Sự kiện hot
10 năm trước

Phim “Tèo em”: “Chết” bởi câu đùa vô ý!

Sau khi trình làng (20/12/2013), “Tèo em” liên tiếp “vấp” phải những luồng ý kiến của dư luận như: phim không được hấp dẫn như Trailer, phim siêu lố, thô và nhạt… Chưa kịp hoàn hồn, sóng gió lại tưng bừng vì chuyện bộ phim này “xúc phạm” đến cộng đồng người đồng giới.

Dậy sóng vì một… câu thoại

“Tèo Em” của Charlie Nguyễn là một bộ phim theo mô-tuýp hài hành trình. Kịch bản “đần độn hóa” nhân vật một cách thái quá khiến nhân vật của Thái Hòa là tiếng cười chính của phim. Thái Hòa luôn luôn phải diễn vẻ “ngu đần” từ đầu cho đến cuối phim… Chỉ sau 8 ngày công chiếu, bộ phim “Tèo Em” đã thu về doanh thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cười với những gì mà “Tèo Em” đã mang lại. Nhân vật này chọc cười khán giả bằng những pha hành động hậu đậu, phát ngôn ngô nghê và khoe… chỗ kín của cơ thể! Trong đó, yếu tố đồng tính và chuyển giới đã “vô tình” được bộ phim đề cập tới. Cụ thể trong phim có đoạn hai anh em Tèo em đi mua xăng, nhân vật Tèo em đã dùng hình tượng là “chó pê đê” và “chó ô môi” trong câu nói: “Nếu là chó pê đê sẽ đi kiểu gì, sủa ra sao? Chó ô môi sẽ đi ra sao, sủa như thế nào? Chó pê đê thì ẻo lả, con chó ô môi thì cục cằn và thô lỗ hơn…”.

Câu thoại “vô ý” này khiến cộng đồng giới tính thứ 3 “dậy sóng”. Nhiều người xem cho rằng nó phản ánh định kiến lâu dài của xã hội đối với người đồng tính, tức là người đồng tính cư xử dị hợm chứ không bình thường như những người khác. Họ cho rằng việc đạo diễn sử dụng từ “pê đê” và những câu thoại như trên là một sự sỉ nhục đối với người đồng tính.

Đặc biệt, rất nhiều báo đã đưa đoạn chia sẻ bức xúc của một đồng tính nữ có nick name Julian Tang (tên thật là Ái Linh) về bộ phim trên trang cá nhân, đại ý thể hiện sự khó chịu khi ê kip sản xuất cũng như diễn viên, đạo diễn của bộ phim sử dụng một số từ ngữ không tốt đẹp tạo thêm định kiến và sự miệt thị đối với  cộng đồng giới tính thứ 3.

Lời chia sẻ lập tức nhận được nhận được sự phản hồi của nhiều độc giả thuộc cộng đồng này. Có những bạn là đồng tính chỉ nói ngắn gọn trên trang cá nhân: “Tôi cảm thấy mình ngu vì bỏ tiền và thời gian cho một bộ phim chửi mình từ đầu đến cuối”. Đồng thời, cộng đồng này cũng lên tiếng kêu gọi người trong giới tẩy chay bộ phim "Tèo em"; thậm chí còn yêu cầu đạo diễn, diễn viên, kịch bản và nhà sản xuất lên tiếng xin lỗi.

Ngay sau thông tin chia sẻ trên trang mạng xã hội, nam diễn viên chính trong bộ phim Tèo em - Thái Hòa và đạo diễn Charlie Nguyễn đã lên tiếng xin lỗi Julian Tang cũng như cộng đồng người đồng tính và giải thích đó chỉ là một sơ suất ngoài ý muốn.

Hay nhưng… dễ chết!

Những năm gần đây, truyền thông cũng mạnh dạn đề cập đến chủ đề giới tính và tình dục hơn. Bộ phim “Chơi vơi” (2009) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Bi, Đừng sợ!” (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di đã đem về cho Việt Nam những giải thường lớn tại các liên hoan phim quan trọng nhất trên thế giới. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã thành công khi đem “Hot boy nổi loạn” (2011) đến với công chúng trong và ngoài nước. Gần đây, các nhân vật đồng tính nam người Việt và nước ngoài cũng được đạo diễn Hàm Trần phác họa trong “Âm mưu giày mũi nhọn” (2013), một trong những bộ phim được thực hiện với quy mô lớn và trình chiếu rộng rãi trong nước. Cũng có thể tính đến cả “Tèo em” (12/2013) của Charlie Nguyễn “sốt sình sịch” mới đây, bộ phim gần như có sự “động chạm” nhẹ mà gây ra “tiếng vang” lớn đối với đề tài này.

Trước nay, nhiều người vẫn luôn băn khoăn: Điện ảnh phác họa người giới tính thứ 3 như thế nào? Liệu đó là lợi dụng, kỳ thị, hay bảo vệ quyền của hoặc khuyến khích nâng cao ý thức về bình đẳng giới? Những bộ phim đó đem lại thông điệp gì về giới tính thứ 3? Và người xem có thể làm gì để chống kỳ thị người trong giới này?

Dù đã có một số tiến bộ nhất định trong vài năm gần đây nhưng cách người ta miêu tả người đồng tính trên phim ảnh vẫn chỉ là những người cư xử kỳ cục để gây cười cho khán giả, hoặc sống và chết trong đau khổ. Dù vô tình hay cố ý, cách khắc họa như thế sẽ củng cố các định kiến sai lạc. Xã hội Việt Nam hiện nay, sự kì thị những người giới tính thứ 3 không còn gay gắt nhưng sự hiểu biết về cộng đồng này vẫn còn rất hạn chế. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa đồng tính và chuyển giới. Nhiều người vẫn giữ định kiến về cách cư xử và đặc tính của người đồng tính. “Tèo em” là một ví dụ về sự thiếu hiểu biết của biên kịch cũng như đạo diễn về cộng đồng này.

Chính điều này đã gây ra cho “Tèo Em” sai sót trong việc sử dụng từ ngữ và cách so sánh. Và, sau “rắc rối ngớ ngẩn” mà “Tèo em” vô tình vướng phải, các nhà làm phim Việt Nam cần rút ra bài học nghề nghiệp: Số đông khán giả Việt Nam không còn tâm niệm đơn giản tới rạp xem hài là để được cù cho cười thỏa thích!

An Khánh
theo GĐ&XH

Từ khóa: