Sự kiện hot
7 năm trước

Sợi polyester của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá: Lại do Trung Quốc?

Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Sợi polyester nhập từ Việt Nam vào Mỹ bị điều tra trong bối cảnh làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào nước ta lĩnh vực này ngày càng tăng. Ảnh minh họa

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 20/6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra là xơ sợi tổng hợp, chưa chải thô, chải kỹ hay sơ chế bằng cách khác để xe chỉ, không dệt hoặc hình thức sử dụng khác, làm bằng polyester có đường kính sợi nhỏ hơn 3,3 decitex (gọi chung là xơ sợi polyester - PV) có mã HS: 5503.20.0025.

Nguyên đơn trong vụ việc này là các Tập đoàn DAK Americas, Tập đoàn Nan Ya Plastics, Công ty Augira Polymers.

Các Tập đoàn trên cáo buộc, sản phẩm bị điều tra được xuất khẩu sang Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận, sụt giảm khối lượng bán hàng, suy giảm thị phần, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm công suất sử dụng.

Trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13.000 tấn mét sản phẩm bị điều tra sang thị trường Mỹ với trị giá khoảng 12,4 triệu USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc (79,4 triệu USD) và Ấn Độ (14,7 triệu USD).

Đáng chú ý biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 64,73% và cao thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam xuất khẩu hộ Trung Quốc?

Việc Bộ Thương mại Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam vào thời điểm này đặt ra yêu cầu công khai, minh bạch về nguồn gốc sản phẩm trong nước, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Tính từ tháng 9/2015, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực dệt mau, sơ sợi tại Việt Nam đang có chiều hướng tăng đột biến.

Chẳng hạn như dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương.

Hay như dự án nhà máy sản xuất sợi - dệt- nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD của Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) tại KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản, Nam Định). Dự án có công suất gần 10.000 tấn sợi/năm, dệt 21,6 triệu mét/năm và nhuộm 24 triệu mét/năm, đi vào hoạt động khoảng giữa năm 2016.

Tại TP.HCM, từ đầu năm 2015, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng tiến hành đầu tư 4 dự án vào ngành sợi, dệt, may.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) từng đưa ra cảnh báo Trung Quốc đang có chủ trường dịch chuyển các nhà máy ở trong nước sang Việt Nam.

Theo TS Thắng, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ xuất hộ Trung Quốc sản phẩm, trong đó phần lớn giá trị gia tăng là của phía họ.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam gặp phải những rắc rối và bị điều tra phá giá cùng hàng Trung Quốc.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng tiến hành điều tra chính thức về việc các công ty Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo cáo buộc của doanh nghiệp tại Mỹ, sau khi Hoa Kỳ áp mức thuế cao như trên, lượng xuất khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm rõ rệt, nhưng lượng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam vào Mỹ lại tăng đột biến.

Hoàng Nam
Theo Đất Việt

Từ khóa: