Sự kiện hot
6 năm trước

TP HCM sẽ kiểm tra, nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương trong năm 2018

Theo thông tin từ UBND TP HCM, cơ quan này vừa giới thiệu 4 công trình vào danh sách được Hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức kiểm tra, nghiệm thu năm 2018.

Theo đó, các công trình này bao gồm:

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương (hay còn gọi là tuyến đường sắt đô thị số 2). Chủ đầu tư dự án: Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM.

Dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. Chủ đầu tư dự án: Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị.

Dự án “Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2”. Chủ đầu tư dự án: Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP HCM.

TP HCM sẽ kiểm tra, nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương trong năm 2018. Ảnh: Internet.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Chủ đầu tư dự án: Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM.

Mới đây, UBND TP HCM đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM - tuyến Bến Thành - Tham Lương.

Trong văn bản số 776/TTr – UBND do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến ký gửi các bộ ngành liên quan vào cuối tuần trước, trong đó có Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo thành phố khẳng định việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương là bất khả kháng và đã được Liên danh Công ty TNHH Mott MacDonald Singapore - Công ty TNHH Giao thông vận tải thẩm tra kỹ.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án mà UBND TP HCM xin điều chỉnh là 48.771,119 tỷ đồng, tương đương 2.173,207 triệu USD, tăng 798,71 triệu USD (khoảng 58%) so với tổng mức đẩu tư được duyệt năm 2010 (là 1.374,5 triệu USD).

Có bốn lý do chính dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của Dự án được thành phố đưa ra là do điều chỉnh thiết kế cơ sở do biến động giá nguyên vật liệu, tăng lương tối thiểu từ năm 2010 đến năm 2017; tăng chi phí giải phóng mặt bằng do đơn giá bồi thường phải được tính toán theo giá thị trường theo quy định hiện nay; do chi phí dự phòng tăng theo các chi phí cơ bản tăng và do điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án: Dự phòng trượt giá tới năm 2024 do thời gian thực tế triển khai Dự án dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành theo yêu cầu thực tế hiện nay; do thay đổi tỷ giá và lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng.

Đối với khoản kinh phí tăng thêm, UBND TP HCM cho biết là ADB đã xác nhận khoản vay bổ sung 500 triệu USD trong năm 2018; Ngân hàng KfW xác nhận khoản tài trợ 200 triệu Euro và phương án vay bổ sung. Bên cạnh đó, Ngân hàng EIB cho biết là sẽ bổ sung vốn 50 triệu Euro cho Dự án từ nguồn vốn bị hủy của Hiệp định hạn mức tín dụng tài trợ cho Chương trình biến đổi khí hậu.

UBND TP HCM cũng xin điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án từ năm 2018 đến năm 2024 để đảm bảo đủ thời gian thực hiện hoàn thành Dự án theo yêu cầu của thực tế (thời gian này đã được thành phố thảo luận và thống nhất với các Nhà tài trợ).

Khánh Hà
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: