Sự kiện hot
6 năm trước

Nữ cử nhân bén duyên với thảo dược nhờ cây cà gai leo

Tốt nghiệp Đại học Thương mại, Đoàn Thị Thùy Nhung từng làm vài công việc trước khi phát hiện tiềm năng khai thác cà gai leo ở tỉnh Hòa Bình và quyết định sản xuất sản phẩm thảo dược.

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị của Đại học Thương Mại ở Hà Nội, Đoàn Thị Thùy Nhung từng làm thuê cho một số công ty và tự doanh.

"Giống như nhiều bạn trẻ năng động, tôi từng làm về vận tải, tư vấn sức khỏe, bán hàng ở vỉa hè rồi bán trực tuyến. Mặc dù vậy, hồi ấy tôi chưa xác định một con đường sự nghiệp lâu dài", Nhung thổ lộ.

Chị Đoàn Thị Thùy Nhung (bên trái, quàng khăn) cùng người đồng sáng lập công ty Thảo Mộc Trường Sinh để tinh chế và phân phối sản phẩm thảo dược. Ảnh: Xuân Mến

Thế rồi Nhung tham gia Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp, nơi cô gặp gỡ, học hỏi từ nhiều doanh nhân dày dạn kinh nghiệm. Do đó có quyết tâm trở thành doanh nhân.

Sự cản trở từ cha, mẹ là thử thách đầu tiên Nhung phải đối mặt khi quyết định khởi nghiệp. Giống như nhiều phụ huynh thời nay, cha và mẹ Nhung cũng muốn con gái có một công việc ổn định, không quá vất vả. Họ lo ngại con gái sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, trở thành "kẻ lông bông" nếu tự kinh doanh.

"Phụ huynh cản trở con khởi nghiệp vì họ thương con, muốn con có cuộc sống ổn định. Sự cản trở của gia đình là điều bất lợi đối với người khởi nghiệp. Nhưng may mắn thay, sau một thời gian, tôi đã thuyết phục được cha, mẹ để họ ủng hộ tôi trong quá trình khởi nghiệp", Nhung kể.

Ban đầu Nhung muốn mở một nhà hàng cơm chay vì chị nghĩ thực phẩm chay tốt cho sức khỏe. Nhưng sau khi được các doanh nhân trong Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tư vấn, chị quyết định từ bỏ ý tưởng đó vì nó không khả thi.

Vào năm 2014, cha và mẹ Nhung nảy ra ý tưởng thuê đất để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như ớt, chanh đào. Nhưng tìm một mảnh đất phù hợp là việc rất khó đối với họ. Rồi vận may mỉm cười khi họ phát hiện một vùng đất ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi tới mảnh đất để quan sát, họ thấy cây cà gai leo mọc rất mạnh ở đó.

"Lúc đó tôi chợt nghĩ: Tại sao mình không phát triển vùng dược liệu trên mảnh đất này?. Cha, mẹ tôi cũng thích ý tưởng đó", Nhung kể.

Mấy năm gần đây, người dân chuộng cà gai leo vì công dụng tuyệt vời của nó đối với sức khỏe, đặt biệt là tác dụng bảo vệ gan, hạ men gan, hỗ trợ điều trị viêm gan virus, xơ gan, giải độc bia rượu không thua kém thuốc tân dược.

Giấy xác nhận về mức độ an toàn của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Thảo Mộc Trường Sinh. Ảnh: Thảo Mộc Trường Sinh

Giá cà gai leo khá cao vào thời điểm gia đình Nhung bắt đầu trồng. Nhưng khi họ thu hoạch, giá giảm mạnh. Theo quy luật, khi giá giảm liên tục, nhu cầu của người mua cũng giảm vì nguồn cung thừa. Tình trạng không thể bán hàng khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng tinh thần vì họ đã đầu tư toàn bộ vốn vào việc trồng cà gai leo.

"Giữa lúc nguy nan, tôi nhận ra rằng tôi không thể đặt hy vọng vào nguyên liệu thô, mà phải tinh chế sản phẩm tiện lợi, có giá trị gia tăng từ nguyên liệu", Nhung nói.

Quyết định tinh chế sản phẩm có ích cho cuộc sống, nhưng vì không có vốn nên gia đình Nhung nấu cao cà gai leo bằng phương pháp thủ công.

"Quy trình nấu cao cà gai leo cũng giống như nấu thuốc bắc. Chúng tôi phải đun trong nhiều giờ rồi cô đặc để nước bốc hơi", Nhung giải thích.

Với những mẻ cao đầu tiên, Nhung bán sản phẩm cho người thân, bạn bè, người quen. Mọi người đều hài lòng khi sử dụng sản phẩm.

Phản hồi tích cực từ người sử dụng thôi thúc Nhung mở rộng quy mô sản xuất để đưa sản phẩm tới nhiều người hơn. Nhưng phương pháp thủ công cản trở kế hoạch mở rộng quy mô vì chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng cũng rất thấp.

Để mở rộng quy mô sản xuất, Nhung quyết định thành lập công ty Thảo Mộc Trường Sinh, đồng thời thuê một cơ sở tinh chế có máy móc hiện đại ở huyện Thanh Trì, Hà Nội chế biến sản phẩm.

Nhờ thiết bị hiện đại, Nhung tìm ra cách tách oxalat - một hợp chất gây kết tủa trong cà gai leo.

"Thông thường các thầy thuốc khuyên người dân dùng cà gai leo trong vài tháng rồi ngừng để tránh nguy cơ sỏi thận. Nhưng vì tôi đã tách được oxalat ra khỏi sản phẩm nên khách hàng có thể dùng lâu dài. Hiện nay Bộ Y tế đã cấp giấy phép cho cao cà gai leo của chúng tôi", Nhung khẳng định.

Cao cà gai leo của Thảo Mộc Trường Sinh. Ảnh: Thảo Mộc Trường Sinh

Tầm nhìn lâu dài của Nhung là hoàn thiện chuỗi cung ứng dược liệu. Theo chị, thị trường dược liệu ở Việt Nam rất tiềm năng vì hàng năm Bộ Y tế phải nhập khẩu lượng dược liệu khá lớn. Nguồn dược liệu ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất thuốc đông y.

Để có thể hoàn thiện quy trình trồng dược liệu - sản xuất - cung ứng, chị Nhung chủ trương thuê đối tác thực hiện những khâu mà công ty chưa có, chẳng hạn như tinh chế sản phẩm. Ngoài ra, Thảo Mộc Trường Sinh chỉ phân phối sản phẩm cho các đại lý, chứ không bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Vì thế, bộ máy của công ty rất gọn, chỉ gồm Nhung và người đồng sáng lập.

Theo Nhung, khó khăn phổ biến của các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay là năng lực hạn chế, thiếu kỹ năng. Vì thế, doanh nhân trẻ phải học hỏi mọi lúc, mọi nơi và học hỏi từ mọi người.

Khó khăn, trở ngại, theo Nhung, là điều tất yếu đối với mọi doanh nhân trên con đường khởi nghiệp.

"Nhưng khi vượt qua những khó khăn, tình yêu đối với công việc của tôi lại lớn hơn. Khó khăn cũng giúp tôi nâng cao năng lực bản thân", chị khẳng định.

Sự thiếu kiến thức, kỹ năng không phải là trở ngại lớn nếu doanh nhân thực sự cầu thị, theo Nhung.

"Chẳng hạn, tôi học trường Đại học Thương mại nhưng lại kinh doanh sản phẩm thảo dược. Vì không có kiến thức nền tảng về y, dược nên tôi chịu khó tham vấn, học hỏi từ những người có chuyên môn, biến kiến thức của người khác thành kiến thức của bản thân", Nhung nói.

Nhạc Dương
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: