Sự kiện hot
6 năm trước

Nỗi lòng cô giáo dạy trẻ khiếm thị: 'Mong muốn tất cả các trẻ khiếm thị đều được đến trường đúng độ tuổi'

Với các cô giáo dạy trẻ khiếm thị, quà tặng lớn nhất nhân ngày 20/11 chính là việc các em ngày càng bắt nhịp nhanh hơn và hòa nhập tốt hơn với bạn bè để vươn lên trong học tập.

Dạy trẻ cần cả tình yêu thương

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên lớp 4A5 Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Là một giáo viên đã gắn bó 10 năm với mái trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A5 chia sẻ: "Cảm giác ban đầu trong tôi khi mới chuyển về đây công tác và thấy nhiều em học sinh khiếm thị quờ quạng đi thì thấy rất thương và xúc động. Có nhiều em từ khi sinh ra đã bị tật nhưng cũng có em bị khuyết tật mãi về sau khi không may bị tai nạn hoặc lý do tương tự nào đó. Các em được bố mẹ gửi gắm đến ngôi trường này học tập và sinh hoạt nội trú cũng là do sự tin tưởng và chất lượng đào tạo.

Về phương pháp giảng dạy, do tới 3/4 số học sinh của trường đều ở nội trú tại trường, xa gia đình từ lúc còn nhỏ nên các em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường tập thể. Tâm lý của các em đầu tiên bao giờ cũng có tâm lý của người khuyết tật, muốn bỏ mặc mọi thứ và không vươn lên. Vì thế, các cô phải gần gũi, sát xao để nắm bắt tâm lý, động viên các em. Sử dụng biện pháp nêu gương bằng những anh chị học sinh lớn của trường đã thành đạt, trở thành người nổi tiếng và có công việc tốt để khích lệ các em. Qua đó để các em hiểu rằng, tuy mình 'có tàn nhưng không có phế', giúp các em nhận thức tích cực hơn trong học tập".

Cô Hồng Hạnh cũng tâm sự, để dạy một học sinh thường đã khó nhưng để dạy một em học sinh khiếm thị hoặc khuyết tật thì vô cùng vất vả. Một học sinh khiếm thị khi giảng dạy hoặc chấm bài có lẽ phải bằng 10 học sinh thường.

Vốn thiệt thòi từ nhỏ do bị khiếm thị nên để dạy các em, các cô giáo cần phải dùng cả tình yêu thương của mình và phương pháp đặc biệt. Ảnh: Đình Tuệ.

"Đầu tiên, các cô phải thông thạo về chữ nổi, sau đó thường xuyên chấm chữa bài, giảng bài bởi khi các em viết bài, đọc bài hay vẽ hình sẽ rất khó khăn so với các em học sinh mắt sáng. Cô giáo phải hiểu được tâm tư, phương pháp đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị để giúp đỡ các em. Cố gắng ngày nào cô cũng chấm vở của các em để động viên, chia sẻ và hướng dẫn tỉ mỉ.

Ví dụ, tôi dạy ở khối 4, 5 khi dạy đến môn Toán, trong bảng nhân chia nếu học sinh sáng mắt sẽ hướng dẫn rất dễ. Tuy nhiên, với các em học sinh khiếm thị lại là cả một vấn đề. Khi đó, các em sẽ viết vào bảng thì không dễ dàng để mà nháp, các em cần một cái bảng nháp riêng. Các cô cũng cần dạy trẻ khiếm thị kỹ năng sử dụng bàn tính để học sinh tự tin và cố gắng vươn lên.

Riêng về phần Văn, học sinh lướp 4, 5 bị khiếm thị thì không thể nhìn được nên phần văn miêu tả sẽ rất hạn chế. Các cô sẽ phải hướng dẫn các em bằng tình cảm, bằng các giác quan còn lại để các em cảm nhận được thiên nhiên xung quanh cũng như con người. Học sinh khiếm thị có thể sờ, ngửi hoặc cảm nhận... làn gió mơn man qua làn da của mình để có thể tả cảnh. Hầu như tất cả những gì các cô gợi mở cho các em sẽ là màu sắc, ánh sáng - những thứ mà các em học sinh khiếm thị thiệt thòi không nhìn thấy được". cô Hồng Hạnh bộc bạch.

Một tiết dạy học tại lớp 4A5 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Cũng là một người mẹ có con nhỏ và là một nhà giáo, cô Hồng Hạnh có mong muốn, sẽ giảm bớt được số lượng học sinh khiếm thị. Đặc biệt là các bà mẹ khi mang thai cần đặc biệt chú ý để làm sao hạn chế trẻ em sinh ra bị thiệt thòi. Bởi phần lớn các em bị thiệt thòi là do lúc các bà mẹ mang thai không cẩn thận có thể do ốm, tiêm thuốc, sinh non... Số trẻ khuyết tật do bị tai nạn chỉ chiếm tỉ lệ ít.

"Chúng tôi không ngại vất vả khi dạy học sinh khiếm thị, nhưng thực sự nhìn các em thấy rất thương. Mong muốn tất cả các trẻ khiếm thị đều được đến trường đúng độ tuổi. Cách đây khoảng 5 - 7 năm, vẫn có nhiều trường hợp trẻ khuyết tật bị bố mẹ bỏ mặc mà không cho đến trường học. Sau đó phải được vận động, động viên từ nhiều phía họ mới chịu cho trẻ đến trường", cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh trải lòng.

Ngoài ra, theo cô Hồng Hạnh, ở trường vẫn có tỉ lệ ít học sinh bị tử kỷ, khuyết tật trí tuệ hoặc tăng động đang theo học. Các cô giáo thường xuyên phải nâng cao khả năng chuyên môn của mình thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường được tổ chức hàng tuần, hàng tháng và theo chủ đề.

"Làm việc tại ngôi trường đặc biệt này, với chúng tôi, món quà lớn nhất nhân ngày 20/11 chính là mỗi ngày thấy các em học sinh nói chung và học sinh khiếm thị nói riêng ngày càng bắt nhịp nhanh hơn, hòa đồng với bạn bè hơn để vươn lên trong học tập cũng khiến các thầy cô hạnh phúc lắm rồi", cô Hạnh xúc động chia sẻ.

Làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp

Cô giáo Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Cô giáo Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với những em học sinh khiếm thị nhà ở xa trường từ 30 - 60 km, chúng tôi khuyến khích các em về thăm nhà mỗi tuần một lần. Vừa để các em có thể dụng phương tiện giao thông công cộng đi lại cho thành thạo, vừa để các em có sự giao lưu, gần gũi với địa phương và người thân. Còn những em ở quá xa như Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa... thì các em thường một tháng về một lần. Các bậc cha mẹ cũng hay tới trường thăm con nhưng chỉ là với các em học sinh lớp bé. Khi các em đã lên lớp lớn hơn thì bố mẹ cũng yên tâm hơn.

Về công tác hướng nghiệp dạy nghề của nhà trường, đội ngũ các thầy cô và BGH nhà trường luôn phối hợp cùng phụ huynh sẽ định hướng giúp các em ngay từ đầu. Giả sử các em có năng khiếu về âm nhạc, nhà trường sẽ tổ chức các CLB âm nhạc. Hiện nay nhà trường đang có 22 lớp nhạc dành cho các em khiếm thị, kinh phí do một tổ chức phi chính phủ tài trợ cộng với ngân sách Nhà nước. Với lớp nhạc này, giáo viên sẽ tư vấn để các em học sinh có định hướng rõ ràng. Hiện nay trường có khoảng 50 em đang học và đã tốt nghiệp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2017, trường có 3 học sinh đỗ vào học viện Khoa Nhạc dân tộc".

Ngoài ra, cũng còn một số định hướng nghề nghiệp khác phù hợp với người khiếm thị như xoa bóp bấm huyệt, Công nghệ thông tin... Nhà trường cũng đang tiếp cận và định hướng các em vào ngành Công tác xã hội cho người khiếm thị. Hiện nay, nghề công tác xã hội cho người khiếm thị mới bắt đầu xuất hiện ở Trường ĐH Công đoàn, ĐH Lao động xã hội. Tuy nhiên trước đó nhiều năm, trường đã định hướng cho học sinh và làm công tác hội.

Tới thời điểm này, nhà trường có khoảng 20 em cựu học sinh đang công tác tại các quận/huyện hội người mù, tỉnh/thành hội người mù và giữ cương vị khá cao như Chủ tịch hay Phó Chủ tịch hội. Điều này cho thấy, những định hướng của nhà trường rất đúng đắn. Đây cũng là tình yêu nghề và sự yêu thương học sinh khiếm thị để giúp các em có được một công việc tương lai phù hợp như vậy.

Đình Tuệ
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: