Sự kiện hot
7 năm trước

Siết chặt điều kiện kinh doanh giống lúa

Sau sự cố bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên vụ lúa xuân 2017, chủ yếu tập trung vào một số bộ giống chủ lực, ngành NN-PTNT Hà Tĩnh đang tập trung kiểm tra, giám sát công tác kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) nói chung và điều kiện kinh doanh giống lúa nói riêng.

* 42 cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh

Mục đích là ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào.

Tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, cung ứng giống lúa trên địa bàn

Ông Lê Tùng Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, năm 2014 đã từng xảy ra sự cố liên quan đến giống lúa, gây thiệt hại lớn, đến vụ xuân 2017, kịch bản này lại lặp lại.

Bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành đã “ngốn” hơn 20.000ha lúa tương đương trên 10 vạn tấn lúa, gây “thiệt đơn thiệt kép” cho người sản xuất. Đáng lo ngại hơn là bà con hoang mang, khi mỗi mùa vụ đến không biết nên lựa chọn bộ giống nào cho an toàn.

2 vụ “tai nạn” nghiêm trọng trong 4 năm đã giúp cho các DN SXKD giống và nhà quản lý nhiều bài học đau xót. Vì vậy, gần đây tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kinh doanh VTNN, đặc biệt là giống lúa.

“Ngoài kiểm tra định kỳ, Chi cục tham mưu lãnh đạo Sở làm việc trực tiếp với các đơn vị sản xuất, cung ứng giống lúa trên địa bàn, yêu cầu họ cung cấp rõ kế hoạch cung ứng giống trong từng vụ như: chủng loại, số lượng, địa điểm làm giống, giao hàng; đặt biệt là các giống tham gia sản xuất cánh đồng lớn, hàng hóa tập trung”, ông Dương nói.

Chi cục cũng tham mưu cho Sở đề nghị tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, TX tăng cường kiểm soát lượng giống cung ứng theo chính sách, việc “đổ” hàng nên tập trung về một đầu mối có uy tín nhằm tinh gọn và tránh tình trạng cơ sở không có chút chuyên môn nào về giống cũng đi làm giống.

Giao trách nhiệm cụ thể việc kiểm tra chất lượng giống (nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận hợp quy, thử tỷ lệ nảy mầm...) trước khi cung ứng cho dân cho phòng ban chuyên môn, hạn chế việc giống cung ứng không ai kiểm soát.

Tăng cường phối hợp, tạo kênh liên lạc giữa xã, huyện và tỉnh thông qua việc kiểm soát mã hiệu từng lô giống. Cách làm này giúp cơ quan chức năng biết được lô giống nào đã kiểm tra, lô nào chưa kiểm tra.

Thanh Nga - Thanh Mai
Theo Nông nghiệp

Từ khóa: