. Mùa mưa sắp kết thúc, mùa khô chưa kịp tới nên cây cối ở đây vẫn xanh tươi mơn mởn. Những bông hoa dã quỳ cũng tranh thủ ánh nắng ấm áp cuối mùa mưa, nở rực rỡ một góc trời.

Đã lâu lắm rồi, trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió này không còn ngân vang tiếng cồng, tiếng chiêng. Người trẻ thì mải mê với công việc, thích thú với những bài hát thị trường mà quên đi âm thanh của M’Buốt, R’Lét, cồng chiêng…Còn những người già, hàng ngày vẫn đau đáu với văn hóa dân tộc, chỉ biết ngồi nhìn những bộ cồng chiêng treo trên tường, bám đầy mạng nhện.

Nhưng cũng chính trên mảnh đất Đắk Nông này, chính trong thời điểm di sản văn hóa trước nguy cơ mai một, vẫn còn những người phụ nữ nặng lòng với “tinh hoa dân tộc”, ngày đêm “giữ lửa” cồng chiêng.

Cô gái Tày mê cồng chiêng Mơ Nông

Cuối tháng 10, chúng tôicó dịp gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hà (SN 1980), một nghệ nhân đánh cồng chiêng. Chị vốn người dân tộc Tày, quê gốc ở Lục Ngạn, Bắc Giang, theo chân bố mẹ vào buôn Bu NDRung, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức này lập nghiệp từ đầu những năm 90, đến nay cũng gần 20 năm.

Vừa gặp chúng tôi, chị đã đon đả mời vào nhà nói chuyện, căn nhà chưa đầy 40 m2 được treo kín giấy khen, giấy chứng nhận của cả hai vợ chồng. Rót chén chè nóng mời khách, rồi không đợi hỏi, chị giới thiệu ngay cho chúng tôi biết những tấm giấy khen đó có được sau những lần chị cùng dân làng đi biểu diễn văn nghệ trên huyện, trên tỉnh.

Không ai ngờ rằng, người phụ nữ dáng vẻ chất phác, có phần lam lũ ấy lại có “máu” văn nghệ đến vậy. Càng không ngờ, người phụ nữ Tày này lại phải lòng cồng chiêng, thứ nhạc cụ đặc trưng của núi rừng Đắk Nông.

Trước nguy cơ mai một, vẫn còn những người phụ nữ nặng lòng với “tinh hoa dân tộc”, ngày đêm “giữ lửa” cồng chiêng
Trước nguy cơ mai một, vẫn còn những người phụ nữ nặng lòng với “tinh hoa dân tộc”, ngày đêm “giữ lửa” cồng chiêng

Chị kể, sống cùng với đồng bào Mơ Nông nên thường xuyên tiếp xúc với các buổi sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa. Rồi không biết từ khi nào, chị yêu thích cồng chiêng, yêu thích âm thanh trầm bổng của thứ nhạc cụ này. Cùng ăn cùng ở với người đồng bào, học được tiếng đồng bào, rồi từ đó mà chị biết được cách đánh cồng chiêng.

“Người Tày không có cồng chiêng, nên khi vào đây, thấy người dân tổ chức lễ hội thường mang ra đánh nên tôi thích lắm. Tôi nhờ mấy người cao tuổi gần nhà dạy cho, lúc đầu tưởng đơn giản nhưng cũng phải mất mấy năm mới thành thạo được. Bây giờ thì tôi phụ trách chiêng mẹ trong đội cồng chiêng của buôn.”, chị Hà tự hào nói.

Người mẹ ba con nhấp giọng rồi nhớ lại, thời đó phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương phát triển mạnh mẽ, chị cũng “khí thế hừng hực”, bỏ công bỏ sức để đi tập đánh cồng chiêng. Có những hôm, chị mang cả đứa con gái đang còn bế ẵm ra nhà cộng đồng để luyện tập.

Chị bảo, khi còn công tác bên hội phụ nữ, thì đánh cồng chiêng vừa là niềm yêu thích, vừa là đòi hỏi của công việc, vì chị nghĩ: “Mình muốn tuyên truyền cho chị em thì mình phải biết được tiếng nói, văn hóa của họ. Mình phải làm gương trước thì mới tuyên truyền được.”

Thấm thoắt cũng hơn chục năm, chị nhận ra rằng, cồng chiêng như ăn sâu vào con người chị. Chính thứ âm thanh của đại ngàn ấy khiến chị hăng hái, nhiệt tình tập luyện mỗi khi buôn làng có hội.

Bà lão 40 năm giữ nhịp cồng chiêng

Là một trong những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa của dân tộc, bà H’Mớt (SN 1956) được dân làng buôn N’Riêng, xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa gọi là bằng cái tên đầy trân trọng: Cô giáo H’Mớt. Không phải do được đào tạo qua một trường lớp sư phạm, đơn giản là bởi bà từng có nhiều năm trực tiếp dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong buôn, trong xã.

Với hy vọng tiếp bước cha ông, nhiều đội cồng chiêng trẻ được thành lập để ngân vang mãi âm thanh đại ngàn
Với hy vọng tiếp bước cha ông, nhiều đội cồng chiêng trẻ được thành lập để ngân vang mãi âm thanh đại ngàn

Chúng tôi gặp bà trong một chiều mưa nặng hạt. Con đường dất dẫn vào ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng bà H’Mớt ướt nhẹp sình lầy. Hôm nay mấy đứa con của ông bà đi học hết, chỉ còn hai vợ chồng già ngồi dệt thổ cẩm.

Dưới cơn mưa rào, bà kể cho chúng tôi nghe về những chuyến biểu diễn cồng chiêng từ Nam ra Bắc, những ngày tháng bà đứng lớp chỉ dạy cho mấy đứa nhỏ trong buôn, và cả niềm vinh dự: “Mấy tháng trước được ra Hà Nội biểu diễn”.

Bà lão nhớ lại, hồi xưa bố mẹ không biết đánh cồng chiêng nên bà phải nhờ những người lớn tuổi trong buôn chỉ cho, “học cái này khó hiểu lắm, phải nghe nhiều mới đánh được” nên phải đến năm 20 tuổi, bà mới thành thạo hết các bài chiêng.

Đến khi thành thạo, bà được gọi vào đội văn nghệ của buôn. Cứ mỗi lần cúng lúa mới, đốt rẫy hay đám cưới… đội văn nghệ lại tập trung để biểu diễn, trong lòng bà lại phơi phới, vui mừng.

Bây giờ, khi sức đã yếu, cầm cồng chiêng không được lâu, tay không đủ lực để đánh, bà H’Mớt chuyển sang dạy cho lớp trẻ trong buôn. Những lớp học đánh cồng chiêng được tổ chức chỉ trong 10 ngày, nhưng bà cùng nhiều nghệ nhân khác thấy phấn khởi lắm. Thế nên dù trời mưa gió thì bà vẫn lặn lội đến nhà cộng đồng để chỉ bảo cho mấy đứa nhỏ.

Hơn 40 năm biết đánh cồng chiêng, người nghệ nhân già này cũng không nhớ nổi mình đã biểu diễn bao nhiêu lần, biết được bao nhiêubài chiêng, truyền dạy cho bao nhiêu đứa nhỏ. Bà chỉ nói rằng: “Nhiều lắm, nhưng già rồi không nhớ được”. Bà bảo bây giờ nhắc đến cồng chiêng, nhắc đến lễ hội trong đầu bà vẫn vang vang giai điệu của những bài Chiêng Ngăn, Tuk lêng, Pêp kon jun, Te Tét…

Tuy nhiên, say mê, nhiệt huyết là thế nhưng cả bà H’Mớt, chị Hà đều mang trong mình nỗi lo trước nguy cơ mai một của loại hình văn hóa truyền thống. Hiện nay trong mỗi buôn làng, những người biết đánh cồng chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi 11 đứa con của bà H’Mớt, 3 đứa con của chị Hà hay nhiều đứa trẻ khác, chúng chẳng còn mặn mà với những giá trị truyền thống của dân tộc.

Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông có nhiều nỗ lực nhằm giữ gìn những giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Theo ông Lưu Hồng Vân, Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao huyện Đắk G’Long, hiện nay địa phương vẫn đang triển khai việc dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát kể sử thi tại trường dân tội nội trú cho các em là người đồng bào Mơ Nông, Mạ, Ê Đê...giúp các em có ý thức về văn hóa dân tộc.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Văn hóa Thể Thao thị xã Gia Nghĩa Đặng Thị Hồng Liên, địa phương đang có đề án kết hợp hoạt động văn hóa cồng chiêng với hoạt động du lịch để bảo vệ, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào bản địa. Chính vì vậy, thị xã Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông sẽ có chính sách hỗ trợ để những “báu vật sống” này yên tâmtruyền dạy cho thế hệ trẻ cũng như cống hiến cho văn hóa tỉnh nhà.

“Trước mắt thì địa phương sẽ hỗ trợ mỗi nghệ nhân từ 1 đến 1,5 triệu đồng/1 tháng cho đến khi đề án phát huy hiệu quả, người dân thu được lợi nhuận từ hoạt động văn hóa du lịch kết hợp”, bà Liên cho hay.

Theo Dân trí

Từ khóa: