Sự kiện hot
6 năm trước

Nợ xấu, không phát hành được cổ phiếu, Địa ốc Đà Lạt chuyển sang vay cổ đông 35,5 tỷ đồng

Trong 3 tháng gần đây, DLR liên tục thể hiện thanh khoản èo uột. Từ một cố phiếu được săn tìm với mức giá 42.000 đồng/cp, giờ đây nhà đầu tư chỉ thấy một cổ phiếu giá trị bằng một ly trà đá.

Ảnh: baodautu.vn

Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Mã: DLR) thông báo về việc huy động vốn thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và nguồn vốn thực hiện giai đoạn I của Dự án Khu dân cư Đồi An Tôn.

Theo đó, Địa ốc Đà Lạt đang rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán các khoản nợ xấu đã tồn đọng từ năm 2012 đến nay. Trong đó, nợ vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Lâm Đồng lên tới 34 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ vay. Khoản nợ này chủ yếu xuất phát từ việc vay để xây dựng Dự án Chung cư Yersin.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc, là công ty con của DLR cũng đang nợ ngân hàng này hơn 2 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của DLR. Đơn vị: Tỷ đồng. (Nguồn: Nhật Huyền tổng hợp)

Đáng chú ý, Hội đồng Quản trị cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của nguyên Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Đà Lạt là ông Ngô Phước và ông Phạm Bằng Doàn, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc.

Được biết, khi còn đương nhiệm, ông Ngô Phước đã tiến hành triệu tập họp Hội đồng Quản trị về việc phát hành tăng vốn lên 75 tỷ đồng nhưng không được Chủ tịch chấp thuận.

Chỉ 6 tháng sau, ngày 7/11/2016, Bà Lê Thị Kim Chính – Thành viên HĐQT được bầu bổ nhiệm thay vị trí của ông Phước và vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty được trao cho ông Võ Thuận Hòa (người đã khởi kiện ông Phước về hành vi có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, gây thất thoát tài sản công ty qua Dự án chuyển nhượng mỏ đá Gần Reo).

Ngay sau khi kế nhiệm, HĐQT đã triển khai kế hoạch chào bán 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Tổng giá trị chào bán lên đến 30 tỷ đồng và chỉ ưu tiên cho cổ đông hiện hữu đăng ký mua.

Cho đến nay, phương án tăng vốn vẫn chưa thực hiện được do một số cổ đông gửi văn bản kiến nghị tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm cản trở kế hoạch này. Chính vì vậy, DLR bắt buộc phải thực hiện huy động nguồn vốn vay từ các cổ đông, Thành viên HĐQT và các tổ chức, cá nhân nhằm giải quyết các khoản nợ vay hiện tại và duy trì hoạt động kinh doanh.

Dự kiến, giá trị DLR phải vay là 35 tỷ đồng trong 3 tháng, mức lãi suất được đưa ra là 9%/năm. Tài sản thế chấp chính là quyền sở hữu nhà và đất của công ty hiện đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Lâm Đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu DLR kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDIRECT)

Nhật Huyền
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: