Sự kiện hot
6 năm trước

Phim của Ngô Thanh Vân bị quay lén trong rạp, thiệt hại hơn 300 triệu: Ai là người chịu lỗ?

Phía nhà sản xuất lẫn đơn vị phát hành đã ước tính con số thất thoát khi phim “Cô Ba Sài Gòn” bị quay lén trong rạp ở mức hơn 300 triệu đồng.

Người quay lén phim bị bắt, có thể chịu phạt tối đa 3 năm tù và 1 tỷ đồng

Chiều hôm nay (13/10), một trang mạng xã hội bất ngờ quay lén, livestream bộ phim Cô Ba Sài Gòn ngay trong rạp. Ngay lập tức, đoạn clip này thu hút hơn 5.000 lượt xem trong thời gian chưa đầy 30 phút. Mặc dù ê-kíp sản xuất đã có những biện pháp xử lý kịp thời nhưng không tránh khỏi sự thiệt hại của nó.

Ngay khi sự việc diễn ra, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã không thể giữ được bình tĩnh và bình luận ngay trong đoạn clip: “Em làm vậy là em đang giết phim Việt đó!”. Không những thế, cô tiếp tục chia sẻ những cảm xúc bất bình với tình trạng quay lén phim điện ảnh trong rạp thời gian gần đây. Cô không ngừng bày tỏ sự thất vọng về ý thức của những người trẻ xem phim ngày nay. Thậm chí, chính cô cũng buồn bã cho thành quả lao động của ê-kíp và cho rằng: “Có lẽ đây sẽ là phim cuối cùng tôi sản xuất!!!”

Phim "Cô Ba Sài Gòn" bị quay lén trong rạp và tung lên mạng xã hội khi chỉ vừa phát hành 3 ngày. (Ảnh: chụp màn hình)

Trên fanpage, Ngô Thanh Vân cảm thấy bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy! Mọi hãy giúp report trang P+ để những người giết phim Việt như thế này biến mất trên cõi đời”.

Về đoạn quay lén phim Cô Ba Sài Gòn, rất đông khán giả bức xúc cho rằng đây là hành vi phạm tội, cần được xử lý nghiêm khắc. Nhiều ý kiến cho rằng hiện tại vé xem phim bây giờ chỉ dao động trên dưới 45.000 - 60.000 đồng và có tầm giá bằng một ly trà sữa, vậy tại sao phải livestream quay lén?

Bên cạnh đó, việc quay lén đồng nghĩa với việc không tôn trọng công sức của người làm phim. Không những thế, việc đã có hơn 5.000 lượt xem thì tổng thiệt hại cho nhà sản xuất có thể đã lên mức 250 - 300 triệu đồng. Đó là chưa kể những lượt chia sẻ và lưu trữ trong thời gian 30 phút sẽ khiến con số thất thoát tăng cao hơn.

Phim do Ngô Thanh Vân sản xuất ước tính thiệt hại ban đầu hơn 250 triệu với 30 phút bị quay lén trong rạp.

Theo điều tra, người có hành vi trái phép khi quay lén trong rạp là một thanh niên chỉ mới 19 tuổi (sinh năm 1998), ngụ tại Vũng Tàu. Nam thanh niên này cho biết mục đích livestream phim trong rạp nhằm “câu like”, “câu bình luận” trên facebook. Sau khi bị công an địa phương bắt giữ, nam thanh niên chủ động gửi lời xin lỗi tới Ngô Thanh Vân về hành vi thiếu nhận thức và còn nông nổi, chưa hiểu mức độ nghiêm trọng của sự việc trên.

Căn cứ theo quy định tại điều 27, Nghị định 131/2013, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng.

Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thì có thể bị xử lý theo điều 170a bộ luật Hình sự. Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người phạm tội có thể bị phạt tù tới 3 năm. Với điều luật nêu trên, nhiều khả năng nam thanh niên 19 tuổi sẽ bị phạt nặng về hành vi này.

Về phía Ngô Thanh Vân, khi được phóng viên liên lạc, đại diện của cô cũng như phía bộ phim Cô Ba Sài Gòn cho biết nhà sản xuất vẫn cân nhắc về việc ưu cầu về biện pháp xử lý trước hành động gây tổn thất lớn trên. Phía VAA (công ty của Ngô Thanh Vân) vẫn đang làm việc với đơn vị phát hành phim là BHD trong việc đưa ra kết luận cuối cùng.

Ngô Thanh Vân bất lực trước cách cư xử của một bộ phận giới trẻ hiện nay vô tình gây ảnh hưởng cho nền điện ảnh Việt Nam. (Ảnh: chụp màn hình)

Thất thoát hơn 250 triệu, ai là người chịu lỗ?

Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn livestream, quay lén phim Việt diễn ra tại các rạp phim. Việc tiếp tay cho những hành vi thiếu ý thức này có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho các bộ phim. Với sự tổn thất về doanh thu có thể ước tính ở mức hơn 300 triệu, thậm chí nhiều hơn khi bị lữu trữ và phát tán, câu hỏi của nhiều khán giả đang lên án vấn nạn này là: “Ai sẽ người phải chịu lỗ?”.

Một bộ phim điện ảnh khi công chiếu tại Việt Nam, ngoài việc các đơn vị sản xuất bỏ mức chi phí đầu tư lớn để có sản phẩm chất lượng, thì phía đối tác phát hành cũng ở vị trí quan trọng, đóng góp về mức độ doanh thu khi phim ra rạp. Với những bộ phim Việt chất lượng như Cô Ba Sài Gòn, đơn vị phát hành BHD sẽ có những phương án để tăng suất chiếu, từ đó doanh thu của phim sẽ đạt ở mức như mong đợi.

Ngược lại, những hành vi quay lén, livestream trong rạp như thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ về mặt doanh thu lẫn việc tạo ra thói quen tâm lý xấu cho khán giả tại Việt Nam. Với mức thiệt hạn hơn 250 triệu, liệu nhà phát hành sẽ là người chịu lỗ cho vấn đề này khi sự kiểm duyệt trong các rạp vẫn còn lỏng lẻo, hay đơn vị sản xuất phải ngậm ngùi “mất trắng” số tiền trên?

Câu hỏi này thực tế vẫn đang được phía Ngô Thanh Vân lẫn nhà phát hành phim trao đổi.

Cần xử lý nghiêm hay "giơ cao đánh khẽ"?

Dẫu ai là người chịu lỗ thì khoản thất thu lớn chỉ vì một hành động thiếu ý thức vẫn là nỗi buồn và nỗi sợ của các nhà sản xuất phim Việt. Trước phim Cô Ba Sài Gòn, nhiều sản phẩm điện ảnh cũng chịu chung số phận: Em chưa 18, Lô tô, Vòng eo 56, Sài Gòn anh yêu em... khi chỉ vừa ra rạp vài ngày đã có những bản quay lén tràn lan trên mạng. Bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng do Ngô Thanh Vân sản xuất vào năm 2016 cũng gặp tình trạng nêu trạng, tuy nhiên phía sản xuất lẫn đơn vị phát hành chọn cách khiển trách nhẹ, lập biên bản xử lý tại rạp và yêu cầu xoá đoạn clip.

Đạo diễn Lý Minh Thắng (phim Sài Gòn, anh yêu em) từng bức xúc khi đã làm việc với nhà phát hành một cách chặt chẽ ở khâu kiểm duyệt nhưng tình trạng trên vẫn không dừng lại. Sau những trường hợp trên, cư dân mạng lại nổi lên những làn sóng phản đối gay gắt, nhưng thực thế chỉ sau thời gian ngắn, khi bộ phim hết hạn chiếu rạp và khi những bộ phim mới được công bố thì… đâu lại vào đấy.

Hành động sai quy định trên bắt nguồn từ chính ý thức của người xem. Có nhiều người dù đã biết những quy định của rạp và của pháp luật về bản quyền nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi quay lén, tung lên mạng. Điều đó xuất phát từ bản tính tò mò, ham miễn phí của một bộ phận người Việt và hơn hết là vì sự “thích nổi tiếng”. Bởi họ biết rằng, khi livestream hay phát tán trên các trang mạng thì họ sẽ được quan tâm, chú ý nhiều hơn và bạn bè có thể xem hết trọn vẹn bộ phim mà không phải bỏ tiền ra rạp.

Có lẽ đã đến lúc cần phải xử lý thật nghiêm vấn nạn đang tồn tại âm ĩ trong cộng đồng xem phim Việt. Bởi sau những lần "giơ cao đánh khẽ", mọi việc vẫn tái diễn và cũng nhanh chóng trôi qua để lại sự bức xúc lớn trong lòng nhiều người, trong đó có cả nhà sản xuất vì chịu tổn thất doanh thu.

Một ý kiến khán giả cho biết cần phải xử phạt nghiêm trường hợp nam thanh niên Vũng Tàu để răn đe, cảnh tỉnh cho thanh niên kém văn hoá. Khán giả nên cùng chung tay để đẩy lùi hành động vô văn hoá để điện ảnh nước nhà không bị suy thoái bởi những suy nghĩ non nớt của một bộ phận khán giả trẻ đó ngày nay.

Một trong những ý kiến số đông cho rằng cần xử lý nghiêm những thành viên thiếu ý thức khi xem phim Việt. (Ảnh: chụp màn hình)

Tịnh Nghi

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: